Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhớ Tết xưa (nhân đọc bài “Tết của mẹ tôi” của thi nhân Nguyễn Bính)

Thứ tư, 05/02/2014 - 07:10

(Thanh tra)- Tết ngày nay đã khác Tết xưa rất nhiều. Những người có tuổi đời ngót nghét sáu mươi trở lên vẫn thường có nhận xét như vậy. Đành rằng Tết xưa không sung túc, hiện đại như bây giờ, nhưng lại có nhiều thứ mà Tết thời nay không có được. Những thứ đó đã trở thành hoài niệm.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

“Tết của mẹ tôi” là bài thơ đậm chất văn học sử. Bài thơ giúp chúng ta hình dung được một cái Tết đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Theo nhận xét của nhiều nhà văn hóa thì không gian trong bài thơ phải có tuổi đời ngấp nghé sáu mươi năm trở lên. 

Cái Tết của một gia đình bậc trung nông ở thôn quê, có nhà lớn để thờ tự, tiếp khách, có nhà dọc để sinh hoạt, có sân gạch, tường hoa. Mọi công việc trong gia đình đều do người mẹ gánh vác. Người cha trong gia đình có thể là một thầy đồ hay một người có chút chức sắc trong làng, người cha chỉ thoáng qua làm nền cho một không gian Nho giáo trong giới hạn gia đình. Việc tạo ra vật chất, chăm nuôi, dạy bảo các con đều do bàn tay người mẹ. Mặc dù vậy nhưng rõ ràng đây là gia đình có nếp gia phong. 

Để đón cái Tết mới, người mẹ vất vả lau chùi sân gạch, tường hoa, vẽ cây trừ quỷ, trồng cây nêu đón ông bà, ông vải về ăn Tết. Để có mâm cỗ thịnh soạn trong ngày Tết, người mẹ phải nuôi 2 con lợn từ đầu năm, trữ gạo nếp thơm, mo gói bó... Phiên chợ Tết, quà đi chợ về cho các con không còn là chiếc kẹo, tấm bánh như trước mà là tranh gà Đông Hồ và pháo chuột, những thứ trẻ con vô cùng thích thú. 

Rõ ràng cái Tết được chuẩn bị cả năm chứ không như bây giờ, chỉ vào siêu thị hay ra chợ sau vài tiếng đồng hồ là sắm đủ Tết. Người ở xa không về quê ăn Tết được thì sử dụng dịch vụ thắp hương, cúng giỗ Online!  

Nếp gia phong của gia đình bậc trung được Nguyễn Bính dành nhiều khổ thơ kể lại. Mẹ dặn, đầu năm mới phải dậy sớm, lanh lẹn, rửa mặt bằng nước thơm. Đọc chi tiết này của thi nhân Nguyễn Bính, tôi nhớ ông bà ngoại tôi có chiếc chậu bằng đồng thau, sáng mồng một được bà đổ đầy nước ấm. Chính tay bà bỏ vào chậu nhiều hoa cau, nhiều cánh hoa hồng lấy hương dùng rửa mặt sáng mồng một cho các cháu. Một buổi sáng đầu năm mới thật trang trọng và sum vầy. Những đứa trẻ trong bài thơ của Nguyễn Bính được mặc quần áo đẹp nhất lên nhà chính thắp hương lễ ông bà, gia tiên. 

Ngày đầu năm mới người ta kiêng cãi nhau, đánh đổ đánh vỡ các thứ thì sẽ dông cả năm. Sáng sớm mồng một, người cha khai bút đầu Xuân trên tờ giấy đỏ hoa tiên khổ rộng với ước vọng một năm mới hạnh phúc, an khang. 

Người mẹ trong bài thơ vừa đảm đang, vừa nết na phụng sự nhà chồng. Người cũng lên nhà trên như các con, nhưng đã chỉnh lại chiếc khăn đội đầu cho ngay ngắn, rón rén bước đến ban thờ với đôi mắt thành kính ngước nhìn hương cháy đến đâu rồi. Cậu con trai lớn ăn mặc đẹp được mẹ cho sang lễ bên ông bà ngoại và dặn con đừng uống rượu say. Một khuôn ngọc thước vàng về nuôi dạy con thật đáng giá. Gia đình trung lưu ở quê sống thật hòa thuận bởi trong gia đình còn có cô em chồng, nhưng giữa chị dâu và em chồng lại rất quý mến nhau: 

“Người rủ cô tôi đánh tam cúc

Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen”

Điều này hoàn tòan trái ngược với quan niệm: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng! 

Đối chiếu với cái Tết đương đại, rõ ràng bức tranh về Tết xưa đã phai lạt đi nhiều gam màu. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, bởi cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều phong tục, tập quán không còn phù hợp, chẳng hạn như tập tục đốt pháo đón giao thừa... phải chấp nhận thôi. Nhưng dẫu sao mãi mãi vẫn là điều hoài niệm, quá vãng một thời.

Tết của mẹ tôi

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Sân gạch, tường hoa người quét lại

Vẽ cây trừ quỷ, giồng cây nêu.

Nuôi hai con lợn từ ngày xưa

Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”

Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó

Dọn nhà, dọn cửa rửa ban thờ.

Nay là hăm tám Tết rồi đây

(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)

Sắm sửa đồ lề về việc Tết

Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.

Không như mọi bận người mua quà

Chỉ mua pháo chuột và tranh gà

Cho các em tôi đứa mỗi chiếc

Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.

Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà

Cỗ bàn xong cả từ hôm qua

Suốt đếm giao thừa mẹ tôi thức

Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba

Mẹ tôi gọi cả các em tôi

Đến bên mà dặn:  “Sáng ngày mai

Các con phải dậy sao cho sớm

Đầu năm năm mới phải lanh trai

Mặc quần, mặc áo lên trên nhà

Thắp hương, thắp nến lễ ông bà

Chớ có cãi nhau, chớ có quấy

Đánh đổ, đánh vỡ như người ta...”

Sáng nay mồng một sớm tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên

Bút lông dầm mực viết lên trên

Trên những gì gì tôi chẳng biết

Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi

Rón rén lên bàn thờ ông tôi

Đôi mắt người trông thành kính quá

Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu

Mặt người đỏ tía vì hơi men

Người rủ cô tôi đánh tam cúc

Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen

Tôi mặc một chiếc quần mới may

Áo lương, khăn lượt chân đi giày

Cho tôi sang lễ bên quê ngoại

Người dặn con đừng uống rượu say.

Xong ba ngày Tết mẹ tôi lại

Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con

Rồi một đôi khi người dậm gạo

Chuyện trò kể lại tuổi chân son.

   Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm