Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 01/05/2011 - 21:20
(Thanh tra) - Tại thời điểm Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chuẩn bị lực lượng các Quân đoàn chủ lực tham gia tấn công giải phóng Sài Gòn, thì trong nội thành công tác đảm bảo cơ sở cho 5 cánh quân chuẩn bị nổi dậy cũng đang ráo riết thực hiện. Với muôn vàn khó khăn, nhưng các hoạt động trong lòng địch đã được lực lượng vũ trang nội thành do Thành đoàn phụ trách đã hoàn chỉnh về công tác tổ chức. Đội quân đặc biệt có nhiệm vụ cũng đặc biệt và không kém phần quan trọng trong giải phóng thành đô. Tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng là đòn quyết định tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Đây là mẫu mực trong chiến thuật quân sự!
Bà Trương Mỹ Lệ (đứng thứ 2, hàng trước, từ phải sang) cùng các cán bộ Thành đoàn trở lại thăm cơ sở cũ trong nội thành
Giờ khởi nghĩa cận kề!
Những ngày tháng Tư lịch sử này, bà Trương Mỹ Lệ, nguyên cán bộ Thành đoàn vẫn còn bồi hồi: “Trong lúc Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đang chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công thì trong nội thành Sài Gòn chúng tôi cũng đang ráo riết chuẩn bị 5 cánh quân nổi dậy. Tháng 01/1975, ông Mai Chí Thọ chỉ đạo chúng tôi sắp xếp lại Thành đoàn, bổ sung cán bộ cho Quận đoàn để chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa. Tôi là Chỉ huy trưởng tiền phương; anh Nguyễn Chơn Trung vẫn bám ở Thành đoàn. Ban Chỉ huy tiền phương “xốc lại” lực lượng cán bộ và chia Sài Gòn làm 5 khu vực. Khu vực Ngã Bảy, Bàn Cờ thuộc quận 3; khu vực Xóm Chiếu, Khánh Hội (quận 4); khu vực ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); khu vực Cầu Bông, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); khu vực Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm (quận Tân Bình). Ông Mai Chí Thọ tiếp tục chỉ đạo thành lập Chi bộ tại các khu vực đó để lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa tại chỗ. Sở chỉ huy đặt tại Bàn Cờ với “điểm nút” là nơi giao liên sẽ nhận và truyền đạt mệnh lệnh từ cấp trên và chuyển về các khu vực khác. Do nguyên tắc bí mật, “điểm nút” là nơi các giao liên trao đổi thông tin với nhau bằng miệng và không có bất cứ một loại giấy tờ nào. Từ nút giao liên này, toàn bộ các chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên cũng như báo cáo của khu vực sẽ được các giao liên bí mật chuyển đi.
Đây cũng là lúc các cô chú Thành đoàn bấy giờ tích cực làm công tác dân vận để thu hút quần chúng, sinh viên, học sinh, thương lái, chủ doanh nghiệp. Chưa biết bao giờ Chiến dịch bắt đầu, thời điểm khởi nghĩa bắt đầu, nhưng qua các thông tin từ nút giao liên thì Chỉ huy các cánh quân đều hiểu rất tường tận: Ngày tổng tiến công và nổi dậy đang liền kề! ông Nguyễn Văn Ngọc, phụ trách cánh quân ở khu vực quận Tân Bình, cho biết: “Khu vực của tôi là phía Đông Bắc Sài Gòn. Nơi đây có khá nhiều đơn vị quan trọng, đồn bót của lính ngụy. Nhưng, lại là nơi có nhiều người dân lao động. Song song với việc vận động bà con chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa thì chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ của bà con giáo dân, một số quân nhân có cảm tình với cách mạng. Chiều 23/4, chúng tôi liên lạc được với anh Ba Đầy ở bên kia cầu Tham Lương. Anh Ba Đầy cho biết cứ thấy bộ đội về thì tranh thủ treo cờ giải phóng ngay! Đấy, mệnh lệnh chỉ như vậy thôi!”.
Cơ sở nằm tại điểm!
Dù trong lòng địch, dù tình trạng Sài Gòn đang đặt trong sự kiểm soát gắt gao và lệnh thiết quân luật hàng đêm, nhưng 5 cánh quân nội thành vẫn âm thầm thực hiện các phần việc của mình. Từ mua vải, may cờ giải phóng; đến in khẩu hiệu, truyền đơn; rồi ghi âm lời kêu gọi được các cánh quân tổ chức nhuần nhuyễn và chỉ chờ lệnh khởi nghĩa. Bà Trần Thị Ngọc Hảo, cán bộ cánh quân quận 4 cho biết: “Việc rải truyền đơn để thông báo, vận động cho người dân tham gia khởi nghĩa có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Sài Gòn lúc bấy giờ được kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt lắm, và Thành đoàn đã vận động được một số sĩ quan ngụy có cảm tình với cách mạng tham gia thực hiện công tác này. Sài Gòn giới nghiêm, nhưng sĩ quan ngụy thì đi lại bình thường. Các chú lính đã giấu truyền đơn và đêm nào cũng rải truyền đơn tại các khu vực đông dân cư. Khu vực quận 4 có rất nhiều sinh viên y, dược, nha tham gia. Chúng tôi vận động anh em phải có mặt đầy đủ tại khu vực này để chờ lệnh. Trước đó, anh em sinh viên đã tham gia công tác xã hội rồi. Nên đêm đó khi chúng tôi chộn rộn thì quân lính cứ nghĩ là anh em sinh viên làm công tác xã hội!”.
Vào chiến dịch, các cánh quân nội thành đều không biết chính xác giờ khởi nghĩa, nhưng mọi công tác đã chuẩn bị đã sẵn sàng. Sáng 30/4/1975, khi bà Trương Mỹ Lệ đi kiểm tra các “nút giao liên” trở về đến Bàn Cờ thì nhận được lệnh. Bà Lệ nói: “Vừa về đến nút giao liên thì gặp cô giao liên Út Phượng thông báo lệnh khởi nghĩa. Tôi chỉ đạo cho anh em ráp cờ và treo ngay tại số nhà 115 đường Bàn Cờ. Đây là cơ sở của ta, nhưng mấy ngày qua bọn địch chiếm giữ. Các băng rôn chào mừng quân giải phóng được căng ra tại địa chỉ đó và các con đường, con hẻm. Anh em đeo băng đỏ LLVT nội thành Sài Gòn - Gia Định đi vận động bà con khởi nghĩa. Bà con rất ngạc nhiên, nhưng rất hào hứng tham gia cùng chúng tôi xóa cờ ba que, chiếm các trụ sở lính tự vệ, thu gom súng…
Tôi đã tham gia chiến dịch Mậu Thân và tôi biết tình hình khốc liệt đến mức độ nào. Nhưng, không ngờ ngày 30/4/1975 lại diễn biến nhanh quá, chiến thắng trọn vẹn quá!”. Khu vực quận Tân Bình cũng sôi động không kém. Ông Nguyễn Văn Ngọc, nhớ lại: “Đêm 29/4, khi thấy quân giải phóng xuất hiện ở cầu Tham Lương thì chúng tôi đã treo cờ. Các má, các dì, các chị tiểu thương mua bán ở các chợ cũng đồng loạt vẫy cờ giải phóng. 8 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chúng tôi mượn loa của Nhà thờ Tân Hương tổ chức phát lời kêu gọi. Cuộc nổi dậy khởi nghĩa đã thành công tốt đẹp và lúc này tôi mới cảm nhận và thấm thía với công tác dân vận”. Tại quận 4, cờ giải phóng đã được treo rợp trời trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bà Trần Thị Ngọc Hảo, không giấu cảm xúc: “Vùng đất quận 4 nổi tiếng là vùng đất dữ. Do vậy, đêm 30/4/1975, chúng tôi rất lo lắng. Bọn du đãng lợi dụng thanh toán nhau thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự. Do vậy, anh em chúng tôi đã chia nhau đi tuần tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình hình!”.
Ngày 30/4/1975, 5 cánh quân nội thành được xem như một Chính quyền lâm thời tại cơ sở trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự tại chỗ để ngày hôm sau chuyển giao lại cho Chính quyền địa phương và trở về “tổng hành dinh” tại số 4 đường Duy Tân mà nay là Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn Hiệp
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ngọc Giàu
21:49 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân