Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh Hóa: Khảo cổ học tái hiện lại Thành Nhà Hồ dưới lòng đất

Văn Thanh

Thứ ba, 13/05/2025 - 20:51

(Thanh tra) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa tổ chức đưa các phóng viên báo chí đi tác nghiệp tại Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc. Tại đây, phóng viên, nhà báo được giới thiệu về công tác khảo cổ học tại Thành Nhà Hồ trong thời gian vừa qua.

Khu vực cổng Thành Nhà Hồ. Ảnh: P.V

Kinh đô cổ dưới lòng đất

Theo kết quả khảo cổ học, trong quá trình khai quật một mặt bằng kiến trúc tổng thể của một kinh đô cổ dần được phát lộ, cho phép chúng ta nhìn nhận một cách rõ nét về quy hoạch kiến trúc và cách thức xây dựng, bố trí các kiến trúc kinh thành của một triều đại phong kiến quân chủ Việt Nam những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Mặt bằng tổng thể kiến trúc được phát hiện qua khảo cổ học được bảo tồn tương đối nguyên vẹn trong lòng đất hàng nghìn năm, cho phép chúng ta nghiên cứu để thấy được rõ ràng diện mạo của một kinh đô cổ trong tiến trình tồn tại của nền văn minh Đại Việt.

Khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật ở Thành Nhà Hồ. Ảnh: PV

Từ những bức tường thành và cổng thành còn tồn tại hiện hữu, khảo cổ học đã phát hiện nhiều kiến trúc quan trọng trong Thành Nhà Hồ như: Điện Hoàng Nguyên (chính điện); Đông Thái Miếu; Tây Thái Miếu; Nền Vua; Hào Thành; đường Hoàng Gia; cấu trúc tường thành, cổng thành... cùng hệ thống di vật, hiện vật vô cùng độc đáo và giá trị.

Những phát hiện khảo cổ quan trọng đó đã minh chứng rõ nét Thành Nhà Hồ là một kinh đô cổ được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, bài bản, quy chuẩn với đầy đủ đền đài, miếu mạo, cung điện, đường xá và được sử dụng xuyên suốt trong nhiều triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị - quân sự của quốc gia và khu vực lúc bấy giờ.

Đàn tế Nam Giao Tây Đô là một kiến trúc quan trọng tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ. Khai quật, khảo cổ học đã xác định được cơ bản diện mạo của một đàn tế cổ với nền móng kiến trúc còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Các vòng tường đàn và các cấp nền đàn được phát lộ và nằm gọn trong vòng tay ngai của dãy Đốn Sơn - nơi tọa lạc của đàn tế.

Hàng loạt kiến trúc quan trọng và độc đáo riêng có cũng đã được xuất lộ qua khai quật, khảo cổ học như: Giếng Vua, đường Thần Đạo, Viên Đàn, hệ thống nền móng các cấp nền đàn, hệ thống cống thoát nước... cùng nhiều hiện vật độc đáo và giá trị như: Đầu chim phượng mỏ vẹt, thống đất nung cỡ lớn, gạch ngói trang trí...

Những kết quả từ khảo cổ học này đã cho chúng ta biết được diện mạo rõ nét của một đàn tế Nam Giao thời cổ xưa trong tiến trình ra đời, tồn tại và phát triển của loại hình kiến trúc độc đáo này.

Các hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ ở Thành Nhà Hồ. Ảnh: P.V

Vị trí của Hào Thành được xác định nằm cách chân thành từ 60 đến 90m; quy mô được xác định với chiều rộng là 50m, chiều dài khoảng 4km bao quanh toàn bộ tòa thành đá; cấu trúc của Hào Thành được xác định với phần lòng hào và phần bờ kè bằng đá cổ trải đều 4km bao quanh tạo sự bền vững cho cấu trúc của Hào Thành.

Hào Thành được xác định là môt kiến trúc chỉnh thể, thống nhất bao quanh toàn bộ khu vực Hoàng Thành Thành Nhà Hồ với quy mô rộng lớn, kiến trúc độc đáo, một bộ phận dựa trên địa hình tự nhiên và được mở rộng tạo nền gia cố chân thành cũng như bảo vệ cho toàn bộ tòa thành.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một con đường được lát nguyên bằng đá phiến với quy mô rất lớn. Con đường này chạy thẳng vào trục chính của kinh thành Tây Đô. Vào trong thành, khi kết thúc thì chính là nơi bắt đầu bước lên thềm của chính điện - nơi vua thiết triều và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia.

Ở bên ngoài thành, con đường này kéo dài 2.5km đến tận đàn tế Nam Giao ở chân núi Đốn Sơn - nơi vua tế lễ trời đất cầu cho quốc thái dân an, đất nước cường thịnh - đó chính là con đường Hoàng Gia (đường Cái hoa) được ghi trong sử sách.

Việc phát lộ con đường Hoàng Gia đã minh chứng cho trí tuệ, sự sáng tạo tuyệt vời của nhà Hồ khi đã sử dụng vật liệu, nhân công một cách khoa học, hợp lý mang đậm bản sắc dân tộc và triều đại. Qua đó, tạo nên những công trình kiến trúc vô tiền khoáng hậu, tồn tại cho đến ngày nay.

Cổng thành có vòm cuốn từ các khối đá lớn

Các cổng Thành Nhà Hồ được xây dựng thành hình vòm cuốn với các khối đá lớn có mặt cắt hình thang cân (hay gọi là hình múi bưởi) và không sử dụng chất kết dính.

Phía trong các cổng thành được chế tác hoàn chỉnh với kiến trúc của phần khung cửa, cối cửa, nền móng cửa hoàn toàn được lát bằng đá xanh nguyên khối... phía trên các cổng thành phía Nam và phía Bắc được bố trí kiến trúc vọng lâu với các lỗ chân cột và hệ thống thoát nước được bố trí rất quy chuẩn và bài bản.

Tại khu vực móng và tường Thành Nhà Hồ đã từng bước trả lời cho câu hỏi người xưa đã gia cố và xây dựng tường Thành Nhà Hồ như thế nào mà trải qua hơn 600 năm thời gian với bao thăng trầm, những bức tường thành đó vẫn bền vững "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Khảo cổ học đã xác định móng và tường Thành Nhà Hồ được xây dựng bằng việc kết hợp nhiều loại vật liệu khác nhau, với 3 lớp được liên kết chặt chẽ bao gồm: Lớp ngoài là các khối đá lớn, lớp giữa được gia cố bởi các khối đá tự nhiên chèn ốp theo từng lớp đá xây mặt thành phía bên ngoài, lớp trong cùng được kết cấu bởi các lớp đất sét trộn sỏi cuội, đá dăm, được đầm, nện chắc chắn theo từng lớp và có độ dốc thoải vào bên trong tạo trụ đỡ chịu lực cho toàn bộ phần tường đá phía ngoài. Phần móng được gia cố bởi nhiều lớp đá và đất sét đầm nền trộn sỏi cuội và những khối đá móng tạo sự vững chắc cho toàn bộ phần tường thành.

Vòm Thành Nhà Hồ là những khối đá lớn. Ảnh: P.V

Kết quả khảo cổ học đã xác định vị trí, quy mô và cấu trúc của kiến trúc của Đông Thái Miếu, được bố trí tại một gò đất cao ở phía Đông Nam khu vực nội Thành Nhà Hồ; quy mô được xác định bao gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc trong một tổng thể thống nhất, bao gồm: Tòa chính miếu, hậu điện, khu vực sân vườn, các lớp cổng tam quan và hành lang có mái bao quanh.

Các móng cột thời Hồ được xác định tại Đông Thái Miếu có quy mô rất lớn, được đầm nền và gia cố rất chắc chắc thể hiện tính quy chuẩn đặc trưng của kiến trúc thời Hồ.

Tây Thái Miếu được bố trí tại một gò đất cao ở phía Tây Nam khu vực nội Thành Nhà Hồ; quy mô được xác định bao gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc trong một tổng thể thống nhất bao gồm: Tòa chính miếu, hậu điện, khu vực sân vườn, các lớp cổng tam quan và hành lang có mái bao quanh. Các móng cột thời Hồ được xác định tại Tây Thái Miếu có quy mô lớn nhưng bé hơn khu Đông Thái Miếu.

Khai quật khu vực này là phát lộ dấu tích kiến trúc thời Lê bên trên kiến trúc thời Hồ với hệ thống móng cột, chân tảng và vật liệu đặc trưng của thời Lê sau này. Điều này tiếp tục minh chứng một cách rõ nét rằng Thành Nhà Hồ được các triều đại sau này tiếp tục sử dụng với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị của khu vực.

Khai quật khảo cổ học khu trung tâm của Thành Nhà Hồ đã xác định được một kiến trúc trung tâm hoàn chỉnh, bao gồm một tòa chính điện được bố trí 9 gian với kiến trúc cực kỳ hoành tráng thể hiện qua chiều dài và rộng của các bước gian và hệ thống chân tảng và móng cột đặc trưng thời Hồ. Kiến trúc chính điện được xác định có quy mô lớn nhất được khảo cổ học phát hiện cho tới ngày nay.

Hệ thống hiện vật, di vật được phát lộ tại khu vực này đa phần được trang trí hình rồng và hệ thống gạch, ngói lợp, ngói trang trí nhuộm men vàng mang đặc trưng mà chỉ có chính điện nơi Hoàng đế thiết triều mới được phép sử dụng. Các vật liệu kiến trúc nêu trên được phát lộ duy nhất tại khu vực khai quật này mà không thấy ở bất kỳ kiến trúc nào từng khai quật trong nội Thành Nhà Hồ, đã minh chứng rất rõ nét rằng đây là Chính Điện của kinh thành Tây Đô.

Nơi phát hiện cụm kiến trúc này dân gian gọi là khu vực nền vua, qua khảo cổ học các nhà khoa học xác định đây chính là nơi ở và sinh hoạt của Hoàng Gia. Cũng như Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu, khai quật khu vực này cũng phát lộ dấu tích kiến trúc thời Lê bên trên kiến trúc thời Hồ với hệ thống móng cột, chân tảng, và vật liệu đặc trưng của thời Lê sau này.

Khảo cổ học đã làm phát lộ gần như nguyên vẹn Thành Nhà Hồ dưới lòng đất. Ảnh: P.V

Việc phát lộ cụm kiến trúc liên hoàn tại khu vực nền vua đã minh chứng cho việc nhà Hồ đã xây dựng hoàn chỉnh kinh đô của triều đại mình một cách quy chuẩn, khoa học và bài bản. Đồng thời cũng minh chứng rất rõ nét về sự hiện diện và tồn tại liên tục của Thành Nhà Hồ trong suốt tiến trình lịch sử của đất nước với tư cách là một trung tâm hành chính - chính trị - quân sự.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập Trung tâm báo chí chỉ đạo, định hướng thông tin

Thành lập Trung tâm báo chí chỉ đạo, định hướng thông tin

(Thanh tra) - Tại Công văn số 5256/VPCP-KGVX ngày 12/6/2025, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

T. Minh

08:06 14/06/2025
Quảng Bình tổ chức lễ giỗ lần thứ 325 danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh

Quảng Bình tổ chức lễ giỗ lần thứ 325 danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh

(Thanh tra) - Ngày 13/6, tại thôn Đại Phúc (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Bảo tàng tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ban quý tế dòng họ Nguyễn Hữu xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh tổ chức lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) lần thứ 325 (1700-2025).

LHC

21:50 13/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm