Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10% phụ nữ từng bị lạm dụng tình dục

Thứ năm, 22/09/2011 - 14:13

(Thanh tra) - Ngày 22/9, diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ tư “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: Vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ” do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Quang cảnh diễn đàn

Theo các khảo sát, nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và của Tổng cục thống kê, 32% số phụ nữ Việt Nam kết hôn đã từng bị bạo hành thể xác. Chủ yếu phụ nữ bị bạo hành bởi chính chồng mình. 10% số phụ nữ cho biết, từng bị lạm dụng tình dục. Trên thực tế, 8/10 vụ ly hôn có dấu hiệu bạo hành gia đình.

Đáng lưu ý, trong số những vụ việc bạo hành gia đình được phát hiện qua khảo sát của UNODC (900 nạn nhân) chỉ có 43% được báo với công an.

Theo bà Daria Hagemann, chuyên gia dự án của UNODC, phần lớn nạn nhân không được chăm sóc y tế (68%). Ngay cả với những người được chăm sóc thì trường hợp của họ cũng không được nhân viên y tế báo cáo lại với các cơ quan chức năng khác (93%). Điều này cho thấy sự phối hợp giữa các ban ngành, đặc biệt là giữa ngành Y tế với các cơ quan khác chưa được thực hiện tốt.

Hiện có 61% vụ việc bạo hành gia đình được đưa ra hòa giải. Tuy nhiên, chỉ có 17% số vụ hòa giải thành công, bạo hành gia đình chấm dứt.

Đặc biệt, bạo hành tình dục hiếm khi được báo, mặc dù 36% số phụ nữ trong khảo sát của UNODC cho biết từng bị hiếp dâm hoặc hiếp dâm không thành. Bà Amarsanaa Darisuren, chuyên gia về nhân quyền, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc khu vực Đông và Đông Nam Á nhận xét, hiện tượng không báo các vụ việc này khá phổ biến trên thế giới. Các trở ngại chính là tâm lý sợ bị kỳ thị, chi phí làm các xét nghiệm cao, tỷ lệ kết án thấp, người phụ nữ không nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt, tại nhiều quốc gia, việc kỳ thị đối với nạn nhân của bạo hành tình dục còn lớn hơn đối với tội phạm.

Tại diễn đàn, đánh giá thực tiễn triển khai thi hành quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào xây dựng pháp luật, bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét: Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đã bước đầu quan tâm, chú ý đến việc bảo đảm bình đẳng giới trong các quy định, chính sách của các dự án luật khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, công tác lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Thách thức lớn còn tồn tại là quan niệm, nhận thức, của một bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác này; khó khăn về kỹ thuật như tính khó nhận biết của vấn đề về giới, sự thiếu hụt chuyên gia về giới và kỹ năng thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, khó khăn trong thu thập số liệu, thông tin…

Để phòng, chống bạo lực gia đình, theo các chuyên gia cần nâng cao nhận thức và bảo vệ nạn nhân. Các nạn nhân, cơ quan chức năng và xã hội cần quan tâm nghiêm túc đến vấn đề này, không đổ lỗi cho phụ nữ về việc lạm dụng, thông hiểu pháp luật cũng như các biện pháp phòng, chống hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực và đào tạo cho các hòa giải viên, người trung gian trong các vụ việc bạo hành gia đình; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan và phân bố các nguồn lực phù hợp, nâng cao chất lượng xử lý các vụ việc.

Ngọc Diệp

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm