Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sống lại nghệ thuật sân khấu truyền thống

Xuân Thống - Lương Vân

Thứ bảy, 18/06/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Dịp tháng 5 vừa qua, khán giả xứ Nghệ đã chứng kiến sự lao động sáng tạo, nghiêm túc của các nghệ sĩ tại Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc năm 2022. Liên hoan được tổ chức 3 năm một lần, nhưng năm nay trở nên thiết thực và ý nghĩa hơn khi lần đầu tiên được tổ chức cùng Lễ hội Làng Sen vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại quê hương Nghệ An.

Vở “Vầng sáng” của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An phản ánh về ngành Thanh tra trên mặt trận phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Xuân Thống

Bức tranh nghệ thuật đa sắc màu từ các vùng, miền

Với 16 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật trong cả nước tham dự, dù có những thành công khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện được tính sáng tạo, bám sát đề tài dựa theo những tích truyện lịch sử bi hùng, tráng ca cho đến cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đầy mầu sắc trong sân khấu truyền thống Việt Nam.

Thành công trên hết của các vở diễn đó là dù câu chuyện lịch sử từ mấy nghìn năm trước hoặc con người hôm nay đều lấy cái cảm quan nóng hổi của thời đại đang sống để soi chiếu, xây dựng các hình tượng nghệ thuật. Các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch.

Thông qua hình tượng các nhân vật, các vở diễn đã chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, hướng con người tới xã hội lành mạnh và đức tính cao quý. Ở đâu có lối sống cao đẹp, nhân ái, bao dung vì nghĩa lớn thì ở đó cái đẹp làm xúc động lòng người. Ở đâu con người chỉ chạy theo lợi ích của riêng mình, giẫm đạp lên hạnh phúc người khác thì ở đó cái ác sẽ bị trừng phạt.

Sân khấu tuồng gồm 9 vở diễn với các câu chuyện lịch sử bàn về quốc sự mang đậm âm hưởng hùng tráng của những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về đạo lý, khí tiết của người anh hùng trong các hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột, như “Truyện ngoài chính sử làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam (đạt huy chương vàng), “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh (đạt huy chương bạc), “Hoàng đế Lê Đại Hành” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa (đạt huy chương bạc)...

Hầu hết các vở diễn đều mang một nét đặc trưng thẩm mĩ độc đáo, đó chính là bi - hùng. “Bi” trong tuồng đạt tới mức tột cùng của sự đau thương mất mát. "Hùng” trong tuồng đạt đến đỉnh điểm của sự hoành tráng, hoài niệm. Đó chính là vẻ đẹp trường tồn của sân khấu tuồng.

Sân khấu kịch hát với 7 vở diễn về đề tài lịch sử và hiện đại mang đầy đủ sắc màu, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay, thể hiện hình tượng về những con người mới với tư tưởng tiến bộ, có trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước.

Ban tổ chức liên hoan trao huy chương vàng cho 3 đoàn đạt giải nhất trong các vở diễn. Ảnh: Xuân Thống

Có được sự thành công đó còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể tạo ra những vở diễn mang đặc trưng riêng của mỗi loại hình nghệ thuật và dấu ấn riêng của các vùng miền văn hóa khác nhau. Phải kể đến các vở “Cánh cò trong bão” (đạt huy chương vàng) và “Vầng sáng” của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, “Đi qua ngày giông bão” (đạt huy chương bạc) của Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh, là những vở diễn mang nét rất đặc trưng của vùng quê Nghệ Tĩnh với những làn điệu dân ca ví, giặm; vở “Cô thần” (đạt huy chương vàng) của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định lại mang dấu ấn của nghệ thuật Bài Chòi vùng Nam Trung Bộ; hay vở “Chợ đời” (đạt huy chương bạc) của Nhà hát Ca Kịch Huế lại thể nghiệm những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên...

Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đã nhận xét và ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của các đoàn diễn và lòng yêu nghề cũng như tài năng của các nghệ sỹ. Đồng thời đánh giá tất cả các vở diễn đều có chất lượng, thể hiện qua một số đề tài lịch sử, đề tài xã hội ngày nay mang đầy mầu sắc, dấu ấn của các vùng miền văn hóa, thể hiện những khát vọng bứt phá vươn lên trong cuộc sống của các vùng quê.

Dàn kịch của liên hoan cũng là hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại, giữa trình thức kinh điển và lối diễn mới mẻ, giữa kịch lịch sử bàn về trung quân ái quốc với những đề tài nóng bỏng của xã hội đương đại, đề cao nhân cách con người, ca ngợi quê hương đất nước… Hầu hết các vở diễn đều được đồng nghiệp thừa nhận là chuyên nghiệp. Đó là những kết quả của sáng tạo nghệ thuật và những nỗ lực vượt qua khó khăn của mỗi đơn vị nghệ thuật truyền thống đã dành sự quan tâm đặc biết khi đến với liên hoan.

“Gần lại” đam mê sân khấu nghệ thuật truyền thống

Là những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một, vấn đề khôi phục và bảo vệ nghệ thuật tuồng và dân ca kịch là nhiệm vụ đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh văn hóa hội nhập ngày nay. Tuy nhiên, các nghệ sĩ với niềm đam mê và lòng yêu nghề cháy bỏng, họ vẫn không ngừng trăn trở suy tư làm sao để nghệ thuật tuồng và dân ca kịch được bảo tồn và phát triển bền vững.

Sau mỗi vở diễn là mồ hôi, nước mắt của các diễn viên, là những khó khăn, vất vả của các nghệ sĩ đã dày công rèn luyện và không ngừng phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp.

Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội có nhiều đóng góp cho sân khấu truyền thống nước nhà như NSND Hồng Lựu, Minh Tuệ (Nghệ An), Ánh Dương, Nguyễn Văn Thủy, Lê Văn Quý (Nhà hát Tuồng Việt Nam), NSƯT Kiều Oanh, Thanh Loan (Huế), thì cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, nhiều gương mặt mới có triển vọng như nghệ sĩ Trịnh Thế Thủy (Nhà hát Tuồng Việt Nam), nghệ sĩ Duy Thanh, Quỳnh Lê (Nghệ An), đặc biệt diễn viên nhí 7 tuổi Tống Nhật Anh (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa) được Hội Nghệ sĩ Việt Nam trao thưởng là diễn viên nhỏ tuổi nhất tham gia liên hoan.

Bởi vậy, có thể nói, ngành nghệ thuật này tồn tại và phát triển xuất phát từ tình yêu và lòng đam mê của mỗi cá nhân nghệ sĩ, bất chấp khó khăn về đời sống.

Đơn cử, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, trải qua một thời gian dài lao đao vì không đủ tiềm lực, thì đến nay, sau 18 năm trở lại liên hoan, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị đã rất nỗ lực và đã thành công với vở diễn đạt huy chương bạc.

Đoạn trích trong vở diễn "Sương phủ Hoàng cung" của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lương Vân

Thành công của liên hoan còn là làm “sống lại” niềm yêu thích của công chúng với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chính vì thế, tại liên hoan lần này, vở diễn của bất cứ đoàn nghệ thuật nào cũng đều chật kín khán giả. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cần được lan tỏa và trân trọng. Những tiếng cười sau mỗi miếng trò, tiếng vỗ tay sau những câu hát, hay tiếng hô hào cổ vũ động viên sau những lần chuyển cảnh, kể cả những giọt nước mắt xúc động của khán giả... tất cả đều là động lực giúp các nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu, giúp họ diễn hết mình, hóa thân vào nhân vật nhằm mang lại những vở diễn chất lượng. Bởi vậy, Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2022 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp khó quên trong lòng khán giả yêu nghệ thuật truyền thống xứ Nghệ cũng như cả nước.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: Liên hoan năm nay thật sự là một sự kiện đặc biệt và được các đơn vị chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng như các đơn vị tham gia trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn do gián đoạn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng đến chất lượng một số tác phẩm không được như mong muốn, kỳ vọng.

Bà Hoàng Yến, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa tâm sự, liên hoan được tổ chức trên quê hương Bác không chỉ là vinh dự cho đơn vị đăng cai mà còn là cơ hội hiếm có cho các đoàn tham dự. Tại kỳ liên hoan này không chỉ được thưởng thức những chương trình kỷ niệm đặc sắc của địa phương gắn với Lễ hội Làng Sen dịp sinh nhật Bác, mà còn tạo cơ hội khám phá những điểm du lịch nổi tiếng với những trải nghiệm bổ ích ở Nghệ An.

“Người dân ở đây rất đón nhận, ủng hộ, háo hức với liên hoan, bằng chứng là suốt nhiều đêm diễn của các đơn vị, khán giả đều nêm chật kín khán phòng. Đây thực sự là động lực rất lớn cho các đoàn và các nghệ sỹ chúng tôi”, bà Yến nói.

Trong bối cảnh hiện nay, với một bộ phận không nhỏ công chúng thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, thì Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2022 đã trở thành cầu nối hiệu quả gắn kết giữa những người làm nghệ thuật với khán giả yêu thích sân khấu tuồng và dân ca kịch truyền thống, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp trong nền văn hóa truyền thống dân tộc.

Sân khấu liên hoan không chỉ đồng hành với công chúng mà còn là nơi lưu giữ, truyền bá các giá trị bất hủ của nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ, bằng tình yêu của mình, đã giữ gìn kho báu nghệ thuật truyền thống dân tộc và trao lại cho tương lai không chỉ bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của dân gian mà còn sáng tạo, bồi đắp thêm để vẻ đẹp ấy phát sáng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng ngày nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm