Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để phát triển bền vững, các cơ quan báo chí cần bám sát hai vấn đề: Nội dung và công nghệ

Thứ ba, 22/06/2021 - 15:34

(Thanh tra)- Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó, ngành Báo chí truyền thông suy giảm nguồn thu rõ rệt. Hướng đi nào phù hợp với xu thế của báo chí hiện đại, để vừa giữ được vị trí, vai trò là kênh thông tin chính thống của mình trước mạng xã hội, vừa đảm bảo được nguồn thu, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính?

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Ảnh: PV

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, báo chí ở Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

Cơ hội và thách thức trong thời đại công nghệ, hội nhập quốc tế

 Ông Đặng Khắc Lợi khẳng định, các cơ quan báo chí hiện nay không chỉ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng, chủ quyền quốc gia mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay đang tác động, làm thay đổi về phương tiện, phương thức thông tin, tuyên truyền.

Mặt khác, thực hiện đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, báo chí cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn về nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó là khó khăn đảm bảo nguồn tài chính để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cạnh tranh về cung ứng dịch vụ thông tin cho xã hội.

Tất cả những khó khăn đó biểu hiện rõ nét hơn trong gần hai năm qua, khi nền kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của ngành Báo chí nói riêng chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19.

Các cơ quan báo chí hướng tới tự chủ kinh phí hoạt động

Theo thống kê, đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí. Trong đó có 142 báo, ở Trung ương là 68 và địa phương là 74; 612 tạp chí, ở Trung ương là 520 và địa phương là 92; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Từ năm 2006 đến nay, các cơ quan báo chí thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, gọi tắt là đơn vị sự nghiệp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.

Hiện nay, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động là 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần về kinh phí hoạt động là 36%; số cơ quan báo chí được ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động là 25%.

Nhìn chung, các cơ quan báo hình, báo nói có mức độ tự chủ cao hơn, tỷ lệ nguồn kinh phí ngoài ngân sách trong cơ cấu nguồn tài chính của đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên cao hơn. Trong mỗi loại hình báo chí, cùng cấp quản lý thì mức độ tự chủ giữa các cơ quan báo chí cũng rất khác nhau.

Làm gì để tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí?

“Doanh thu của báo chí chủ yếu từ nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do những khó khăn chung của nền kinh tế, các cơ quan báo chí đều sụt giảm lượng phát hành, dẫn đến giảm doanh thu quảng cáo và doanh thu các dịch vụ khác, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp”, ông Đặng Khắc Lợi nhận định.

Với tỉ lệ tăng nhanh về số người sử dụng internet tại Việt Nam và xu hướng số lượng báo in giảm cho thấy nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân đang có sự dịch chuyển mạnh sang báo điện tử và thông tin trên internet.

“Do đó, theo quan điểm của tôi, để phát triển bền vững, các cơ quan báo chí cần bám sát hai vấn đề: Nội dung và công nghệ”, ông Đặng Khắc Lợi nói.

Bên cạnh thông tin thiết yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị, báo chí cũng xác định phát triển các nội dung mở rộng, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc, phát triển nội dung theo hướng báo chí dữ liệu, tiến tới xây dựng các sản phẩm báo chí thu phí... “Cốt lõi của báo chí vẫn là nội dung; có củng cố nội dung mới giữ chân bạn đọc và mở rộng đối tượng bạn đọc được”, ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, báo chí phải xác định dành một phần cho nội dung dịch vụ, quảng cáo, thương mại, trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Một yếu tố có tác động rất lớn đến hoạt động báo chí ngày nay chính là công nghệ. Các cơ quan báo chí cần nắm bắt, tận dụng công nghệ để chuyển đổi số báo chí, phát triển sản phẩm báo chí, thay đổi hình thức thể hiện, hình thức lan tỏa thông tin, tăng tương tác với bạn đọc, khai thác nguồn tin từ bạn đọc và mạng xã hội để đề tài báo chí, thông tin báo chí gần gũi hơn, bám sát cuộc sống, thực hiện hiệu quả hơn vai trò của cơ quan báo chí chính thống.

Mạng xã hội đã phát triển rầm rộ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể thấy, thông tin mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, mạng xã hội không thể thay thế vị trí, vai trò báo chí trong đời sống xã hội bởi tính chất thông tin hay tính xác thực của thông tin.

Theo ông Đặng Khắc Lợi, để khẳng định, giữ vững vị trí, vai trò đặc biệt này, người làm báo, những người hoạt động nghiệp vụ trong các cơ quan báo chí chính thống cần phát huy năng lực, biến thông tin mạng xã hội thành thông tin báo chí hấp dẫn cho độc giả. Đó cũng là một hướng để phát triển nội dung như đã nói ở trên.

“Nếu làm tốt nội dung và tận dụng được các ưu điểm của công nghệ trong hoạt động báo chí, tôi tin là bài toán nguồn thu cho cơ quan báo chí sẽ được giải quyết”, ông Đặng Khắc Lợi nói.

Thanh Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm