Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bí ẩn” người Đàng Hạ ở Vạn Thạnh, Vạn Ninh

Khoa Lê

Thứ năm, 25/11/2021 - 18:23

(Thanh tra) - Hiện nay, tại Khánh Hòa vẫn tồn tại một tộc người tên là Đàng Hạ sinh sống. Do họ không còn giữ được tiếng nói riêng, nét văn hóa, phong tục, tập quán hay lễ hội riêng nên người Đàng Hạ chưa được công nhận là dân tộc thiểu số (DTTS). Người Đàng Hạ hiện đang sinh sống tại xóm biển Sơn Đừng, đây được xem là vùng đất với nhiều “bí ẩn” chưa lý giải được!

“Bí ẩn” của tộc người tên là Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng đến nay vẫn chưa có lời lý giải thỏa đáng. Ảnh: Khoa Lê

“Bí ẩn” về nguồn gốc

Những ngày cuối tháng 11/2021, chúng tôi tìm về xóm biển Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu về tộc người Đàng Hạ “bí ẩn”. Theo lời kể, hàng trăm năm nay về nguồn gốc tộc người Đàng Hạ ở Sơn Đừng vẫn chưa có lời giải chính xác. Trong suốt dặm dài lịch sử, người Đàng Hạ vốn sống khép kín nay đã hòa mình với người bản địa để chung sống hòa thuận, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Sau nhiều giờ di chuyển, vượt qua những con đường cheo leo, nguy hiểm, chúng tôi cũng đến xóm biển Sơn Đừng, hình ảnh bãi cát trắng mịn trải dài, lọt thỏm giữa hai dãy núi, trước mặt là biển, với hàng cây xanh cao và những chiếc thuyền, bè đang nhấp nhô ngoài biển đã tạo nên một khung cảnh hữu tình.

Để hiểu về người Đàng Hạ, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Trớt, 60 tuổi, được biết: “Từ lâu nay, người dân ở xóm Sơn Đừng vẫn gọi tôi là chủ làng, vì những người lớn tuổi hiểu chuyện chỉ tính trên đầu ngón tay. Tôi sống từ nhỏ ở đây, các bậc tiền bối kể rằng tộc người này có từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, nguồn gốc đến bây giờ vẫn chưa xác định được từ đâu. Có những người bảo rằng, xưa kia là Chiêm Thành lưu lạc vào đây do chiến tranh, cũng có người cho rằng người Đàng Hạ là ngư dân Indonesia trên đường đánh bắt hải sản gặp cơn bão trôi dạt rồi lưu lạc sinh sống và ở đây lập nghiệp…”.

Còn ông Trần Trò, người “chính gốc” Đàng Hạ, đã gắn bó hàng chục năm ở xóm Sơn Đừng cho biết: “Đến thời điểm này, người Đàng Hạ trải qua quá nhiều đời nên không còn biết gốc tích của dân tộc mình như thế nào? Ngay cả đến tiếng nói, tôi cũng không còn nhớ nổi và bây giờ chỉ sử dụng tiếng Kinh để giao tiếp.

Trước đây, người Đàng Hạ không có phong tục làm đám cưới, đám tang. Vào đêm 30 Tết, trai gái yêu nhau thì dắt về nhà ở chung. Nhưng sau này được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương nên đời ông và các thế hệ sau không còn xảy ra tình trạng này nữa”.

Theo các bậc cao niên ở đây, trước kia người Đàng Hạ không có khái niệm về bữa cơm gia đình, đói đâu ăn đó, có gì ăn nấy, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Nhiều gia đình có 3 - 4 người nhưng chỉ có một cái quần, người ở nhà phải nhường lại cho người đi ra ngoài.

Bà Nguyễn Thị Như, 69 tuổi, người dân xóm biển Sơn Đừng cho biết: “Người Đàng Hạ rất dễ nhận biết, vì họ có nước da ngăm đen, tóc xoăn, mũi tẹt, môi dày, mày rậm rạp và bàn chân to bè khác người. Đặc biệt cặp mắt của một số người có màu đồng”.

Quang cảnh xóm Sơn Đừng. Ảnh: Khoa Lê

Còn theo một cán bộ văn hóa xã Vạn Thạnh, hiện người Đàng Hạ không còn ngôn ngữ riêng, nhà nghiên cứu khó tìm ra được nét văn hóa nào đặc trưng của họ. Bây giờ, trong giao tiếp họ sử dụng hoàn toàn tiếng nói của người Kinh và thậm chí họ kết hôn với người Kinh nên lai rất nhiều. Các hộ đều làm thủ tục nhập khẩu, giấy khai sinh và kết hôn cũng giống như người Kinh.

Xóm biển gian khó dần đổi thay

Bà Nguyễn Thị Như, 69 tuổi, người dân xóm biển Sơn Đừng cho hay: “Cách đây khoảng 20 năm về trước, xóm Sơn Đừng đường đi rất khó khăn, nếu muốn vào trong xóm thì có 2 cách, một là đi bộ với quãng đường khoảng 7km hoặc di chuyển bằng ghe đò. Tuy nhiên, ghe đò ngày xưa rất hiếm lâu lâu mới có một chuyến nên việc đi chợ để mua đồ găp nhiều khó khăn.

Trước kia muốn có nước ngọt để uống thì phải dùng tay moi cát khoảng 20 - 30cm tìm mạch nước ngầm, khi tìm được nước người dân phải dùng can nhựa chứa vào để sinh hoạt trong gia đình hoặc mang đi rẫy để uống. Nhưng hiện nay, nhiều hộ đã đào giếng và mua được nước ngọt nên các mạch nước dần bị lãng quên…

Còn ông Đinh Văn Trớt nói: “Dân nơi này từ khi lập xóm mặc dù ở gần biển nhưng hầu như không ai biết đi biển mà chỉ đi lên núi chặt củi, hầm than và trồng khoai, đậu để sinh sống qua ngày. Khi có được những bó củi khô hoặc khoai thì mang đi đổi lấy gạo về ăn và chiếc nón mo cau luôn luôn gắn bó với người Đàng Hạ… Người trong xóm Sơn Đừng rất khao khát được học chữ, được sự giúp đỡ của bộ đội nên hơn 6 năm qua ban ngày người dân đi làm, còn ban đêm được các chú bộ đội dạy chữ do vậy số người biết đọc, biết viết đã tăng lên đáng kể.

Ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, trước đây việc đi lại của người dân xóm Sơn Đừng rất vất vả, việc di chuyển phải mất vài tiếng đồng hồ. Được sự quan tâm của các cấp, ngành nên bây giờ đường giao thông đã được đầu tư thông thoáng nên việc đi lại chỉ mất khoảng 20 phút. Người Đàng Hạ đã thay đổi hoàn toàn như người Kinh, số hộ của xóm này trước đây chỉ có 7 hộ thì nay đã tăng lên 27 hộ, với khoảng 50 nhân khẩu, chỉ còn một hộ nghèo duy nhất.

“Trước đây, địa phương đã hỗ trợ xây 7 căn nhà, hỗ trợ cây điều, bò và tôm giống cho người dân để phát triển kinh tế. Hiện, bà con đã có hệ thống điện thắp sáng, có điện thoại, xe gắng máy, hầu hết đã có nhà kiên cố và giao thông đi lại thuận lợi hơn so với trước. Điều đáng mừng là bà con nơi đây đã tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt nên đời sống đã thay đổi đáng kể”, ông Vương cho biết thêm.

Hiện nay, người Đàng Hạ ở xóm Sơn Đừng đã biết đi biển để đánh bắt cá mưu sinh. Ảnh: Khoa Lê

Còn ông Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng phòng Nghiệp vụ chuyên môn, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện, tỉnh Khánh Hòa có 35 DTTS cùng sinh sống. Trong đó, chủ yếu đông nhất dân tộc Raglai, Ê đê, Tày, Thái… Toàn bộ đồng bào DTTS được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ bảo hiểm y tế, học sinh đi học tại các trường, an sinh xã hội… Tuy nhiên, người Đàng Hạ chưa biết rõ về nguồn gốc của mình, hiện trong danh mục các dân tộc Việt Nam thì người Đàng Hạ vẫn chưa được công nhận là DTTS. Trước đây, người Đàng Hạ cũng được các cấp quan tâm hỗ trợ theo Quyết định 102/QĐ-TTg vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, bà con được hỗ trợ tiền mặt, gạo, muối, hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, xóm Sơn Đừng nằm vùng thấp sát với biển và nơi đây có ngôi đình có tên Sơn Đừng, hằng năm cứ vào ngày 18/3 Âm lịch người dân lại đến đình làm lễ cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hòa, con cái trong gia đình mạnh khỏe.

Chia tay xóm Sơn Đừng, chúng tôi bùi ngùi nhớ lời trăn trở của người Đàng Hạ về nguồn cội của mình qua một câu ca: “Sơn Đừng là Sơn Đừng cùi/Đi chợ bằng gùi đội nón mo cau”, họ truyền từ đời này sang đời khác để tự nhắc nhở tên Đàng Hạ vẫn luôn ở trong tâm của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm