Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công bố quy hoạch hệ thống du lịch và mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao

Thái Hải

Thứ sáu, 18/10/2024 - 16:16

(Thanh tra) - Ngày 18/10, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị công bố nội dung “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Toàn cảnh hội nghị công bố. Ảnh: TH

Ngành Du lịch phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030

Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 7 nội dung chính bao gồm: Phạm vi quy hoạch; quan điểm phát triển; mục tiêu; định hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.

Về mục tiêu tổng quát năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Một số mục tiêu cụ thể được đề ra là năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, ngành Du lịch đóng góp trực tiếp 8 - 9% GDP cả nước.

Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm, đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.

Quy hoạch cũng xác định rõ phương hướng phát triển thị trường du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đầu tư phát triển du lịch.

Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đồng thời, Quy hoạch cũng nêu rõ công tác tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, các danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc

Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 6 nội dung chính, bao gồm: Phạm vi và đối tượng quy hoạch; quan điểm và mục tiêu; phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.

Trong đó nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia và phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm 12 đối tượng: Mạng lưới bảo tàng, mạng lưới thư viện, mạng lưới cơ sở điện ảnh, mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn, mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật, mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước, trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.

Phạm vi quy hoạch bao gồm các khu vực phân bố cơ sở văn hóa và thể thao trên diện tích đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của Nhân dân; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cục, vụ, ban, ngành và địa phương đã thẳng thắn nêu những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện triển khai, phát triển các quy hoạch.

Sớm đưa 2 quyết định quý hoạch vào cuộc sống

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho rằng việc tổ chức công bố 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần tuyên truyền sâu rộng về những nội dung cơ bản, ý nghĩa, mục tiêu của 2 quyết định quy hoạch trong các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động để sớm đưa 2 quyết định vào cuộc sống.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh các quyết định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện với mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Việc phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển thể dục, thể thao đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chủ quyền quốc gia; gắn kết với các nhiệm vụ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác có liên quan; kết nối hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm sự cân đối, hài hòa, phù hợp với các vùng, miền và giữa các lĩnh vực, nhất là các đối tượng chính sách và yếu thế, đồng bào các dân tộc thiểu số; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, phát huy tối đa vai trò quan trọng của thể dục, thể thao.

Đối với những khó khăn, vướng mắc được các địa phương nêu ra tại hội nghị, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến, cùng phối hợp với các địa phương tiếp tục trình lên các cơ quan có liên quan để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện trong thời gian tới, để hoạt động của sự nghiệp văn hóa nói chung và của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nói riêng sẽ góp phần đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024
Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

(Thanh tra) - Hướng đến Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2024), ngày 21/11, tại Bảo tàng Bình Định diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.

N. Phê - L. Bình

16:20 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm