Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lịch sử Đại hội thể thao châu Á - ASIAD và 18 kỳ Đại hội

Thứ sáu, 10/08/2018 - 10:09

Từ ngày 18/8 đến 2/9, Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018) sẽ được tổ chức tại thủ đô Jakarta và thành phố Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra, miền Tây Indonesia.

Khai mạc ASIAD-2014 tại Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là kỳ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 và lần thứ hai Đất nước Vạn đảo đứng ra đăng cai đại hội thể thao lớn nhất châu lục. 

Những thông tin về ASIAD 2018 

- Hành trình rước đuốc ASIAD 2018: Đuốc ASIAD 2018 được rước từ thành phố Yogyakarta. Trải qua 19 chặng với hàng chục địa điểm trên đất nước Indonesia, ngọn đuốc ASIAD 2018 sẽ về đến sân vận động Bung Karno ở thủ đô Jakarta trong lễ khai mac ngày 18/8.

- Địa điểm tổ chức: Khác với các kỳ ASIAD trong lịch sử được tổ chức tại một thành phố duy nhất, ASIAD 2018 đánh dấu lần đầu tiên một kỳ ASIAD được tổ chức ở 2 thành phố là Jakarta và Palembang. 

Thủ đô Jakarta sẽ là địa điểm thi đấu chính, với khu tổ hợp thể thao Gelora Bung Karno gồm các sân bóng đá, nhà thi đấu và cung thể thao dưới nước. 

Tâm điểm chú ý sẽ là sân vận động Bung Karno có sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và các môn thi đấu điền kinh, bóng đá. 

- Những con số 

+ ASIAD 2018 sẽ đón khoảng 15.000 huấn luyện viên và vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á, tranh 465 bộ huy chương của 40 môn thể thao. Kỳ ASIAD này vượt qua tất cả các kỳ trước về số vận động viên tham gia tranh tài. 

+ Khoảng 30.000 tình nguyện viên và 1.400 nhân viên y tế được huy động phục vụ ASIAD. 

+ Làng vận động viên ở thủ đô Jakarta gồm 6 tòa nhà từ 24 đến 32 tầng với 1.400 căn hộ, phục vụ cho hơn 10.000 người. Làng vận động viên ở thành phố Palembang có 9 tòa nhà với sức chứa khoảng 3.000 người. 

+ ASIAD 2018 sẽ có khoảng hơn 5.000 phóng viên tác nghiệp. 

+ Số người xem ASIAD 2018 qua truyền hình được kỳ vọng sẽ đạt hơn 1 tỷ người. 

+ Logo của ASIAD 2018 có chủ đề “Năng lượng của châu Á”, với hình ảnh sân vận động Gelora Bung Karno nhìn từ trên không. Đây là sân vận động được xây dựng khi Jakarta đăng cai ASIAD 1962. 

+ Linh vật (Mascots): Bhin Bhin, Ika và Atung là những linh vật của ASIAD 2018. Bộ 3 linh vật này phản ánh sự đa dạng về điều kiện địa lý của Indonesia, với chim thiên đường Bhin Bhin đại diện cho khu vực phía đông của đất nước, tê giác một sừng Ika đại diện cho khu vực phía tây và nai Atung đại diện cho khu vực trung tâm. 

- Các môn thi đấu mới 

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 sẽ có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với 465 nội dung thi đấu của 40 môn thể thao, trong đó có 32 môn thể thao Olympic. 

Các môn thể thao Olympic gồm thể thao dưới nước, điền kinh, đấu kiếm, cử tạ, bóng rổ, bóng ném, cầu lông, bóng chày/bóng mềm, xe đạp, cưỡi ngựa, golf, đấu vật, hockey, judo, karate, canoeing và kayaking, sailing, bắn súng, pentathlon hiện đại, bắn cung, leo núi, chèo thuyền, bóng bầu dục, thể dục dụng cụ, trượt ván, bóng đá, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, quyền anh, triathlon và bóng chuyền. 

Các môn thể thao ngoài Olympic gồm bowling, nhảy cầu, trượt băng, kabaddi, võ thuật (như jujitsu, kurash, pencak silat, sambo và wushu), thể thao cơ học (như trượt dù lượn và trượt tuyết phản lực), squash và sepak takraw. 

ASIAD 2018 có một điểm vô cùng đặc biệt đó chính là đưa nội dung Esports - Thể thao điện tử như là một môn thi đấu tại Á vận Hội. 

Tại ASIAD 2018, thể thao điện tử sẽ có 6 bộ môn thi đấu thử nghiệm không có huy chương. Nếu không có gì thay đổi, vào Đại hội thể thao châu Á 2022, thể thao điện tử sẽ trở thành bộ môn thi đấu chính thức có huy chương. 

Về lịch sử ASIAD và các kỳ Đại hội 

Tiền thân của ASIAD là Giải vô địch các quốc gia Viễn Đông. Năm 1913, lần đầu tiên ba quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines tổ chức giải đấu. Năm 1938, do ảnh hưởng Chiến tranh thế giới thứ hai nên giải bị hủy và từ đó ngừng tổ chức. 

Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, một số nước ở châu Á giành được độc lập và họ mong muốn có một sân chơi phi bạo lực để hiểu biết lẫn nhau. 

Vì vậy, tháng 2/1949, Liên đoàn đại hội thể thao châu Á (AGF) được thành lập và thống nhất ASIAD sẽ được tổ chức 4 năm một lần tại các quốc gia khác nhau. 

- ASIAD lần thứ nhất: Diễn ra từ ngày 4 đến 12/3/1951 tại New Delhi (Ấn Độ) với sự tham dự của 489 vận động viên đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Afghanistan, Ấn Độ, Mianma, Indonesia, Iran, Nepal, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan, tranh tài 6 môn: điền kinh, bóng đá, bóng rổ, bơi lội, cử tạ và đua xe đạp. 

- ASIAD lần thứ 2: Diễn ra từ ngày 1 đến 9/5/1954 tại Manila (Philippines). ASIAD lần thứ 2 có thêm 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, ngoài 11 nước tham gia đại hội đầu tiên. Đại hội đã thu hút 970 vận động viên, tranh tài ở 8 môn với 76 nội dung. 

- ASIAD lần thứ 3: Diễn ra từ ngày 24/5/1958 đến 1/6/1958 tại Tokyo (Nhật Bản), với sự góp mặt của 1.820 vận động viên thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, thi đấu 13 môn với 97 nội dung. Đây là kỳ ASIAD đầu tiên có chương trình rước đuốc. 

- ASIAD lần thứ 4: Diễn ra từ ngày 24/8/1962 đến 4/9/1962, tại Jakarta (Indonesia) với 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. ASIAD lần này thu hút 1.460 vận động viên, thi đấu ở 13 môn với 88 nội dung. So với ASIAD lần thứ 3, ASIAD lần thứ 4 giảm cả về số đoàn, số lượng vận động viên cũng như số nội dung thi đấu. Lần đầu tiên môn cầu lông được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại ASIAD. 

- ASIAD lần thứ 5: Diễn ra từ ngày 9 đến 20/12/1966 tại Bangkok (Thái Lan) với 1.945 vận động viên của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 14 môn thi với 143 nội dung. Đây là kỳ ASIAD đầu tiên môn bóng chuyền nữ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. 

- ASIAD lần thứ 6: Diễn ra từ ngày 24/8/1970 đến 4/9/1970 tại Bangkok (Thái Lan), thu hút 2.400 vận động viên ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 13 môn với 135 nội dung thi đấu. Môn đua thuyền buồm (sailing) lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. 

- ASIAD lần thứ 7: Diễn ra từ 1 đến 16/9/1974 tại Tehran (Iran). Tehran đã trở thành thành phố đầu tiên của khu vực Trung Đông đăng cai tổ chức ASIAD. ASIAD lần thứ 7 đã thu hút 3.010 vận động viên của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên tranh tài ở 16 môn thi đấu với 202 nội dung thi của nam và nữ. 

- ASIAD lần thứ 8: Diễn ra từ 9 đến 20/12/1978 tại Bangkok (Thái Lan) với 3.842 vận động viên của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 19 môn với 201 nội dung thi đấu. Môn bắn cung và bowling lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. 

- ASIAD lần thứ 9: Diễn ra từ ngày 19/11 đến 4/12/1982 tại New Dehli (Ấn Độ). Đây là ASIAD đầu tiên có linh vật (là chú voi Appu) và cũng là lần đầu tiên các môn đua ngựa, rowing, bóng ném, hockey nữ và golf được đưa vào chương trình thi đấu. ASIAD lần thứ 9 có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với 3.411 vận động viên, tranh 147 bộ huy chương. Đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên tham dự và đã giành được huy chương đồng ở môn bắn súng của vận động viên Nguyễn Quốc Cường. 

- ASIAD lần thứ 10: Diễn ra từ ngày 20/9 đến 5/10/1986 tại Seoul (Hàn Quốc), thu hút 4.839 vận động viên của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 25 môn với 270 nội dung thi đấu. Lần đầu tiên, hai môn võ judo và taekwondo, cùng môn đua xe đạp nữ và bắn súng nữ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Linh vật của ASIAD lần thứ 10 là một chú hổ. 

- ASIAD lần thứ 11: Diễn ra từ ngày 22/9 đến 7/10/1990 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thu hút 6.122 vận động viên của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 27 môn, tranh 310 bộ huy chương. Các môn: bóng mềm, cầu mây, wushu, kabaddi và canoeing lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Linh vật của ASIAD-11 là gấu trúc Pan Pan. 

- ASIAD lần thứ 12: Diễn ra từ ngày 2 đến 16/10/1994 tại Hiroshima (Nhật Bản), thu hút 6.828 vận động viên của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 34 môn, tranh 338 bộ huy chương. Lần đầu tiên các môn: bóng chày, karatedo và 5 môn phối hợp được đưa vào chương trình thi đấu của đại hội. 

Đoàn Việt Nam đã giành được Huy chương Vàng đầu tiên ở môn taekwondo của võ sỹ Trần Quang Hạ và 2 Huy chương Bạc thuộc về các võ sỹ karatedo Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông. Linh vật của ASIAD-12 là cập chim bồ câu trắng Poppo và Cuccu. 

- ASIAD lần thứ 13: Diễn ra từ ngày 6 đến 20/12/1998 tại Bangkok (Thái Lan). Đây là lần thứ 4, thủ đô của Thái Lan đăng cai ASIAD. Linh vật của đại hội là Voi Chai-Yo. ASIAD-13 thu hút 6.554 vận động viên của 41 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, thi đấu ở 36 môn, tranh 377 bộ huy chương. Tại ASIAD-13, đoàn Việt Nam đã giành được 17 huy chương các loại, trong đó có 1 Huy chương Vàng của võ sỹ Hồ Nhất Thống ở môn taekwondo. 

- ASIAD lần thứ 14: Diễn ra từ ngày 29/9 đến 14/10/2002 tại Busan (Hàn Quốc), thu hút 7.711 vận động viên của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đại hội có 38 môn thi đấu với 419 nội dung. Đây cũng là kỳ đại hội đầu tiên môn thể hình được đưa vào nội dung thi đấu. 

Đoàn Việt Nam giành được 18 huy chương các loại, trong đó có 2 Huy chương Vàng thuộc về karatedo của Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc; 2 Huy chương Vàng ở môn thể hình của vận động viên Lý Đức (hạng cân 80kg) và Trần Đình Hoà môn billiard & snooker. Linh vật của ASIAD-14 là con chim biển Duria. 

- ASIAD lần thứ 15: Diễn ra từ ngày 1 đến 15/12/2006 tại Doha (Qatar). Linh vật của đại hội là Linh Dương Orry. ASIAD 15 thu hút 9.520 vận động viên của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 39 môn thi đấu với 424 nội dung, tranh 424 bộ huy chương.

Đoàn Việt Nam giành được 3 huy chương vàng (cầu mây đôi nữ, đồng đội nữ và Vũ Nguyệt Ánh - karatedo). Cùng với 13 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng, đoàn Thể thao Việt Nam đã đoạt tổng cộng 23 huy chương, xếp thứ 19/45 đoàn tranh tài. 

- ASIAD lần thứ 16: Diễn ra từ ngày 12 đến 27/11/2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), thu hút 9.704 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. 

Các vận động viên thi đấu ở 42 môn thi đấu với 476 nội dung. Đoàn Việt Nam giành được 1 huy chương vàng của Lê Bích Phương ỏ môn karatedo cùng với 17 Huy chương Bạc và 15 Huy chương Đồng. Với tổng số 33 huy chương, đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 24/45 đoàn tranh tài. Linh vật của ASIAD-16 là năm con Dê vui vẻ. 

- ASIAD lần thứ 17: Diễn ra từ ngày 19/9 đến 4/10/2014 tại Incheon (Hàn Quốc), thu hút 9.501 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các vận động viên thi đấu ở 36 môn thi đấu với 439 nội dung. 

Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 1 huy chương vàng của Dương Thúy Vi ở môn karatedo cùng với 10 Huy chương Bạc và 25 Huy chương Đồng. 

Với tổng số 36 huy chương, đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 21/45 đoàn tranh tài. Linh vật của ASIAD-17 là ba anh em hải cẩu đốm Barame, Chumuro, và Vichuon.

Theo HỒNG ANH (TTXVN/VIETNAM+) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm