Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Độc đáo trang phục thổ cẩm của người Dao Đỏ

Xuân Trường

Thứ ba, 03/01/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Trong hơn 20 trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, có lẽ sắc màu thổ cẩm rực rỡ của người Dao Đỏ là nổi bật và độc đáo bậc nhất bởi muôn vàn họa tiết sống động, đầy mê hoặc lòng người.

Ngày nay, nghề thêu dệt thổ cẩm đã ngấm sâu vào máu thịt, đang trường tồn trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào người Dao Đỏ tại Tuyên Quang. Ảnh: Xuân Trường

Người dân tộc Dao Đỏ ở Tuyên Quang có 2 loại trang phục chính, với cả nam và nữ.

Một bộ trang phục dùng trong lao động sản xuất, với màu chủ đạo là màu chàm, không thêu nhiều họa tiết hoa văn. Còn bộ trang phục sặc sỡ nhiều màu sắc, nhiều hoa văn hơn là mọi người để dùng trong các dịp lễ hội, lễ cưới hoặc là những ngày Tết Nguyên đán. Đặc biệt, những công việc lớn như: Lễ cấp sắc cho con dâu, con trai thì phải mặc đúng những bộ trang phục này để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, mang đậm bản sắc của người Dao Đỏ.

Sản phẩm thổ cẩm của người Dao Đỏ luôn là những vật phẩm đắt giá của bất kỳ ai muốn sở hữu, bởi được làm hoàn toàn thủ công với bàn tay tài hoa của các thiếu nữ, các chị, các bà là những nghệ nhân luôn trân quý giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Xuân Trường

Điểm độc đáo trên trang phục của người Dao Đỏ chính là, bộ váy áo của người phụ nữ có các hoa văn trang trí đều được thêu bằng tay, không theo mẫu có sẵn mà theo trí tưởng tượng của mỗi người, và được thêu từ những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong đời sống như: Hoa lá, cỏ cây, rừng núi, muông thú... Do đó, hoa văn trang trí trên mỗi bộ trang phục đều rất độc đáo, không có bộ nào giống nhau. Mỗi bộ trang phục đều được thêu bằng tay rất kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ, nhiều khi dành cả vài tháng mới làm xong một bộ váy áo.

Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao Đỏ thường ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục đặc sắc nhất của riêng mình, nhằm tôn lên sắc đẹp như bông hoa rừng trinh nguyên, đồng thời khẳng định bàn tay tài hoa, đảm đang với nhà chồng.

Chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, cho biết: Trước đây, một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Đỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... Ngày nay, người Dao Đỏ đã lược đi những công đoạn như nuôi tằm, dệt, nhuộm vải, bởi mọi thứ đều có thể mua. Chính vì thế, tinh hoa văn hóa trang phục người Dao Đỏ giờ đây chỉ tập trung vào những họa tiết thêu trên váy, áo. Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 4 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng. Trong đó chủ yếu là màu đỏ, bởi theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại nhiều may mắn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chàng trai, thiếu nữ Dao Đỏ với các nhạc cụ truyền thống trong lễ hội mùa Xuân. Ảnh: Xuân Trường

Đầu năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ rất cầu kỳ, đường nét rất tinh tế, kết hợp với kỹ thuật thêu móc, thêu chéo mũi vô cùng sáng tạo. Nhờ vậy, đường nét hoa văn trang trí rất sống động đẹp mắt, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo. Phụ nữ Dao Đỏ đều rất giỏi thêu thùa, đặc biệt là họ thêu hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng.

Người phụ nữ Dao Đỏ luôn tự hào với những sản phẩm độc đáo do mình làm ra. Họ luôn học hỏi nhau, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ rất cao, rất có giá trị về văn hóa, tinh thần của đồng bào. Ảnh: Xuân Trường

Hiện nay, người Dao Đỏ ở Tuyên Quang đang duy trì và phát triển nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ đã và đang trở thành sản phẩm du lịch, được nhiều du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Tại các chợ phiên đã xuất hiện gian hàng chuyên bày bán trang phục người Dao Đỏ như: Quần áo, khăn đội đầu, dải yếm, quả bông len... Thổ cẩm được coi là linh hồn tạo nên vẻ đẹp cho trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ. Vẻ đẹp ấy không chỉ đến từ chất liệu, màu sắc, hoa văn mà còn đến từ chính tâm hồn thuần chất núi rừng của người thêu gửi gắm, hóa thân vào từng sản phẩm. Đó chính là chất nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa đang trường tồn với thời gian, làm nên giá trị vô cùng độc đáo của bộ trang phục truyền thống mà người Dao Đỏ luôn tự hào, gìn giữ, ngày càng chắp cánh, lan tỏa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm