Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lăng Ông Bà Chiểu: Một biểu tượng văn hóa đất Sài Gòn - Gia Định xưa

Thứ hai, 10/10/2011 - 17:31

(Thanh tra) - Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, hai lần làm Tổng trấn Gia Định Thành. Tuy nhiên, sau khi ông mất, nhân vụ người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi khởi binh chống nhà Nguyễn, ông bị truy tội, và bị Vua Minh Mạng san phẳng mộ chí, lập bia sỉ nhục. Đến đời Vua Tự Đức mới phục hồi danh dự cho ông.

Lăng miếu thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Lăng Ông Bà Chiểu, tên gọi đúng là Thượng Công Miếu, là khu lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt tại phường 1, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Lăng rộng khoảng 2ha, nằm trên một gò đất cao giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng.

Ngoài tài quân sự theo phò Vua Gia Long lập quốc, Tả quân Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị. Làm Tổng trấn Gia Định Thành hai lần vào năm 1812 - 1816 và năm 1820 - 1832, ông đã thực hiện chính sách trị an tốt, và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, đào kênh, củng cố thành lũy, lập hai cơ quan từ thiện là Anh hài và Giáo dưỡng... Đồng thời ông cũng có cách ứng xử khéo léo, rộng rãi đối với những người phương Tây đến buôn bán ở Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ông được nhân dân kính phục, gọi ông là “Ông Lớn Thượng”, hay “Đức Thượng Công”... Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông.

Sở dĩ dân gian có tên gọi Lăng Ông Bà Chiểu là do người xưa sợ  phạm húy nên đã đổi cách gọi Thượng Công Miếu thành Lăng Ông ghép với tên vùng đất. Chiểu là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ cạnh trong miếu bên ao nước thiên nhiên. Tên này được xuất hiện từ thời Vua Tự Đức.

Chung quanh khu lăng mộ có bức tường bao bọc dài khoảng 500m, cao 1,2m, có bốn cổng ra vào theo bốn hướng Tây - Bắc - Đông - Nam, được xây dựng vào năm 1848. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây. Cổng có hàng đại tự nổi bằng chữ Hán Thượng Công Miếu, được đặt ở hướng Nam, mở ra đường Vũ Tùng. Trước năm 1975, cổng này đã từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Khu lăng được xây dựng trên một trục đường chính, từ cổng Tam Quan vào gồm: Nhà bia - lăng mộ - miếu thờ. Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Văn bia chữ Hán tiêu đề Lê Công Miếu bi do Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung bia ca tụng công đức Tả quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Toàn thể khu mộ đều được xây bằng hợp chất giống bê tông ngày nay. Phần mộ gồm hai ngôi mộ: Tả quân và vợ ông là bà Đỗ Thị Phẫn (Phấn). Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng, úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Trước mộ có một sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá dày hình chữ nhật, thông ra đến sân đốt nhang đèn.

Cổng Tam quan đã từng được chọn là biểu tượng của đất Sài Gòn - Gia Định xưa


Cách khu lăng mộ một khoảng sân rộng đến khu vực “Thượng công linh Miếu”, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt. Bố cục của miếu bao gồm Tiền điện, Trung điện và Chánh điện. Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang... Tiền điện chỉ có bàn thờ và di ảnh Ngài Tả quân Lê Văn Duyệt và những bức hoành phi ca ngợi công trạng của Ngài. Trung điện là nơi bề thế nhất, vật liệu gỗ quý, cột được chạm khắc rồng, kiến trúc cổ kính mang đậm nét thời Nguyễn. Ở giữa là bàn thờ có di ảnh Đức Thượng công - Tả quân Lê Văn Duyệt, bên hữu là bàn thờ Hiệp biện Đại Học sỹ Phan Thanh Giản - Kinh lược sứ Nam kỳ, bên tả là bàn thờ Đức Quận công Thiếu phó Lê Chất - Tổng trấn Bắc Thành. Chánh điện cũng có các bàn thờ như Trung điện. Bàn thờ Ngài Tả quân có thêm pho tượng Lê Văn Duyệt bằng đồng kích cỡ như người thật.

Công trình mang dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, với những mái “trùng thiềm điệp ốc” và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ... mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính từ xưa cho đến ngày nay.

Ngày 6 tháng 12 năm 1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Khu lăng mộ và miếu thờ Đức Thượng Công đã trải qua bao sóng gió, kiến trúc được thay đổi qua các thời kỳ. Sau khi ông mất ông được an táng tại hai nơi, ngôi mộ tại xã Bình Hòa, Gia Định (Lăng Ông Bà Chiểu hiện nay) và một ngôi mộ tại nơi sinh quán của ông tại làng Long Hưng, thuộc tỉnh Định Tường (Huyện Châu thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Nhiều tài liệu xưa cho rằng là ngôi mộ tại Gia Định là hình nhân của ông bằng sáp, còn hài cốt thật thì về an táng tại quê nhà. Tuy nhiên, tháng 4 năm 2006, sau một cuộc khảo sát nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng đã đưa ra kết quả ngược lại.

Theo sử học cũng có những nét tương đồng với kết quả ngược lại của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng. Sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Vua Minh Mạng cho mời các quan luận tội Lê Văn Duyệt kết quả ông có bảy tội nên trảm (chém), hai tội nên giảo (thắt cổ), một tội phải sung quân. Vì đã mất, nên Ông bị Vua Minh Mạng cho san bằng phần mộ, xiềng xích và cho đặt bia sỉ nhục. Trong thực tế ngôi mộ tại Bà Chiểu mới bị những hình phạt trên. Còn ngôi một tại quê nhà chỉ bị đục bỏ bia.

Theo tài liệu sử học, Vua Minh Mạng vốn có thù hằn lâu ngày với Tả quân Lê Văn Duyệt vì ông không ủng hộ việc Minh Mạng lên ngôi mà ủng hộ con của Hoàng tử Cảnh khi vua Gia Long băng hà; Lê Văn Duyệt nhiều lần lạm quyền, hoặc làm sai ý triều đình Trung ương, đặc biệt là sau khi Vua Gia Long qua đời; Lê Văn Duyệt ít học, bản chất quan võ nóng nảy, nói năng cộc lốc, chẳng biết chiều đón ý vua, khi tấu đối thường không vừa ý Vua Minh Mạng; Ông Duyệt tỏ ý ủng hộ các nhà truyền đạo Cơ đốc Châu Âu làm nghịch ý Vua Minh Mạng; Ông Duyệt được hưởng quyền “nhập triều bất bái” (vào triều không phải lạy) từ thời Vua Gia Long, nên sau này ông không lạy Vua Minh Mạng. Điều này đã làm nhà vua khó chịu. Nhưng uy quyền và công trạng quá lớn nên Vua Minh Mạng đã không dám làm gì ông.

Chánh điện thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Đến khi ông mất, Vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định Thành và đổi 5 trấn ra thành 6 tỉnh là: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Lại đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án Sát, Lãnh binh như các tỉnh ở ngoài Bắc. Đến khi Bạch Xuân Nguyên đến làm Bố chính ở Phiên An (tức tỉnh Gia Định), nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cứ, đồng thời trị tội các tôi tớ của ông Duyệt. Vì bị bức, con nuôi ông Duyệt là Lê Văn Khôi bèn khởi binh chống lại.

Cũng theo sử sách sau khi Vua Thiệu Trị lên ngôi, biết Tiên Đế làm tội oan cho Lê Văn Duyệt, năm 1841 đã xuống chiếu hủy bỏ bia kết tội cùng xiềng xích và cho xây lại mộ như cũ.

Năm đầu đời Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Vua Tự Đức xem sớ cảm động mới truy phong lại cho cả ba ông và ban phẩm hàm cho con cháu họ. Và cho đắp phần mộ Lê Văn Duyệt cao rộng thêm và cho tu bổ lại đền thờ cạnh mộ tại vùng Bà Chiểu, nay gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.

Sau khi được minh oan, khách thập phương đến chiêm bái suốt đêm ngày, đặc biệt những ngày húy kỵ (diễn ra vào ngày 30 tháng 7 ÂL và ngày mùng 01 - 02 tháng 8 ÂL hàng năm). Những ngày đầu Xuân, dân chúng trong vùng đến để cúng kiếng và xin xăm rất tấp nập, khói nhang bay ngợp cả bầu trời. Theo dân địa phương Lăng Ông rất thiêng, nhiều người cùng cực đến đây xin phước giải hạn. Vào thời Thực dân Pháp cai trị, những tranh chấp dân sự không thể giải quyết, chính quyền thực dân đã đưa các đương sự đứng trước mộ ông tuyên thề.

Ngày nay, Lăng Ông Bà Chiểu là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Những ngày húy kỵ và lễ tết có đến chục ngàn người đến chiêm bái. Những ngày bình thường, có hàng trăm người đến dâng hương để tưởng nhớ công đức người đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sài Gòn - Gia Định năm xưa và TP. Hồ Chí Minh hôm nay.


Hoàng Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm