Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Quý
Thứ tư, 14/02/2024 - 06:30
(Thanh tra) - Ông Tẩn Vần Siệu, dân tộc Dao là người có công trong việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa người Dao, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”.
Ông Tẩn Vần Siệu (bìa trái) nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Ảnh: TQ
Sinh năm 1962 tại thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), tỉnh Lào Cai trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông Tẩn Vần Siệu theo cha học chữ Nôm Dao từ năm lên 7 tuổi, năm 17 tuổi, Tẩn Vần Siệu đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống dân tộc Dao.
Một tai nạn nghiêm trọng khi va phải mìn khiến Tẩn Vần Siệu cụt một bàn tay và hỏng một bên mắt khi mới 29 tuổi.
Với quyết tâm vượt lên chính mình, sau thời gian chữa trị, Tẩn Vần Siệu tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Ông dành nhiều thời gian đi điền dã, nghiên cứu cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản để có thêm thông tin, kiến thức vào việc phục dựng, chép lại các cuốn sách cổ mà ông cha để lại với mục đích lưu giữ cho con cháu sau này.
Là người tâm huyết với công việc bảo tồn chữ viết cổ Nôm Dao, phong tục tập quán của người Dao, từ năm 2003, ông bắt đầu mở các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho con em trong gia đình, họ hàng, làng bản trong xã và các xã lân cận và trở thành thầy giáo từ đó.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người từ các huyện trong tỉnh Lào Cai, thậm chí học sinh từ các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lai Châu… cũng tìm đến nhà thầy Siệu học.
Thầy Siệu không từ chối một ai, miễn là học sinh tuân thủ những quy định của lớp học. Lớp học của thầy Siệu cũng rất đặc biệt vì đủ mọi lứa tuổi từ 6 - 35 tuổi.
Theo Nghệ nhân nhân dân Tẩn Vần Siệu, từ năm 1981, ông đã thực hành viết các giáo trình, chép các tài liệu để dạy chữ Nôm Dao, đồng thời nhằm mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. “Thông sâu” là quyển sách xem ngày tốt, xấu bằng tiếng Nôm Dao, nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều tri thức dân gian đã được ông chép và dịch sang tiếng phổ thông phục vụ cho cán bộ nghiên cứu và giới thiệu tri thức của người Dao đến với đồng bào các dân tộc khác.
Năm 1985, ông tiếp tục chép sách Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, ghi lại những nghi lễ và các điều cấm kỵ để sử dụng trong cộng đồng người Dao tại thôn Tả Chải.
Ông đã biên dịch xong cuốn sách Giáo lý dày 85 trang từ chữ Nôm Dao sang tiếng phổ thông cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi. Hiện Trung tâm đang sử dụng cuốn sách này làm giáo trình dạy chữ cho học sinh người Dao ở các địa phương có đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Từ năm 2004 đến nay, ông là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai.
Theo nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, chữ Nôm Dao là chữ tượng hình rất khó học. Thường người học phải mất hai năm mới có thể làm nghi lễ thắp hương, cúng tổ tiên, nghi lễ cấp sắc.
“Hiện tôi có khoảng 15 giáo trình, nhưng ai có tố chất và kiên trì lắm cũng chỉ học hết 7 giáo trình. Một khóa học của tôi kéo dài 3 tháng, nhưng điều quan trọng là các em về nhà phải tự nghiên cứu, ôn luyện. Để đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao, mỗi người phải kiên trì học liên tục trong 3 năm” - nghệ nhân Tẩn Vần Siệu cho hay.
Ngoài việc lưu giữ, phát triển văn hóa người Dao, dạy chữ Nôm Dao, ông còn dạy hát dân ca, thực hiện các nghi thức cúng cấp sắc 3 đèn, 7 đèn; vận dụng các tri thức dân gian áp dụng vào thực tiễn trong lao động, sản xuất, chữa bệnh…
Cũng theo ông Siệu, ngày xưa người Dao không cho con gái đi học chữ vì nghĩ rằng, con gái mà tới lớp thì các bài học về cúng lễ sẽ không bao giờ linh nghiệm. Ông đã kiên trì vận động các gia đình, trưởng bản để phái nữ cũng được tham gia các lớp học.
Vì đường xa, học sinh đến lớp thầy Siệu không những được học chữ miễn phí mà còn được hỗ trợ nhiều về sinh hoạt.
Sự tâm huyết của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu đổi lại thành quả là phong trào học chữ Nôm Dao trên các bản vùng cao ngày càng nở rộ. Kể từ năm 2003 đến nay, thầy Siệu đã mở được 21 lớp học với khoảng trên 1.000 học viên. Những học sinh khóa đầu của thầy nay trở thành những người uy tín trong vùng đang ngày đêm góp công, góp sức gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Dao như: Lý Láo Tả, Lý Phù Vạn, Triệu Văn Thuận, Mẩy Kim Tả...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa, Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu là người có công lớn trong việc duy trì, lưu giữ, phát triển văn hóa dân tộc Dao, đặc biệt là chữ Nôm Dao được ví như “pho sử sống” của người Dao tại Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Sự tâm huyết của ông trong dạy chữ, sưu tầm sách cổ đã và đang góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa của người Dao trong cuộc sống đương đại.
TS Dương Tuấn Nghĩa - Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết, Nghệ nhân nhân dân Tẩn Vần Siệu đang nắm giữ nhiều tri thức văn hóa dân gian người Dao như chữ viết cổ Nôm Dao; các bài hát dân ca, thực hiện các nghi thức cúng cấp sắc 3 đèn, 7 đèn; vận dụng các tri thức dân gian áp dụng vào thực tiễn trong lao động, sản xuất, chữa bệnh…
Các tri thức văn hóa dân gian người Dao đã được ông ghi chép, lại bằng tay lưu trong sổ tay, hoặc ghi âm lại để làm tư liệu, dịch sang tiếng phổ thông… phục vụ cho công tác nghiên cứu, các hoạt động chuyên môn của một số cơ quan có liên quan. Đặc biệt, đây là nguồn tri thức to lớn để lưu giữ lại cho thế hệ sau học tập và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao.
Tháng 11/2015, ông Siệu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Tháng 9/2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.
Bên cạnh đó, ông còn được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa người Dao, xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải
T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý