Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vùng đất giàu truyền thống đoàn kết tôn giáo

Ngọc Anh

Thứ tư, 17/11/2021 - 17:41

(Thanh tra) - Nằm cách Thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc, Tiên Du - miền đất có truyền thống khoa bảng, được mệnh danh là nơi có “bồ tiến sĩ”, là quê hương của nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với nhiều di tích lịch sử văn hóa như chùa Phật Tích, chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn…

Chùa Phật Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: PSO

Tiên Du cũng là vùng đất có dấu ấn của Đạo Phật truyền vào từ rất sớm. Đồng bào nơi đây đa số đều theo đạo Phật và có truyền thống đoàn kết tôn giáo.

Theo Ban Trị sự Phật giáo Tiên Du, toàn huyện có 63 ngôi chùa, trong đó có 12 ngôi cổ tự được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, một số tự viện được công nhận là di tích quốc gia, có chùa Phật Tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. 47 chùa có sư trụ trì; trong đó 40 ngôi chùa đã được Ban Trị sự tỉnh bổ nhiệm, 7 cơ sở chưa thực hiện hồ sơ pháp lý.

Trong những năm qua, Phật giáo huyện Tiên Du đã đồng hành với các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các mục tiêu mà Huyện Uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã đề ra, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng cộng đồng làng xã văn minh, tiến bộ. Đặc biệt là tích cực tham gia góp phần vào sự thành công rực rỡ của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Chú trọng công tác tăng sự, tự viện, giáo dục tăng ni

Công tác tăng sự và tự viện là một trong những chú trọng trong 5 năm qua (2016 - 2021) của Phật giáo huyện Tiên Du.

Hầu hết 40 ngôi chùa có sư trụ trì đều thực hiện tốt trách nhiệm đối với các sinh hoạt theo nội quy Ban Tăng sự Trung ương, quy định của Giáo hội, cũng như pháp luật của Nhà nước và quy định hương ước của địa bàn nơi cư trú. Các chùa này cũng đã hình thành hội Phật tử, ban quản lý di tích (đối với chùa di tích), hay ban hộ tự và có sự kết hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương thôn, xã cũng như phối hợp với Ban Trị sự huyện.

Tổng số tăng, ni chính thức trong toàn huyện là 50 vị, trong đó có 27 tỳ khiêu tăng, 23 vị tỳ khiêu ni.

Là huyện có số lượng chùa, tự viện nhiều trong tỉnh, xong số lượng tăng, ni trụ trì các tự viện thì ít, nên Ban Trị sự huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng, ni có nhu cầu chuyển sinh hoạt về trụ trì tại các chùa trong huyện để thúc đẩy phong trào sinh hoạt và công tác Phật sự tại đây trên tinh thần lục hoà cộng trụ, vì sự phát triển chung của Phật giáo phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

Bên cạnh đó, Ban Trị sự Phật giáo huyện luôn ý thức và động viên các sư trong huyện không ngừng nâng cao trình độ về giáo lý Phật giáo, cũng như kiến thức ngoại điển và các vấn đề xã hội, tăng cường hiểu biết về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để áp dụng vào trong đời sống tu hành thường nhật, cùng với nhân dân xây dựng cuộc sống thanh bình tại địa bàn dân cư nơi mình trụ trì.

5 năm qua, huyện Tiên Du có 1 vị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 2 vị tăng và 1 sư cô bảo vệ luận văn thạc sĩ, 1 vị đang là nghiên cứu sinh tại Viện Trần Nhân Tông.

Tổ chức tốt các ngày đại lễ, tạo dấu ấn tốt đẹp cho nền văn hóa Phật giáo bản địa

5 năm qua, Ban Trị sự huyện đã tổ chức và phát động các chùa trong huyện thực hiện Thông bạch của Trung ương Giáo hội và hướng dẫn của Ban Trị sự tỉnh hội tổ chức tốt các ngày đại lễ của Phật giáo như: Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan báo hiếu…

Lễ hội Khán hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đặc biệt hằng năm vào dịp đầu Xuân, lễ hội Khán hoa Mẫu đơn tại chùa Phật Tích đã thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tạo nên dấu ấn tốt đẹp cho nền văn hóa Phật giáo bản địa…

Là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá và là nơi mà đạo Phật được bén rễ từ rất sớm, nên các chùa đều gắn với lễ hội truyền thống của các làng, xã. Hầu hết các chùa đều cùng với chính quyền địa phương tổ chức lễ hội trang nghiêm, tiết kiệm, không mê tín dị đoan, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc dân tộc.

Thực hành giáo lý từ bi cứu khổ của đạo Phật, tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Công việc từ thiện xã hội là một trong những hoạt động thể hiện việc thực hành giáo lý từ bi cứu khổ của đạo Phật, đây cũng là một công tác trọng tâm mà Ban Trị sự Phật giáo huyện luôn kêu gọi các tăng ni và đồng bào trong huyện nhiệt tình tham gia.

Hoạt động từ thiện được hầu hết tăng ni tham gia nhân dịp đại lễ Phật Đản, lễ Tết Nguyên đán, hưởng ứng đóng góp các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo.... Đặc biệt năm qua, khi trận lũ lụt lịch sử mà người dân miền Trung phải gánh chịu nhiều hệ lụy, hay các đợt dịch Covid-19 hoành hành, thì các cơ sở tự viện trên địa bàn huyện đều chung tay góp sức giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn.

Trong 5 năm qua, công tác từ thiện tại huyện Tiên Du do tăng, ni thực hiện là gần 200 tỷ đồng; trong đó, tại chùa Phật Tích là 170 tỷ đồng; chùa Bách Môn hỗ trợ hơn 80 bệnh nhân tại Trại phong Quả Cảm (TP Bắc Ninh) 20 triệu đồng/tháng...

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật, là một thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngôi nhà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng ni và đồng bào Phật tử huyện Tiên Du luôn hưởng ứng tích cực các phong trào xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh tại các khu dân cư.

Cùng với các đoàn thể trong toàn xã hội thực hiện các cuộc vận động và thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh. Đảm bảo đời sống hoà bình, ổn định, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực tham gia chống lại các tiêu cực xã hội và tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia.

Công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử là nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới

Thực hiện khẩu hiệu “hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong 5 năm qua, ở một số chùa trong huyện đã tổ chức giảng dạy Phật pháp lồng ghép vào các hoạt động hè của các cháu học sinh nhân kỳ nghỉ hè, như các khóa tu cho tuổi trẻ tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích), chùa Phúc Nguyện (xã Lạc Vệ), chùa Bách Môn (xã Việt Đoàn), chùa Hưng Phúc (xã Phú Lâm).

Một số chùa cũng tổ chức những buổi thuyết giảng về giáo lý Phật đà cho bà con đồng bào Phật tử nhân dịp các ngày đại lễ và ngày giỗ tổ. Hướng dẫn Phật tử tụng kinh hàng ngày, truyền thụ tam quy ngũ giới và giảng dạy cho các Phật tử.

Đại hội Đại biểu Phật giáo huyện Tiên Du lần thứ IX, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức ngày 15, 16/11/2021 đã thành công tốt đẹp. Ảnh: NH

Trong 5 năm tới (2021 - 2026), Ban Trị sự Phật giáo huyện đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức và đẩy mạnh công tác giáo dục và hoằng pháp tại một số chùa.

Kêu gọi tăng ni coi việc tham dự các khoá an cư kết hạ là quyền lợi và nghĩa vụ của người xuất gia. Động viên toàn bộ tăng ni tích cực theo học các khoá an cư để trau dồi kiến thức Phật pháp, trao đổi kinh nghiệm trụ trì, và nâng cao các hiểu biết về pháp luật để việc hành đạo có hiệu quả theo mục đích tốt đạo, đẹp đời.

Có kế hoạch cụ thể về chương trình giảng đạo, kiến thức Phật học phổ thông cho đồng bào Phật tử tại một số chùa, tổ đình lớn trong huyện. Kêu gọi tăng ni tham gia giảng dạy và động viên Phật tử tham dự các lớp này. Kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan và chống sự thâm nhập của các đạo lạ không đúng với tôn chỉ mục đích trong sáng của đạo Phật và văn hoá truyền thống dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm