Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thay đổi tư duy, làm tốt truyền thông chính sách để “đẩy” thông tin xấu độc, xuyên tạc

Hương Giang (Thực hiện)

Thứ ba, 20/06/2023 - 06:35

(Thanh tra) - “Thay đổi tư duy, xác định rõ làm tốt công tác truyền thông chính sách là bảo đảm cho sự thành công của việc xây dựng và thực thi chính sách, cũng như phản bác hiệu quả thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc”.

"Để có chính sách tốt, cần thiết phải đẩy mạnh truyền thông “từ sớm, từ xa”, từ khi hình thành ý tưởng để người dân tham gia góp ý, “gọt giũa” hoàn thiện chính sách", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh. Ảnh: Đ.X

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.

Truyền thông để người dân tham gia “gọt giũa” hoàn thiện chính sách

- Thưa ông, truyền thông chính sách là một trong những hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cũng như đưa pháp luật vào cuộc sống. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách?

+ Truyền thông chính sách đến với người dân có nhiều kênh, nhiều phương thức khác nhau. Nhưng với ưu thế nhanh chóng, kịp thời, phong phú về hình thức truyền tải thông tin, dễ thu hút người nghe, xem và đọc, báo chí có vai trò đặc biệt trong truyền thông chính sách.

Thêm nữa, báo chí còn là diễn đàn để người dân, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, nêu quan điểm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.

Tại Chỉ thị 07 ngày 21/3/2023 của Thủ tướng cũng đã khẳng định: “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.

- Từ thực tiễn xây dựng luật, giám sát thực thi pháp luật, ông có thể chia sẻ một số minh chứng tác động tích cực khi truyền thông chính sách hiệu quả?

+ Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành rất chú trọng tăng cường truyền thông chính sách. Bởi, làm tốt công tác này sẽ tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Minh chứng điển hình là, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với sự chuẩn bị tốt của các cơ quan, sự vào cuộc chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cơ quan báo chí qua việc mở các chuyên trang, chuyên mục trao đổi, thảo luận đã có trên 20 nghìn tin, bài phản ánh hiệu quả, kịp thời ý kiến của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý.

Đặc biệt, trong thời gian ngắn, chưa đầy hai tháng rưỡi đã thu hút được trên 12 triệu lượt ý kiến nhân dân tham tra đóng góp vào dự thảo luật này; trong đó, có rất nhiều ý kiến chuyên sâu, tâm huyết và trách nhiệm.

Các ý kiến đóng góp của người dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp 5 đang diễn ra.

Có thể nói, đây là cách làm mới và hay. Nếu truyền thông chính sách công khai, đầy đủ sẽ khích lệ người dân tích cực hơn nữa trong đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật.

- Truyền thông chính sách phải “từ sớm, từ xa” để lắng nghe các ý kiến, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ông nghĩ gì về điều này?

+ Để chính sách được ban hành triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống thì điều đầu tiên là phải có chính sách tốt. Để có chính sách tốt, cần thiết phải đẩy mạnh truyền thông “từ sớm, từ xa”, từ khi hình thành ý tưởng để người dân tham gia góp ý, “gọt giũa” hoàn thiện chính sách.

Khi người dân, đối tượng chịu sự điều chỉnh tham gia xây dựng sẽ giúp chính sách phản ánh sát thực tiễn, điều chỉnh hiệu quả đời sống xã hội. Đồng thời, giúp người dân nắm bắt, hiểu tường tận hơn các khía cạnh của chính sách, từ đó đồng thuận và chủ động thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, không hiếm trường hợp do không làm tốt truyền thông chính sách “từ sớm, từ xa”, dẫn đến chính sách vừa được ban hành đã không còn phù hợp với thực tiễn, nên gặp phải phản ứng từ xã hội, phải sửa đổi.

“Chấm điểm” truyền thông chính sách của các bộ, ngành

Truyền thông chính sách là nhiệm vụ rất quan trọng xuyên suốt quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều cơ quan chưa thực sự chú trọng truyền thông chính sách.

Vì vậy, Thủ tướng đã phê duyệt “Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” ngày 30/3/2022.

Trên cơ sở đề án này, thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách, nhất là trong xây dựng các dự án luật có liên quan, như Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Đặc biệt, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm tốt việc truyền thông chính sách với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)...

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành)

Lắng nghe, chú trọng truyền thông những vấn đề khó, nhạy cảm

- Trong bối cảnh, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sự lên tiếng đồng tình, ủng hộ hay phản đối một chính sách nào đó, cũng cần được cơ quan chức năng cân nhắc và có thể giải trình thông qua “kênh” chính thức như báo chí, để hạn chế sự lan rộng, leo thang chống đối hay bất mãn trong xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?

+ Một trong những mục tiêu của truyền thông chính là phải tạo dựng được niềm tin của người dân. Khi các cơ quan “nói đi đôi với làm”, xây dựng được niềm tin với nhân dân thì mọi thông tin xấu, độc không còn đất sống.

Với xã hội bùng nổ thông tin, trên mạng xã hội, bên cạnh những ý kiến góp ý tích cực, cũng có những trường hợp cố tình đưa ra góp ý tiêu cực, thậm chí kích động sự chống đối.

Trong những trường hợp như vậy, cơ quan xây dựng, ban hành chính sách cần nắm bắt kịp thời, sử dụng mọi hình thức, đặc biệt là phát huy ưu thế của báo chí để truyền thông đến với người dân, đưa ra những ý kiến thuyết phục, giải trình, phản bác hiệu quả các lập luận xuyên tạc, sai trái.

- Để làm tốt truyền thông chính sách, các cơ quan xây dựng và triển khai chính sách cần phải làm gì? Chỉ thị của Thủ tướng có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành nguồn lực cả con người và chi phí cho truyền thông chính sách, ông thấy việc này có ý nghĩa như thế nào?

+ Để làm tốt công tác truyền thông chính sách, các cơ quan, nhất là người đứng đầu phải thay đổi tư duy, xác định rõ làm tốt công tác này chính là bảo đảm cho sự thành công của việc xây dựng và thực thi chính sách.

Các cơ quan phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các nội dung chính sách cần truyền thông. Đặc biệt, trong xây dựng chính sách phải hết sức chú trọng truyền thông những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau.

Các nội dung chính sách cần truyền thông toàn diện, cung cấp đầy đủ thực trạng, phân tích, đánh giá kỹ các khía cạnh tác động, ưu điểm, hạn chế để người dân nắm bắt, hiểu sâu sắc, cặn kẽ vấn đề và tham gia đóng góp ý kiến. Cơ quan xây dựng chính sách phải lắng nghe, có sự tương tác để người dân thấy được “tiếng nói” tham gia của mình được tôn trọng, tiếp thu hoặc giải trình thỏa đáng.

Cơ quan xây dựng chính sách cần ứng dụng công nghệ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách; chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đưa thông tin vào khung giờ phù hợp với từng nhóm đối tượng… để thu hút tối đa sự quan tâm của công chúng.

Cuối cùng, không thể thực hiện tốt, hiệu quả truyền thông chính sách nếu không được đầu tư nguồn lực cả về con người và kinh phí. Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu này, đồng thời cũng chỉ ra giải pháp quan trọng là cần nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng và thực thi chính sách phải vì dân và lấy dân làm trung tâm. Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách chính là góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

"Tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền" Sau các chỉ đạo của Thủ tướng, công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều thay đổi. Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh có đề án do HĐND tỉnh phê duyệt về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung vào chính sách pháp luật tác động trực tiếp, thường xuyên đến đông đảo người dân. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy. Ảnh: Đ.X  “Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng tôi đang triển khai phần mềm Yên Bái - S để tương tác giữa người dân với các cấp chính quyền của tỉnh. Qua đó, chúng tôi tuyên truyền thường xuyên các chính sách mới, các quy định mới để người dân tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng", ông Duy cho hay, tất cả công dân của tỉnh hiện  đều cài đặt phần mềm này, sử dụng hàng ngày để cập nhật thông tin, không chỉ là của Yên Bái mà cả chính sách của Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh, công nghệ số, vừa giúp tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền, vừa tiết kiệm được chi phí, nhất là giúp cho chất lượng, hiệu quả truyền thông chính sách ngày càng tốt lên. Theo tinh thần về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, các chỉ đạo của Chính phủ, rõ ràng nhận thức về vai trò, trách nhiệm, cũng như năng lực phản ứng chính sách của cán bộ, công chức đã có một bước chuyển biến tích cực, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhận định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm