Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

350 nghìn tỷ đồng đầu tư như thế nào vào việc "soi đường" của văn hóa?

Phạm Mạnh Hà

Thứ hai, 16/10/2023 - 11:04

(Thanh tra) - Đề án Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030 (trong 4 năm), được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) với kinh phí lên tới 350.000 tỷ đồng đang xôn xao dư luận cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước hết, phải nói ngay, 350.000 tỷ đồng là tiền mồ hôi công sức lao động của nhân dân, cho nên khi đem số tiền khủng đó đầu tư vào 1 lĩnh vực rất khó cân đong đo đếm như lĩnh vực văn hóa, là rất đáng phải bàn kỹ đến việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khổng lồ này.

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", cho nên, vấn đề không phải là văn hóa không đáng để đầu tư 350.000 tỷ đồng, mà vấn đề là đầu tư 350.000 tỷ đồng vào văn hóa như thế nào để "có lãi", tức là đạt được hiệu quả văn hóa là kim chỉ nam "soi đường cho quốc dân đi".

Vậy thì vấn đề ở đây, trước tiên, là phải xác định cho được rõ cái phần "soi đường" của văn hóa đối với tình hình hiện nay nó như thế nào, để mà đầu tư 350.000 tỷ đồng vào đấy, cho đúng chỗ, thì lĩnh vực văn hóa sau khi "nuốt" 350.000 tỷ đồng mới đạt được hiệu quả "soi đường cho quốc dân đi"!

Ở đây xin đưa ra mấy cái nhìn về phần "soi đường" của văn hóa hiện nay như thế này:

- Thứ nhất, văn hóa hiện nay phải giúp được người Việt Nam "thêm bạn, bớt thù".

Với tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam rất cần đến đường lối ứng xử càng nhiều bạn càng tốt, càng ít kẻ thù càng tốt. Hòa bình và thịnh vượng cho Việt Nam chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng đó. Và văn hóa trang bị cho con người Việt Nam hiện nay phải đảm đương được trách nhiệm này. Do vậy 350.000 tỷ chấn hưng phát triển văn hóa phải làm sao đầu tư cho trúng vào 1 trong những yếu tố tối quan trọng này.

Muốn thêm bạn, bớt thù, thì văn hóa phải làm sao? Dĩ nhiên, muốn làm bạn được với người ta, thì văn hóa mình phải có nhiều giá trị chung chia sẻ được với họ. Khi đồng cảm về những giá trị chung của nhau, thì mới trở thành bạn. Khi thành bạn, thì chúng ta sẽ bớt đi kẻ thù. Đó rõ ràng là yêu cầu tối thượng đặt ra đối với việc chấn hưng, phát triển văn hóa. Cho nên chấn hưng văn hóa là phải làm sao phục hồi, phát triển được những giá trị chung trong văn hóa với cộng đồng quốc tế, chứ chấn hưng văn hóa không phải là khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong văn hóa với bạn bè quốc tế. Điều này là tuyệt đối tối kỵ, bởi chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh sắc tộc xảy ra trên thế giới, nguyên nhân chính vì kết hợp mâu thuẫn gay gắt về văn hóa.

Do vậy, những nét văn hóa như diễn cảnh đâm trâu, chém lợn, ăn thịt chó mèo... gây phản cảm cho bạn bè quốc tế, thì chúng ta không nên chấn hưng, mà nên hạn chế tối đa mức phản cảm của nó với bên ngoài. Văn hóa lịch sử cũng tránh những tình tiết nuôi dưỡng thù hận quá khứ lại làm thêm thù bớt bạn, là tuyệt đối tránh.

- Thứ hai, văn hóa hiện nay phải dạy người Việt Nam "nhà nghèo vượt khó".

Việt Nam là đất nước đang phát triển, sức cạnh tranh còn thấp, đời sống người dân đa số còn nhiều khó khăn. Do vậy 350.000 tỷ đồng phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa con người Việt Nam hiện nay phải làm sao cổ vũ cho người dân lối sống "nhà nghèo vượt khó", chứ không phải dạy người dân "nhà nghèo sống kiểu nhà giàu". Do đó 350.000 tỷ đồng này tránh đầu tư công trình xa hoa phô trương hào nhoáng hình thức bề ngoài làm cho người dân ảo tưởng rằng nước mình đang giàu thì mình sống hưởng thụ. Mà cần đầu tư vào những công trình văn hóa giản dị nhưng ý nghĩa lớn, những tác phẩm kinh điển giá trị giáo dục cao, những hoạt động văn hóa thiết thực cổ vũ mạnh mẽ tinh thần vượt khó, quyết tâm cao, đó cũng là bí quyết từ 2 bàn tay trắng vươn lên cường quốc của nhiều dân tộc.

Quan điểm này cũng hữu ích với đầu tư công nghiệp văn hóa, tức là làm sản phẩm văn hóa để bán, xuất khẩu, thì với thực tại "2 bàn tay trắng", bài toán có lãi đặt ra cho 350.000 tỷ đồng đầu tư văn hóa vẫn là phải làm sản phẩm văn hóa theo tư duy "nhà nghèo vượt khó", chứ không phải là làm sản phẩm văn hóa theo tư duy "nhà nghèo học cách tiêu tiền của nhà giàu", bởi như thế thì chỉ có lỗ.

- Thứ ba, văn hóa phải tinh hoa thì mới soi sáng dẫn đường.

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", cho nên văn hóa phải là tinh hoa hội tụ từ cổ chí kim, phù hợp với tình hình hiện nay, và lẽ đó thì chấn hưng phát triển văn hóa lại phải gạt bỏ những thứ không còn phù hợp với thời đại. Chúng ta vẫn cứ bảo tồn những thứ văn hóa cổ là một phần của lịch sử, nhưng không nên chấn hưng, phát triển khi nó không phù hợp bởi vô tình sẽ cản trở tư duy tiến bộ của thời đại. Xu hướng xã hội ngày càng tiến tới hiện đại văn minh hơn thì văn hóa soi đường càng phải chắt lọc tinh hoa để dẫn dắt xây dựng xã hội văn minh hiện đại.

Tóm lại, Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030 cần làm rõ vấn đề "soi đường cho quốc dân đi" của văn hóa trong tình hình hiện nay, để đầu tư 350.000 tỷ đồng vào cho đúng cho trúng để đạt được hiệu quả "có lãi" với vốn đầu tư rất lớn này. 350 nghìn tỷ đồng đầu tư văn hóa mà "lãi" làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sánh vai các cường quốc 5 châu thì rất đáng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm