Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động

Phương Hiếu

Thứ tư, 22/11/2023 - 10:03

(Thanh tra)- Tại hội nghị triển khai công tác năm 2023 và hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong luôn nhấn mạnh, ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2023 của ngành Thanh tra. Ảnh: PH

Luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị

Tiếp nối truyền thống 78 năm xây dựng và trưởng thành, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ thanh tra, năm 2023, hoạt động của ngành Thanh tra vẫn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, xử lý vi phạm và giải quyết các bức xúc của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) và ngành Thanh tra luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra một cách chủ động. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước, nhất là trong công tác PCTN, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ổn định tình hình an ninh, trật tự để phát triển kinh tế.

9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 198.655 tỷ đồng, 495ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng và 56ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439ha đất; ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trao Cờ Thi đua của TTCP cho Báo Thanh tra - đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022. Ảnh: PH

Riêng TTCP tiến hành 39 cuộc thanh tra, ban hành 13 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 8.067 tỷ đồng và 105,6ha đất; trong đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 5394,9 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 2672,1 tỷ đồng và 105,6ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét 21 vụ.

Trong công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.075 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.445 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 4.418 tỷ đồng và 9ha đất; xử lý hành chính 1.529 tổ chức, 5.182 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 207 vụ, 158 đối tượng; khởi tố 9 vụ, 15 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 221 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 314.564 người (tăng 11,7%) về 239.709 vụ việc, trong đó có 2.749 đoàn đông người. Tiếp nhận 335.198 đơn các loại, qua phân loại, có 276.208 đơn đủ điều kiện thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước; đã giải quyết 17.122 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 8,7 tỷ đồng và 14,5ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 441,6 tỷ đồng và 22,3ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 31 tổ chức, 373 cá nhân; kiến nghị xử lý 414 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 31 vụ, 26 đối tượng.

Trong công tác PCTN, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của TTCP và các bộ, ngành, địa phương, công tác PCTN, trong năm 2023 đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo là 82 vụ việc, 117 người.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong luôn nhấn mạnh trong các cuộc họp, ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: PH

Công tác xây dựng thể chế, được đặc biệt quan tâm, TTCP đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thanh tra và triển khai thi hành. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022; 2 dự thảo nghị định về thanh tra chuyên ngành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP. Giúp Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp ngân sách Nhà nước. 

Các mặt công tác khác cũng được tiến hành đồng bộ và hoạt động hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó phải kể là công tác tổ chức cán bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử, TTCP luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 19 cán bộ lãnh đạo cấp vụ.

Tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã báo cáo về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và nguyên nhân thực trạng của TTCP và ngành Thanh tra trong thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản liên quan như: Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022, Nghị quyết số 76-NQ/BCS ngày 6/6/2023 của Ban Cán sự Đảng; Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng TTCP… Đến nay tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra đã từng bước được khắc phục góp phần tạo nên kết quả tích cực của ngành Thanh tra thời gian qua.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra

Báo cáo của TTCP về kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cho thấy, năm 2023 là năm kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của ngành; cũng là năm toàn ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của ngành Thanh tra. Ảnh: PH

Với tinh thần đó, trong thời gian tới, ngành Thanh tra tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đáp ứng được các yêu cầu của việc phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là đối với các vụ việc vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, pháp luật về KN,TC góp phần ổn định chính trị - xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, giải quyết cơ bản dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC.

Thứ ba, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2030; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. Tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN và thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.

Thứ tư, triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; tập trung ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, các quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra Nhà nước và các cơ quan Nhà nước khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn

Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn

(Thanh tra) - Chiều 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2024 Khối thi đua số II thanh tra các bộ, ngành gồm Thanh tra: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng. Chánh Thanh tra Bộ Tư Pháp Nguyễn Hồng Diện - Khối trưởng Khối thi đua số II chủ trì hội nghị.

Phương Anh

21:21 29/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm