Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếng vọng của ngàn xưa

Thứ ba, 08/01/2013 - 06:40

(Thanh tra) - Được mênh danh là “vua” của các loại nhạc cụ dân tộc giữa đất Sài Gòn. Nghệ sĩ Đức Dậu không chỉ cho thấy niềm đam mê vô tận của ông với âm nhạc dân tộc, khí cụ của các dân tộc thiểu số, mà còn là một nghệ nhân thực thụ với những trăn trở, suy tư về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên. Vì mục đích giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền của cha ông, nghệ sĩ Đức Dậu - trưởng ban nhạc gõ Phù Đổng TP. Hồ Chí Minh đã cất công sưu tầm và sử dụng nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ để truyền cho hậu thế.

Nghệ sĩ Đức Dậu đang biểu diễn tù và

Từ cái duyên

Sinh ra tại Hà Tây, nhưng từ nhỏ nghệ sĩ đã theo gia đình sinh sống cạnh rạp Đại Nam, Hà Nội. Bố mẹ nghệ sĩ thường ngạc nhiên khi thấy con trai rất say mê văn hóa dân tộc. Càng lớn, năng khiếu âm nhạc càng đậm nét. Những lúc về quê, chàng trai trẻ lại náo nức tham gia các lễ hội cổ truyền.

Năm 1986, khi đặt chân vào TP. Hồ Chí Minh, vì quá yêu nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Đức Dậu quyết định thành lập ban nhạc Phù Đổng, mà thành viên chính lại là các nghệ sĩ anh chị em ruột trong một gia đình (Đức Lợi, Đức Bình, Đức Quang, Bích Đào, Đức Tân - từng là diễn viên thuộc Đoàn ca múa Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Đoàn ca múa quân đội. Trong đó có nghệ sĩ Đức Dũng - được mệnh danh là “phù thủy” trên dàn trống - là anh em kết nghĩa của Đức Dậu).

“Nghệ Sĩ Đức Dậu từng nhận rất nhiều huy chương quốc tế về các cuộc thi, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên Xô, Nhật và Ba Lan. Anh cũng là người giống trống khai mạc tại lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, cũng như là nghệ nhân dàn dựng các tiết mục trống trận Tây Sơn, hòa tấu âm nhạc dân tộc tại các festival âm nhạc dân tộc, giao lưu âm nhạc dân tộc giữa Việt Nam và các nước.”


Năm 1980, khi biết được tiềm năng về nhạc gõ của gia đình nhà Đức Dậu, cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Chủ tịch đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã khuyên ông nên thành lập đoàn nhạc gõ. Nhạc sĩ này đã sáng tác bài “Tiếng trống đêm giao thừa” tặng cho ông. Và, ông Dậu đã dùng trống để lột tả hồn của tác phẩm. Bài biểu diễn đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Vì thế, sau này đoàn Phù Đổng đã mang tác phẩm này đi lưu diễn tại Liên Xô (cũ), Đức, Tiệp Khắc (cũ)...

Tháng 3/1996, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, đoàn đã tới hội trường Unesco tại Paris biểu diễn. Nhờ tìm tòi, học hỏi, Đức Dậu còn biết đánh cả trống trận Tây Sơn gồm 4 chương: Tập hợp quân, hành quân, chiến đấu, khải hoàn ca. Đặc biệt là ông đã rất thành công khi thể hiện độc tấu một trống tiếng vó ngựa cấp báo thể hiện tốc độ trong chiến đấu.

Nghệ sĩ Đức Dậu kể rằng, anh quyết thực hiện lời tâm niệm đau đáu của cố GS. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là sưu tầm và biểu diễn được các nhạc khí cổ truyền dân tộc bằng cách hòa mình vào thiên nhiên và công chúng để thể hiện cái hồn, cái hào khí dân tộc bằng phong cách đương đại.

Hơn 30 năm sưu tầm nhạc cụ (chủ yếu là bộ gõ), nhiều khi ông phải vay tiền để mua cho được một nhạc cụ đang rất cần. Điều mà Đức Dậu tâm đắc và cũng có thể là tự hào, là khi có trong tay một loại nhạc cụ nào thì anh phải tìm tòi, học hỏi để nắm vững kỹ thuật biểu diễn với những giai điệu nguyên gốc, hầu lột tả được “cái hồn, cái vía” của nhạc cụ ấy, bởi đó là tâm tư cuộc sống của từng dân tộc được thể hiện qua âm nhạc để truyền đời cho con cháu.

Khi xem nghệ nhân Việt Nam biểu diễn, không ít nhạc sĩ các nước đã ồ lên trầm trồ và nhận định rằng: Việt Nam là “tỷ phú” về bộ gõ, đàn đá là nhạc khí cổ trên thế giới. Được khán giả tiếp nhận, cổ vũ nồng nhiệt, bộ gõ của đoàn Phù Đổng đi vào võ thuật để biểu diễn tại một số nước châu Âu.

Theo ông Dậu: Từ những dụng cụ vô tri vô giác, bộ gõ đã có tiếng nói và linh hồn riêng. Trong dàn nhạc, bộ gõ được xem là phó nhạc trưởng. Ông còn rất thông thạo trống chầu trong ca trù. Ông đùa: Phải đánh giỏi phách để làm sao “chim bay đến, cá tới xem”. Đây là bộ môn rất cần những tay trống lão luyện.

Vua không ngai của nhạc cụ dân tộc cổ

Những năm của thập niên 80, được gia đình “tài trợ” ông không tiếc tiền lên các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Lào Cai săn tìm về nhà hàng xe tải các “báu vật” của núi rừng. Sau 10 năm dấn thân với đam mê, tài sản của ông cũng dần vơi đi, thay vào đó là những những bộ trống, bộ chiêng, nhạc khí, bộ tù và có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.

Không lúc nào ông không đi tìm và lùng sục khắp nơi khi nghe có một loại nhạc cụ độc đáo nào đó. Chỉ tính riêng Tây Nguyên, ông đã mua được không biết bao nhiêu nhạc cụ độc đáo của các dân tộc. Ấn tượng nhất là bộ sưu tập trống Tây Nguyên với 135 trống lớn, 53 trống sấm (đặc tả) và 50 trống vỗ (vừa vỗ, nhảy cùng dàn chiêng). Ông cũng mua được hàng chục trống nhỏ của người Tây Bắc, bọc bằng da nai (trống được đồng bào đeo vào cổ, vừa nhảy múa vừa đánh, ngoài ra còn dùng để đi cúng).

Đặc biệt, bộ sưu tập của ông có chiếc trống sấm hơn 100 năm tuổi, đường kính 1,1 mét nghe nói bịt bằng da bò tót nguyên tấm. Những chiếc trống sấm Tây Nguyên không sạch bóng như trống miền xuôi mà xù xì, mốc bẩn bởi dính đất và máu trâu đầy chất hoang dã, huyền bí (mỗi lần cử hành lễ đâm trâu, người ta hứng một bát huyết trâu rồi tạt vào chiếc trống sấm, coi trống là vật thiêng)...

Ngoài niềm đam mê trống, nghệ sĩ Đức Dậu còn bỏ công thu thập các loại cồng chiêng (khoảng 50 chiếc lớn nhỏ. Chiếc lớn nhất có đường kính 0,8 mét, gần 200 tuổi - dân tộc Êđê), tù và (sừng trâu, sơn dương... trong đó có chiếc tù và bằng ngà voi trị giá 35 triệu đồng), các loại sáo (sáo vỗ, đinh dơn, đinh tặc tà, đinh puốt, đinh tút...), đàn đá và các loại đàn dây (Trưng, Kní, đinh goong, Prố, đinh pá, Klong pút...), chiêng tre, chùm lục lạc ngựa gần 150 năm tuổi.

Ông tâm sự: “Khó khăn của người đi sưu tầm không phải là mang tiền đi mua, mà phải thể hiện niềm đam mê nghệ thuật chân chính. Nhiều người không chấp nhận bán, nếu biết mình đi sưu tầm để kinh doanh, kiếm lợi”.

Nét tài hoa và sự tinh tế đến khâm phục nơi nghệ sĩ Đức Dậu chính là tinh thần và ý niệm của ông đối với nhạc cụ dân tộc. Vì mỗi khi mua được một nhạc cụ, nghệ sĩ Đức Dậu rất vui, vui như thể cuộc đời ông được tái sinh một lần nữa vậy. Chính vì đam mê đến đau đáu các nhạc cụ dân tộc như thế nên ông am hiểu về chúng như chính người trong cuộc làm ra nhạc khí.

“Sáo vót nhọn do giao đấu trong dòng họ, rút ra khóc người chết. Đàn chanpi có 13 dây là dụng cụ để nam giới tỏ tình với cô gái. Người H’mông phải biết thổi sáo, khèn bàu, lá, đàn môi tra để đi lấy vợ. Bộ trống Tây Nguyên là trống sấm cầu trời đất, khích lệ nhuệ khí, tập hợp quân, tiễn đưa người chết, làm từ cây độc mộc, một mặt trống bịt bằng da trâu cái, mặt kia là trâu đực thể hiện âm dương. Ngày thường, đồng bào Tây Nguyên thường đánh vào mặt trống bịt bằng da trâu cái, đến lễ hội lớn mới đánh hai mặt”, ông kể kinh nghiệm qua những năm tháng lên tận Đắk Lắk, Kon Tum tìm mua cổ vật.

Đó chính là thành quả của những lần ăn ở hàng tháng trời ở một số nơi để tìm mua và học cách sử dụng. Có lần, để thể hiện sự chí tình, một già làng ở Kon Tum còn rạch mặt trống để nấu lẩu cho ông nghệ sĩ miền xuôi ăn. Lúc đó, vừa ăn ông Dậu vừa rớt nước mắt. Với đồng bào, âm nhạc mang tính tâm linh. Vì thế, chỉ gặp những người có lòng, có tâm huyết với nghề, họ mới chuyển giao; đồng thời phải cúng Giàng (một tay sờ vật, một tay sờ đất) nữa.

Âm nhạc là cuộc đời, giải thoát những đau đáu, trăn trở, khát khao, tham vọng, bế tắc trong đời sống của từng tầng lớp. Niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là nhạc cụ cổ truyền như một mạch ngầm cứ chảy trong người nghệ sĩ Đức Dậu, mê hoặc đến mộng mị.


Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm