Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Về Mường Lay say điệu xòe Thái

Thứ ba, 04/02/2014 - 07:13

(Thanh tra)- Tại Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 4), nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Điện Biên được công nhận là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thẻ quốc gia.

Múa xòe Thái. Ảnh: nguồn internet

Còn mươi hôm nữa mới đến Tết. Trong sân Nhà văn hóa bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, đống củi to như con trâu mộng nằm đã xếp chồng cao sát gầm sàn. Số củi này do Chi đoàn Thanh niên và chị em Chi hội Phụ nữ của bản quyên góp chuẩn bị cho đêm hội Xòe (đêm 30 Tết) đón mừng năm mới Gíap Ngọ 2014.


Ông Lò Văn Thu, dân tộc Thái trắng, năm nay đã ngấp nghé tuổi bát tuần, một trong những "kho lưu trữ" vốn văn hóa dân gian của dân tộc Thái, vừa tết dây trống vừa nói chuyện. Ông cho biết: Văn hóa dân gian của người Thái rất phong phú. Nó được ghi chép qua các bộ sử thi, tục ngữ, ca dao, dân ca. Đặc biệt là múa Xòe. Với người Thái, múa Xòe là nếp sinh hoạt văn hóa lành mạnh, món "ăn" tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Múa Xòe có nhiều điệu, nhưng phổ biến nhất là Xòe vòng tròn vỗ tay, tung khăn, tiến lùi, nâng khăn mời rượu. Mỗi điệu Xòe có nét độc đáo riêng nhưng tất cả đều rất giản dị, đại chúng, trẻ già, trai gái đều tham gia được.


Trang trí xong cho cái trống Xòe, ông Lò Văn Thu đưa chúng tôi sang bản Xá, xem đội văn nghệ bản múa Xòe. Đêm nay, chị em phụ nữ tập múa điệu Xòe nâng khăn mời rượu. Tập mà như thật. Dàn nhạc cụ đơn giản, cái trống là chủ, cái chiêng, chũm chọe, tính tẩu là đạo cụ phụ họa. Đống lửa giữa sân chưa bùng cháy, vòng Xòe chưa mở. Tiếng trống liên hồi dục giã, mời gọi. Càng về đêm, ngoài trời càng giá rét. Quá 7 giờ tối, lửa bập bùng, rực sáng. Vòng Xòe bắt đầu mở. Màn Xòe đầu là điệu Xòe vòng tròn vỗ tay. Các chàng trai cô gái, tay nắm tay đung đưa nhún nhẩy, bước lên bước xuống nhịp nhàng dưới ánh lửa bập bùng, mờ tỏ làm cho vòng Xòe càng thêm huyền ảo và sôi động.


Vòng Xòe nổi bật bởi các cô gái Thái trẻ trung duyên dáng thắt đáy lưng ong trong bộ trang phục áo cánh đính hàng khuy bạc hình con bướm, con nhện, con ve sầu, kết hợp với bộ váy màu thâm, thắt eo bằng dải lụa màu xanh, bên sườn đung đưa mấy dây xà tích bạc óng ánh. Trên đầu cô gái chít khăn piêu rực được thêu kỳ công với nhiều màu sắc rực rỡ.


Càng về khuya, trống Xòe càng rộn rã. Đống lửa càng bốc cao, tỏa sáng rừng rực. Vòng Xòe nới rộng hai, ba vòng. Chủ và khách, mọi người bắt đầu "say" Xòe, bị cuốn vào vòng Xòe, tay nắm tay, lòng xốn sang lướt trong vũ điệu ngất ngây, uyển chuyển. Bước chân vào vòng Xòe, mọi ưu tư phiền muộn trong cuộc sống thường nhật đều biến mất. Tình người ấm áp hẳn lên. Cuộc sống như vui hơn, ý nghĩa hơn.


Hai đêm ở Mường Lay là hai đêm không ngủ, là hai đêm đắm mình trong vòng Xòe. Từ bản Đớ, bản Bắc 1, Bắc 2, xã Nay Nưa đến bản Na Nát, bản Xá, tối nào cùng rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng thôi thúc mời gọi hội Xòe thâu đêm. 

Múa Xòe là một nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái Tây Bắc nói chung, của người Thái tỉnh Điện Biên và thị xã Mường Lay nói riêng. Múa Xòe còn thể hiện tính nghệ thuật cao, đó là biểu hiện tinh thần đoàn kết, thân thiện gắn bó, có tính tập thể. Múa Xòe còn là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái; yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, đến tình yêu đôi lứa vì lẽ đó mà người Thái tổ chức hội Xòe trong tất cả những dịp vui như: Hội Xuân, hội mùa, trong lễ cưới, ăn hỏi, hội họp. Những ngày trước, trong và sau Tết cổ truyền dân tộc, bản nào ở thị xã Mường Lay cũng tưng bừng hội Xòe. Ra Tết, các bản đưa hội Xòe đi giao lưu với nhau. Trong hội Xòe có cả hát đối, các trò chơi dân gian.


Về thị xã Mường Lay mới biết, đây là thị xã có dân số thấp nhất (trên 14.400 người), ít đơn vị hành chính nhất (2 phường, 1 xã) cả nước. Cái thị xã nhỏ bé này từng trải qua một cuộc “đại hồng thủy” năm 1990, toàn bộ khu vực dân cư hai bên bờ suối bị lũ quyét tàn phá làm trôi cầu sắt, bến xe, chợ, cơ sở hạ tầng. Năm 2006, thị xã Mường Lay thực hiện di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Những năm qua, do đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn nên các phong tục tập quán tốt đẹp, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc bị mai một, lãng quên. Tuy nhiên, với tâm huyết và lòng say mê với nghệ thuật dân gian của dân tộc mình, các nghệ nhân cao tuổi như: Ông Lò Văn Thu, bà Lò Thị Sơn... đã truyền nghề cho con cháu. Lấy nhà là lớp học, để tổ chức dạy múa Xòe, đánh trống, chiêng cho lớp cháu con trong bản. Nay, 100% bản, tổ dân phố trong thị xã đã có đội văn nghệ, hội Xòe, hầu như tất cả nam nữ thanh niên, trung niên không chỉ biết múa Xòe mà còn múa hay, múa đẹp. Người Thái, người Hà Nhì, Dao, Kinh, Hoa... Mường Lay cùng chung tay góp sức bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có múa Xòe - một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một di sản làm đắm say lòng người.                                                                                       

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm