Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sóc Trăng - miền đất lễ hội

Thứ hai, 15/02/2021 - 06:00

(Thanh tra) - Với ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng cộng cư từ rất lâu đời, Sóc Trăng là vùng đất có sự đa dạng về truyền thống văn hóa và là nơi hội tụ nhiều lễ hội độc đáo, diễn ra quanh năm. Nhân dịp Tết đến Xuân về, mời bạn đọc cùng Báo Thanh tra tìm hiểu những nét đặc sắc trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng.

Ngày hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Ảnh: XL

Lễ hội Ok Om Bok - đua ghe Ngo

Ok Om Bok (còn có tên là lễ Cúng Trăng hay lễ Đút cốm dẹp) là lễ hội lớn của người Khmer, được tổ chức vào khoảng rằm tháng 10 Âm lịch. Đây là lúc kết thúc vụ mùa, người Khmer tổ chức lễ Đút cốm dẹp ước nguyện những điều tốt đẹp trước khi nuốt với sự chứng kiến của người lớn tuổi và thần Mặt Trăng. Vật cúng trăng ngoài cốm dẹp còn có những sản vật của ruộng vườn như khoai, dừa, chuối… để tỏ lòng biết ơn đến thần Mặt Trăng - vị thần theo quan niệm của người Khmer là mang đến cho họ vụ mùa tốt tươi và những điều ước tốt đẹp.

Lễ Cúng Trăng được thực hiện tại sân chùa hoặc sân nhà vào đêm 15/10 Âm lịch, lúc trăng đã lên cao. Lễ vật được bày trên bàn, đặt giữa sân, các thành viên trong gia đình đứng xung quanh cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Sau đó, vị chủ tế thực hiện nghi thức vốc thức ăn, cốm dẹp đút vào miệng những trẻ nhỏ trong gia đình với mong muốn các thành viên này sẽ được chở che, chăm sóc và đạt được ước nguyện trong cuộc sống. Khi các nghi thức được thực hiện xong thì các thành viên trong gia đình cùng quây quần thưởng thức lễ vật, hưởng “lộc” của thần Mặt Trăng.

Ngoài nghi thức tế lễ, lễ hội Ok Om Bok của người Khmer ở Sóc Trăng còn gây ấn tượng với phần hội sôi động, đặc biệt là hoạt động đua ghe Ngo.

Ghe Ngo là một loại thuyền độc mộc, có chiều dài khoảng 22 đến 24m, có từ 50 đến 60 vận động viên bơi bằng dầm gỗ; có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho từng ghe. Ghe Ngo là vật đại diện cho mỗi chùa ở Sóc Trăng và được xem là tài sản quý giá, thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ghe chỉ được hạ thủy (xuống nước) một lần trong năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok.

Tại tỉnh Sóc Trăng, lễ hội Ok Om Bok - đua ghe Ngo được tổ chức và duy trì hằng năm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.

Lễ hội Nghinh Ông

Nghinh Ông là một trong những lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được tổ chức ở nhiều địa phương. Tại tỉnh Sóc Trăng, lễ hội này được tổ chức vào ngày 21/3 Âm lịch hàng năm tại Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề), gắn với tục thờ cúng Cá Ông của ngư dân vùng biển nhằm cầu mong trời yên biển lặng, ngư dân may mắn, làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng.

Ghe Cà Hâu được phục dựng và có mặt trong lễ hội Ok Om Bok - đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. Ảnh: XL

Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Trần Đề được bắt đầu từ lúc rạng sáng ngày 21/3 và kéo dài tới 23/3 Âm lịch mới kết thúc. Đoàn rước với đầy đủ võng lọng, lễ nhạc, rước ngọc cốt Ông Nam Hải với hàng trăm ghe thuyền hộ tống, nghi lễ nghiêm trang, tiến về cửa biển thỉnh mời "Ông" và khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no. Sau đó, đoàn nghi lễ sẽ diễu hành và rước Ông Nam Hải về lăng, thực hiện các nghi thức tế lễ.

Sau ngày chính lễ, bà con vạn chài và người dân địa phương sẽ thực hiện các nghi thức dâng cúng lễ vật lên Ông Nam Hải và tham gia hát bội, chơi các trò chơi dân gian… Tháng 4/2019, lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Thác Côn

Lễ hội Thác Côn (hay có tên khác là lễ hội đạp cồng) được tổ chức thường niên vào các ngày 15, 16 và 17/2 Âm lịch tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Lễ vật dùng để cúng trong lễ hội Thác Côn là trái dừa tươi được trang trí thêm hoa, lá, nhang đèn, nhìn như những chiếc bình bông, rất độc đáo, nên còn gọi là lễ hội Cúng Dừa. Những chiếc bình bông sặc sỡ được trang trí bằng hoa tươi và nhang đèn cắm trên trái dừa ấy được người Khmer gọi là Slathođôn.

Đây là lễ hội đã tồn tại hàng trăm năm, xuất phát từ truyền thuyết về chiếc cồng vàng nổi lên ở vùng đất An Trạch xưa kia. Theo đó, ngày xưa ở ấp An Trạch bỗng dưng nổi lên một gò đất, dẫm chân lên thì phát ra âm vang như tiếng cồng. Sau đó, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Từ đó, người dân đã lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn. Trong tiếng Khmer, Thác Côn có nghĩa đạp cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất.

Các nghi thức trong thời gian diễn ra lễ hội Thác Côn gồm sáng dâng cơm cho sư, tối đến thì mời sư đọc kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân trong phum, sóc và sau cùng là thuyết pháp để dạy các Phật tử giáo lý nhà Phật. Ngoài ra, phần hội còn có nghệ thuật sân khấu Rô băm và Dù kê phục vụ trong những ngày diễn ra lễ hội.

Lễ hội Phước Biển

Đồng bào Khmer tại khóm Cà Lăng A Biển (phường 2, thị xã Vĩnh Châu) xem lễ hội Phước Biển là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 2 Âm lịch hàng năm, xuất phát từ tín ngưỡng nhằm tạ ơn các vị thần đã ban phước lành cho mọi người cuộc sống bình an. Đến nay, lễ hội Phước Biển đã trở thành lễ hội dân gian nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển đánh bắt được nhiều hải sản, vun trồng được mùa bội thu.

Thiếu nữ Khmer múa hát trên ghe Cà Hâu trong lễ hội Ok Om Bok - đua ghe Ngo. Ảnh: XL

Lễ vật trong lễ hội Phước Biển gồm hoa, quả, nhang đèn, vải vóc, gối chiếu (đựng trong kiệu), để cúng tam bảo và hồi hướng quả phúc cho những người đã khuất. Đặc biệt là lễ đắp núi cát và cầu siêu được tiến hành trang nghiêm để tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đai, hướng dẫn ngành nghề, bảo vệ xứ sở.

Cũng trong những ngày diễn ra lễ hội Phước Biển, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra hết sức sôi nổi như: Hội thi giọng hát hay Khmer, hội thi nhạc ngũ âm, hội thao dân tộc gồm các môn kéo co, đẩy gậy, đập nồi.

Ngoài các lễ hội nói trên, đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng còn có nhiều lễ hội đặc sắc khác như lễ hội Dotla, lễ hội Đấu Đèn, lễ hội Kathina… Trong xu thế hiện đại, sự phong phú và độc đáo về lễ hội của tỉnh Sóc Trăng được xem như một nguồn tài nguyên văn hóa cần được giữ gìn phát huy.

Cùng với những cù lao xanh, những vườn trái cây sum suê và những kiến trúc chùa chiền độc đáo với niên đại hàng trăm năm, hệ thống các lễ hội đặc sắc đang tạo cho Sóc Trăng lợi thế hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, lễ hội. Nếu có chiến lược phát triển đúng đắn và chính sách thu hút đầu tư phù hợp thì những lợi thế đó sẽ sớm được phát huy, đưa du lịch Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Nhật Tường - Xuân Lương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm