Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giá trị nhận thức của Phật giáo

TS Ngô Quốc Đông

Thứ bảy, 16/10/2021 - 16:00

(Thanh tra) - Con người sinh ra và lớn lên đều cần tìm hiểu về thế giới và chính bản thân mình. Họ đặt ra những câu hỏi mà khoa học thực chứng rất khó giải đáp như chết đi về đâu, tại sao mình lại khổ còn người khác sung sướng? Có số phận không? Ai định đoạt nó?...

Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Những câu hỏi này được tôn giáo tìm cách giải đáp bằng cách xây dựng một hệ nhận thức chung để cung cấp cho những thắc mắc của con người. Đồng thời những nhận thức này thường nằm trong hệ thống tín điều của các tôn giáo (còn được gọi là chân lý tôn giáo). Với người tín đồ, ngoài những tri thức khoa học mà mỗi cá nhân tiếp thu qua hệ thống giáo dục của Nhà nước, họ còn được tiếp nhận những kiến giải về vũ trụ, vạn vật và xã hội còn được cung cấp qua hệ tri thức của chính các tôn giáo. Đó là các giá trị tri thức về thế giới quan và nhân sinh quan của các tôn giáo. Từ lâu đã có ý kiến khoa học khẳng định, tôn giáo cũng là một nguồn lực nhận thức.

Giá trị nhận thức luận của Phật giáo chứa đựng trong Tam Tạng, tức ba loại sách kinh điển của nhà Phật. Tạng Kinh, gồm tất cả những bài thuyết pháp của Đức Phật khi còn tại thế. Tạng Luật, bao gồm những giới luật làm khuôn phép cho sinh hoạt của các nhà sư và Phật tử và những người mến cảm với Phật giáo. Cuối cùng là Tạng Luận, gồm những tác phẩm bình chú, giải thích lời giảng của Đức Phật, giống như các tác phẩm thần học, chú giải Kinh Thánh của Kitô giáo.

Trải qua hơn 2.000 năm phát triển và thích ứng với các nền văn hóa khác nhau, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, Tam Tạng bản thân đã chứa đựng một giá trị tri thức đồ sộ không chỉ cho Phật tử mà còn có đóng góp trong lịch sử phát triển tư tưởng chung của nhân loại.

Đối với Phật giáo, trọng tâm của giá trị nhận thức luận qua các giảng pháp của Đức Phật nhằm giải quyết vấn đề nhân sinh (con người) chứ không bàn về hệ thống thần linh như Kitô giáo. Có thể nói, Đức Phật đã bận tâm trước đau khổ của con người hơn cả. Ngài đi tìm đường lối con giúp con người giải thoát khỏi nỗi khổ. Bởi vậy, Phật giáo cung cấp cho con người hệ giá trị có tính chất triết lý và biện chứng để mỗi cá nhân tự học hỏi, lĩnh hội và giác ngộ, để từ đó sửa đổi chính bản thân mình cho tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Nhiều cá nhân hành động đúng với giáo lý của Phật giáo thì ắt sẽ có một tập thể tốt, xã hội lành mạnh, con người không còn khổ sở bởi những tham, sân, si (còn gọi là tam độc).

Nếu tạm gác những yếu tố thiêng của tôn giáo sang một bên, có thể thấy ban đầu Đức Phật đã đưa ra một cách giải thích về nguồn gốc của sự đau khổ, và cách thức giải thoát nó.

Để giải quyết vấn đề mà con người mọi thời đại lịch sử phải đặt ra là nỗi khổ, nhận thức luận của Phật giáo có thể tóm lại trong giá trị cốt lõi của Tứ diệu đế, còn gọi là bốn chân lý kỳ diệu hay Tứ thánh đế. Cụ thể:

Khổ đế là chân lý cho thấy bản chất cái khổ của cõi đời: cuộc đời khổ lụy là bởi sinh, bệnh, lão, tử. Đây là bốn cái khổ hằng hữu nơi cõi đời, luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Cái khổ của kiếp này là nghiệp báo của kiếp trước. Khổ còn do một số lý do khác như: Ái biệt ly khổ (yêu mà phải xa cách tạo khổ), sở cầu bất đắc khổ (muốn mà không được cũng tạo khổ)…

Tập đế là chân lý giải thích nguyên nhân gây ra đau khổ. Nguyên nhân ấy chủ yếu là do vô minh (mê muội) và do dục vọng (lòng tham).

Diệt đế là tận diệt khổ đau, tận diệt nghiệp báo để thoát khỏi vòng luân hồi. Tận diệt khổ đau cũng là trừ khử đi các nguyên nhân gây ra đau khổ (chủ yếu là vô minh và dục vọng). Hết khổ đau là con người đã ở trong cõi Niết bàn, tức đạt trạng thái giải thoát.

Đạo đế là chân lý chỉ ra con đường để thoát khỏi khổ đau. Con đường đó là bát chính đạo, gồm chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định. Tám con đường ấy nhằm hoàn thiện đạo đức (gọi là Giới), rèn luyện tư tưởng (gọi là Định), và bồi thêm năng lực trí tuệ (gọi là Tuệ).

Từ các giá trị của Tứ diệu đế này, người ta cũng đúc rút ra một số giá trị có tính chất nguyên lý của Phật giáo khi con người áp dụng để nhận thức sự vật, hiện tượng và giải mã phản tư chính bản thân con người, và nhìn nhận lại mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội. Các nguyên lý trong giá trị nhận thức Phật giáo có thể nêu ra một vài điểm sau:

Nguyên lý Vô thường: Tức muốn nói vạn vật trên đời, tất cả đều dịch chuyển, dù chúng ta có nhận biết được hay không thì một cách khách quan sự vật, hiện tượng đều biến đổi. Đó là quy luật khách quan có mà chúng ta không thể can thiệp và nắm bắt và điều chỉnh theo ý mình.

Giá trị này giúp xác lập và định vị được mối quan hệ của cá nhân với tự nhiên và xã hội. Không phải những gì mà cá nhân nắm giữ, sở hữu được đều tồn tại mãi mãi. Chúng đều biến đổi. Ví như khi một cá nhân tham gia trong một nhóm, không vì lợi ích vị kỷ mình mà áp đặt tới người khác, mà phải quan tâm tới các biến đổi, vận hành chung của cả tập thể…

Tóm lại, nguyên lý này đem đến cho con người một cách nhìn về mối tương quan của mình với tự nhiên và xã hội. Ở đó, mỗi con người chỉ là một mắt xích trong chuỗi vận hành của cả tập thể. Nguyên lý dường như muốn thức tỉnh cho mỗi cá nhân vào việc đam mê sở hữu mọi thứ, tự mãn với những gì mình có, muốn nắm trong tay mọi thứ, v.v…

Nguyên lý này cũng khẳng định thêm, dù con người có tài trí thông minh đến mấy cũng không thể độc tôn, coi những vật khác, người khác phải phục vụ mình vô điều kiện. Điều này có thể lý giải các quan điểm của Phật giáo về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bệnh tật tràn lan… tất cả đều do sự biến đổi mà một trong những tác nhân là chính con người. Phật giáo cho rằng những hiện tượng đó là hệ quả từ những nguyên nhân. Điều này được giải thích qua giá trị Nhân quả.

Nguyên lý Nhân quả: Mọi hiện tượng, điều kiện, môi trường, số phận… của mỗi cá nhân, tập thể, hay một cộng đồng nào đó đều do những nguyên nhân trước đó mà tạo thành. Nhân quả muốn lấy hiện trạng hiện tại của con người ta để hướng chúng ta tới việc ý thức hơn trong suy nghĩ và hành vi để ngăn ngừa, cảnh báo những hệ quả xấu có thể đến trong tương lai nếu chúng ta không tu chỉnh suy nghĩ và hành động. Nhân quả cũng còn có một mối dây liên kết với những vấn đề của quá khứ hoặc kiếp trước để con người từ đó mà nhận ra để điều chỉnh bản thân trong hiện tại cho tốt hơn.

Giá trị của nguyên lý này nhằm ngăn ngừa con người ta sai phạm, đồng thời cũng giúp con người ta sửa mình nếu đã có những hành vi xấu.

Nguyên lý Vô ngã, Từ bi: Muốn nói tới cái tôi cá nhân của mỗi người rất là lớn và thường đem nó vào suy nghĩ, hành động và thậm chí áp đặt cho những cá nhân và các nhóm khác trong xã hội. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là ngộ nhận cá nhân, Phật giáo cho rằng không có một cái tôi cá nhân mang tính chất tuyệt đối, mà nó đều phải tồn tại, nương tựa trong một tương quan nào đó với những cái khác.

Nói cách khác “không có cái tôi tự nó, cái tôi không có thật, chỉ là những kết hợp trong hữu hạn, xét theo mọi khía cạnh sống mà con người mang tải. Như thế thì chỉ có từ bỏ ngã (vô ngã) mới ban điều vui, đem lòng thương xót kẻ khác (từ bi), và với định hướng sống như thế, người thấm nhuần giáo thuyết mới có thể hoàn toàn vô tư trong các mối quan hệ cá nhân, cộng đồng. Đó cũng là chuẩn mực ứng xử của người văn minh”.

Vô ngã là cơ sở để hình thành Từ bi. Đó là hai giá trị rất cơ bản của Phật giáo, giúp xã hội hài hòa, phát triển, tạo sự gắn kết chia sẻ và yêu thương.

Ngoài ra, Phật giáo cung cấp những hệ khái niệm, cũng là những phạm trù căn bản trong Phật giáo như: Vô ngã, Vô Thường, Nhân duyên, Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo, Tứ diệu đế, Khổ, Tính không, Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Niết bàn… xét đến cùng đều cung cấp cho con người những nhận thức và lý giải về sự tồn tại của vũ trụ con người, đồng thời với nó là những biểu hiện của sự biến đổi không ngừng của vạn vật, mục đích cuối cùng giúp con người khi hiểu ra triết lý, quy luật và chính mình. Cuối cùng sẽ đạt tới sự giải thoát khỏi sự khổ ải, đạt tới Niết bàn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm