Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chiêm ngưỡng linh vật thuần Việt trong nghệ thuật điêu khắc cổ

Thứ sáu, 07/11/2014 - 17:54

Với tổng số khoảng gần 60 hiện vật, hình ảnh hai linh vật sư tử và nghê, lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Sáng 7/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Bảo tàng Nam Định khai mạc triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Triển lãm nhằm mang đến cho công chúng cơ hội được thưởng thức, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của hai linh vật này trong kho tàng di sản nghệ thuật cổ Việt Nam.

Với tổng số khoảng gần 60 hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng; và một số tài liệu khoa học phụ như các bản vẽ đặc họa, tường giải trên cơ sở hiện vật..., hình ảnh hai linh vật sư tử và nghê, lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên, Ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng các vị đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phát biểu khai mạc triển lãm, Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định vẻ đẹp và giá trị hình tượng những linh vật trong không gian tín ngưỡng. Theo đó, hình tượng tư tử và nghê cùng những hình tượng linh vật sớm xuất hiện, tồn tại và trở nên gần gũi trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc.

“Từ hình thức tạo tác, trang trí trên hình tượng linh vật sư tử và nghê, tới những công năng sử dụng cùng nhiều biến thể đa dạng, sinh động, chứa đựng những giá trị tinh thần, thẩm mỹ, biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, đồng thời cũng tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật hiện đại”, ông Phan Văn Tiến cho biết.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh: “Triển lãm diễn ra trong bối cảnh một số công sở, nhà riêng, thậm chí cả những khu di tích đang chịu sự xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai. Triển lãm hy vọng góp phần giúp công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, thẩm mỹ chứa đựng trong những di sản văn hóa qua hình tượng sư tử và nghê Việt qua các thời kỳ lịch sử đất nước, đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống cũng như khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc của dân tộc”.

Nghê và lư hương thế kỷ XIX

Trong số 60 hiện vật trưng bày trong triển lãm, Bảo tàng Nam Định mang đến 20 hiện vật. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc bảo tàng Nam Định cho biết: “Đây là lần đầu tiên một triển lãm linh vật thuần Việt chủ yếu là hình tượng sư tử và nghê được tổ chức. Chúng tôi chọn rất nhiều hiện vật với nhiều loại hình, chất liệu phong phú, mang đến cho công chúng nhận thức về những giá trị thuần Việt, để chúng ta biết bảo vệ di sản cha ông để lại. Cuộc trưng bày giống như một “liều thuốc kháng sinh”, chống lại những văn hóa ngoại lai. Chúng ta sẵn sàng mở rộng cánh cửa hội nhập. Nhưng không có nghĩa cái gì cũng tiếp nhận hết mà phải chọn lọc những giá trị văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Nghê thế kỷ XVII ở xã Giao Yến (Nam Định)

Trong khuôn khổ triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng xây dựng chương trình giáo dục tương tác với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật thú vị dành cho học sinh THCS nhằm mục tiêu giáo dục toàn diện về trí - đức - thể - mỹ cho trẻ em trên cơ sở khai thác sưu tập hiện vật Bảo tàng.

Dự kiến sau triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ mang những hiện vật này trưng bày ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Ninh Bình – “quê hương” của những linh vật ngoại lai lớn nhất cả nước.

Triển lãm kéo dài đến ngày 17/11/2014 và được trưng bày tại phòng triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập nghê và sư tử Việt:

Sư tử chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ XI

Sư tử chầu ngọc ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), thế kỷ XI

Sư tử cầm ngọc, thế kỷ XIII - XIV

Sư tử chùa Thông (Thanh Hóa), năm 1270

 

Nghê thế kỷ XVIII ở đền Lâu Thượng (Phú Thọ)

 

Nghê thế kỷ XVII - XVIII ở chùa Xối Thượng (Nam Định)

 

Nghê thế kỷ XVII ở đền vua Lê Thanh Tông (Thanh Hóa)

 

Nghê thế kỷ XVII

Nghê mẹ nghê con, thế kỷ XVIII

Nghê thế kỷ XVII - XVIII ở chùa Hành Thiện (Nam Định)

  

Nghê thế kỷ XVII - XVIII ở đền Đồng Lư (Nam Định)

  

Nghê bằng chất liệu sành, thế kỷ XIX

Nghê bằng chất liệu gỗ, thế kỷ XIX

 

Chậu cảnh hình nghê, thế kỷ XIX

 

Hỏa lò hình nghê, thế kỷ XIX

Các em học sinh tham quan và tìm hiểu hình tượng nghê và sư tử Việt trong khuôn khổ triển lãm

 

Bảo tàng xây dựng chương trình giáo dục tương tác với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật thú vị hướng đến đối tượng là các em học sinh THCS

Theo VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm