Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo động tình trạng nước nhiễm asen

Thứ ba, 19/07/2011 - 09:57

(Thanh tra)- Nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc ung thư da của người dân địa phương có nước nhiễm asen lớn hơn bình thường và ảnh hưởng không ít đến sức khỏe con người… Theo TS Nguyễn Duy Bảo, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, ô nhiễm asen (thạch tín) trong nước ăn uống là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, có ô nhiễm asen trong nước ngầm ở nhiều khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng.

*Đến năm 2015, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được trên 200.000m3 nước sinh hoạt từ nguồn nước sông Đà
Năm 2003, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, với sự tài trợ của UNICEF đã tiến hành Dự án “Điều tra tình trạng ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm và các ảnh hưởng độc hại tới sức khỏe cộng đồng dân cư tại Hà Nam”. Kết quả cho thấy, trong số 1.932 giếng nước khoan ở 3 xã nghiên cứu, chỉ có 10,9% mẫu nước đạt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 02: 2009/BYT, 89,1% mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó 27,7% mẫu nước có nồng độ asen trên 0,25mg/L.

Trước tình hình ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Việt Nam ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành QCVN 01: 2009/BYT về Tiêu chuẩn nước ăn uống và QCVN 02: 2009/BYT về Tiêu chuẩn nước sinh hoạt, trong đó quy định nồng độ giới hạn của asen. Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, giám sát và dự phòng nhiễm độc asen do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm asen. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế của 50 xã tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng về phương pháp khám, phát hiện và chẩn đoán nhiễm độc asen. Chương trình Hành động Quốc gia giảm thiểu ô nhiễm asen cũng có nhiều hoạt động điều tra và lập bản đồ ô nhiễm asen trên toàn lãnh thổ Việt Nam; nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý nước ô nhiễm asen, từng bước xây dựng các trạm cấp nước tập trung cho vùng có nguy cơ...

Phơi nhiễm lâu dài với nước nhiễm asen có thể gây những tác hại lâu dài đối với sức khỏe như loét da, hoạt tử da, ung thư da, ung thư đường tiêu hóa, tiết niệu, gan… và thậm chí tử vong.

Đầu năm 2011, một nghiên cứu do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nam tiến hành tại 6 xã của tỉnh Hà Nam. Kết quả cho thấy, trong số 122 mẫu nước, có 14% mẫu có nồng độ asen cao hơn mức cho phép theo QCVN 02: 2009/BYT. Nước ngầm không xử lý có nồng độ asen cao nhất, tiếp theo là nước ngầm được xử lý, nước vòi và nước mưa.

Theo TS Nguyễn Duy Bảo, tỷ lệ bệnh nhiễm độc asen mãn tính trong cộng đồng dân cư sử dụng nước ô nhiễm asen để ăn uống tại đồng bằng sông Hồng là 1,62%. Hiện chưa có các phương pháp điều trị những bệnh do asen gây ra, nên chủ yếu vẫn tập trung vào các biện pháp dự phòng. Để giảm thiểu asen trong nguồn nước, người dân đã tự làm bể lọc, chủ yếu là lọc qua cát đen, cát và sỏi chiếm 96,8%. Kết quả, từ 41,1 - 63,5% nước sau lọc đạt tiêu chuẩn để ăn uống và 83,2 - 97,6% mẫu nước sau lọc đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Mô hình bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường nghiên cứu đã giải quyết tương đối triệt để sắt và asen trong nước ngầm: 100% nước sau lọc đạt tiêu chuẩn về hàm lượng asen dùng cho nước sinh hoạt. Mô hình này đã được phổ biến áp dụng tại nhiều tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định…

Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, ô nhiễm asen trong nước ngầm được tìm thấy tại nhiều nơi ở miền Bắc, miền Nam. Kết quả nghiên cứu của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường công bố cuối tháng 6/2011 cho thấy, 3/4 số hộ dân được điều tra ở 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng có nguồn nước giếng khoan nhiễm asen cao hơn nhiều so với mức cho phép. Tại miền Bắc, ô nhiễm asen trong nước ngầm tại nhiều khu vực như Hà Nam, Hà Tây (cũ) và một số khu vực ở Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương. Trong đó, tỉnh Hà Nam là địa phương có nguồn nước bị ảnh hưởng ô nhiễm asen nhiều nhất.

Tại Hà Nội, nước máy sinh hoạt ở nhiều khu dân cư có nồng độ amoni vượt mức cho phép hàng chục lần, có nơi nước còn chứa cả asen. Nước ngầm không xử lý dễ bị ô nhiễm asen. Đây là kết quả tổng hợp của TSKH Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) trong quá trình lấy mẫu thử nước máy tại các khu dân cư trên khắp địa bàn Hà Nội. Biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ amoni và asen là dùng nước sông Đà thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, mục tiêu của Hà Nội tới năm 2015 chỉ mới cung cấp được 200.000m3 nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước sông Đà, trong khi người dân nội thành mỗi ngày đang dùng hơn 750.000m3.

Long Hoàng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm