Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức người cán bộ thanh tra”

Thứ sáu, 17/05/2013 - 15:57

(Thanh tra)- Ngày 17/5, Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội thảo “Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức người cán bộ thanh tra”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào

Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu những chia sẻ tâm huyết của Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào; Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng; cùng đại diện một số tổ chức, đơn vị tham dự hội thảo.

Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào: Lời dạy của Bác còn nguyên giá trị với ngành Thanh tra


Gắn bó với Cơ quan TTCP từ tháng 4/2006, hiện đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào khẳng định: Hội thảo lần này được tổ chức vào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam, là cơ hội để mỗi người cán bộ thanh tra ôn lại những lời dạy ân cần của Bác đối với ngành Thanh tra và đội ngũ cán bộ thanh tra. Qua đó, nhận thức sâu sắc hơn những nội dung và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấy rõ hơn ý nghĩa lời dạy của Bác đối với ngành Thanh tra và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Cơ quan TTCP trong việc tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ theo tấm gương đạo đức của Bác.

+ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc vận động có sức ảnh hưởng lớn trong toàn Đảng, toàn dân. Tại TTCP, cuộc vận động đã được triển khai như thế nào, thưa Phó Tổng Thanh tra?

- Trong thời gian qua, thực hiện các Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy TTCP đã đề ra kế hoạch với nhiều giải pháp, biện pháp thiết thực, sáng tạo để thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Cơ quan TTCP và toàn ngành Thanh tra. Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng TTCP đã ban hành “năm chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổng Thanh tra cũng đã ban hành Chỉ thị số 345-CT/TTCP ngày 23/2/2012 về việc “đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Sau 6 năm thực hiện, cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Cơ quan TTCP đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần vào công tác xây dựng Đảng bộ và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của TTCP và ngành Thanh tra. Kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, không những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với ngành Thanh tra và với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

+ Những bài học từ cuộc đời Hồ Chí Minh có sức lan tỏa tới nhiều tầng lớp, giai cấp, thế hệ. Với ngành Thanh tra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bài học còn giá trị như thế nào, thưa Bí thư Đảng ủy?

- Thấm nhuần những lời dạy ân cần của Bác về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống lãng phí, tham ô, 68 năm qua, các thế hệ cán bộ ngành Thanh tra Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương, đã làm theo lời Bác, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, góp phần thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Sinh thời Bác đã dạy cán bộ, đảng viên “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Mặc dù thời gian đã trôi đi, nhưng những lời dạy của Bác đối với ngành Thanh tra và cán bộ thanh tra vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay. Do vậy, chúng ta thấy cần nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những lời dạy của Bác để làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cùng nhau rèn luyện, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!
 
TS Trần Đức Lượng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Thanh tra: 5 chuẩn mực đạo đức của người cán bộ thanh tra


Hồ Chí Minh đã sinh ra ngành Thanh tra Việt Nam bằng Sắc lệnh 64 được Người ký vào ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Bác nói rằng: “Thanh tra là công tác quan trọng và có tính chất thường xuyên của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp”.

 Từ lời dạy của Bác năm ấy, chúng ta cùng xây dựng và thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Bác dạy: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”, “có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Cùng với vai trò là “tai mắt của trên”, thanh tra còn là “bạn của dưới”.

Đối với những người là lãnh đạo quản lý cấp dưới thì thanh tra chính là người bạn giúp mình nhìn thấy, biết được, phát hiện và chỉ cho mình thấy được những việc mình làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy, những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục sửa chữa. Do đó, người cán bộ thanh tra phải có phong cách, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới; sâu, sát công việc; coi trọng nguyên tắc, kỷ cương; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lí, có tình, có tính thuyết phục cao; có tinh thần học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu, tiếp cận cái mới; không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực cá nhân về mọi mặt; coi trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc.

Khi Ban Thanh tra đặc biệt ra đời, với quyền hạn rất lớn “đình chức, bắt giam”, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, việc tìm người đủ đức, đủ tài để trao “thượng phương bảo kiếm” là không đơn giản. Việc chọn cụ Bùi Bằng Đoàn, ông Cù Huy Cận, cụ Tôn Đức Thắng, cụ Nguyễn Lương Bằng… những người thanh liêm, chính trực, công tâm, những tấm gương sáng để thực thi trọng trách cho thấy điều đó. Bác Hồ rất quan tâm đến cán bộ làm công tác thanh tra.

Bác dạy rằng: Cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh. Đồng thời phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn. Người đã chỉ rõ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Người còn nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Để xứng đáng với niềm tin ấy, cán bộ thanh tra cần phải có ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cá nhân trong sáng, lành mạnh; nói đi đôi với việc làm; hành động có văn hóa; gương mẫu, tiêu biểu trong lối sống sinh hoạt cá nhân; có tinh thần xây dựng và đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tích cực đấu tranh bài trừ tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; gương mẫu, không lợi dụng chức quyền để vụ lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.

Người từng răn dạy cán bộ thanh tra phải đến tận nơi, xem tận chỗ; phải khách quan, tỉ mỉ cẩn thận; phải dân chủ và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy vũ khí phê bình và tự phê bình: “Các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác”. Do đó, người cán bộ thanh tra phải có tấm lòng vì dân, thương dân, gần gũi, tôn trọng nhân dân, biết chia sẻ, thông cảm với nhân dân khi xử lý công việc; biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của nhân dân; hoạt động vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; thường xuyên sinh hoạt với nhân dân nơi cư trú đúng quy định của Nhà nước.

Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ thanh tra nói riêng phải trở thành kim chỉ nam cho việc rèn luyện đạo đức tác phong. Tôi nghĩ rằng, có lẽ các đồng chí cũng đồng cảm với tôi rằng, chúng ta rất tự hào được công tác trong ngành Thanh tra, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho thành tích chung của ngành cũng như góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Do vậy, cán bộ thanh tra phải luôn rèn luyện, tu dưỡng theo lời dạy của Bác: “Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.

Bí thư Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư Nguyễn Hồng Điệp: Thấm nhuần lời dạy của Bác trong tiếp dân, xử lý đơn thư


Dễ nhận thấy, giải quyết khiếu nại (KN) của dân là một hình thức biểu hiện trực tiếp mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Trong trường hợp các KN được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời và thỏa đáng thì những người dân đi KN và thậm chí cả những người sống quanh họ, quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ và cũng rất tự nhiên họ thấy Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ngược lại, cũng chính ở những người dân đó sẽ hình thành một tâm trạng “bất mãn”, thiếu tin tưởng và có xu hướng xa lánh Nhà nước nếu các KN, tố cáo (TC), các yêu cầu, thông tin của họ được các cơ quan, công chức, viên chức Nhà nước đón nhận bằng một thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm.

Cho nên, việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các KN của công dân, gắn liền với việc khôi phục kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý nghiêm minh những người sai phạm sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng gắn bó bền chặt.

“Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do mối quan hệ giữa dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố”. Hồ Chủ tịch từng khẳng định: “Trong bầu trời này không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới này không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Chính vì vậy, Người luôn quan tâm đến việc củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân và coi đó là nguồn gốc sức mạnh vô địch đánh bại mọi kẻ thù nguy hiểm nhất và như vậy thì phải hết lòng vì công việc của nhân dân.

Hồ Chủ tịch cũng đưa ra yêu cầu rất cao cho công tác giải quyết KN, TC của dân: “Phải giải quyết nhanh, tốt” các KN đó.

Khi nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế ngày càng phát triển, việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, công trình công cộng, các khu đô thị… là chủ để nóng bỏng phát sinh nhiều khiếu kiện. Để có thể thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội chung mà Đảng ta đã đề ra thì hơn ai hết, những cán bộ làm công tác tiếp dân phải hiểu rõ lời dạy của Hồ Chủ tịch, luôn lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của nhân dân và chuyển tải đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết để bảo đảm quyền lợi của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”


Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, một cách ngắn gọn nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Người nhấn mạnh: “Có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Điều đó có nghĩa, cán bộ thanh tra là người lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, phản ánh của quần chúng nhân dân; quan sát, nhìn nhận và đánh giá các công việc, hoạt động của hệ thống chính quyền, nhân dân để từ đó rút ra những điều đúng, sai, phù hợp và chưa phù hợp, giúp cho Đảng và Chính phủ kịp thời có những chính sách, pháp luật điều chỉnh hợp lý.

Hồ Chủ tịch căn dặn: “Cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai hoặc làm chậm”.

Cùng với vai trò là “tai mắt của trên”, thanh tra còn là “bạn của dưới”. Đối với những người là lãnh đạo quản lý cấp dưới thì thanh tra chính là người bạn giúp mình nhìn thấy, biết được, phát hiện và chỉ cho mình thấy được những việc mình làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy, những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục sửa chữa nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình. Là “bạn của dưới” còn có nghĩa người làm công tác thanh tra phải luôn gần gũi với nhân dân để nhân dân không có tâm lý đó là “quan thanh tra” dẫn đến e ngại, không dám nói lên tâm tư, nguyện vọng hay thậm chí những điều oan ức của mình.

Qua phân tích trên có thể thấy, “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” có nghĩa rằng, thanh tra chính là cầu nối giữa lãnh đạo cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới, giữa cơ quan ban hành chính sách và thực hiện chính sách, giữa Trung ương và địa phương, giữa người lãnh đạo, chỉ đạo và người thực hiện.


Chị Tạ Thu Thủy - Đại diện tuổi trẻ cơ quan TTCP: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền


Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành cho thế hệ trẻ những lời chỉ dạy quý báu để giáo dục lý tưởng và định hướng cho hành động. Nhắc đến những lời chỉ dạy của Người, chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết đến bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Lời chỉ dạy được Bác Hồ dành tặng cho Liên phân đội Thanh niên Xung phong 312 năm 1951 ấy đã trở nên quen thuộc không chỉ với thế hệ thanh niên Việt Nam mà còn đối với mọi người dân Việt Nam. Nó là động lực, là bài học định hướng cho mỗi chúng ta trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Thế hệ trẻ TTCP cần hiểu sâu sắc và làm theo lời dạy của Bác. Hiện nay, Đoàn Thanh niên TTCP chiếm hơn 22% tổng số cán bộ, công chức, viên chức TTCP. Với tính chất công việc đặc thù nên đoàn viên, thanh niên Cơ quan đều đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên môn, tham gia các đoàn thanh tra giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra là một công tác phức tạp nên đòi hỏi người cán bộ thanh tra phải giỏi về chuyên môn và có bản lĩnh nghề nghiệp. Vì vậy, đối với những người cán bộ trẻ để có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ đặt ra không phải là điều dễ dàng, cần phải tạo dựng, tu dưỡng và rèn luyện rất nhiều để không những vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả bản lĩnh nghề nghiệp, tư tưởng chính trị. Người làm công tác thanh tra phải làm sao cho thật đúng, thật hợp lý để có thể làm tham mưu tốt nhất cho cấp trên, để giải quyết những vướng mắc thường ngày trong dân…


Ông Lê Quốc Văn, Đảng bộ Cục III: Tấm gương về thực hành tiết kiệm


Là người cán bộ, đảng viên, chúng ta luôn ý thức và tích cực góp ý công khai những qui trình, thủ tục thực hiện nghiệp vụ chuyên môn do pháp luật qui định để mọi người biết và giải quyết công việc đúng qui định của pháp luật; thi hành công vụ một cách nhiệt tình, trách nhiệm, giải quyết tốt công việc cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện giải quyết công việc được giao đúng tiến độ, đúng thời gian qui định. Tổ chức sắp xếp công tác tuần, tháng cho cơ quan bảo đảm thời gian biểu hợp lý, khoa học, phù hợp với công việc của từng cơ quan, đơn vị. Đi làm đúng giờ, không làm việc riêng, lãng phí thời giờ làm việc, bảo đảm ngày làm việc 8 giờ có chất lượng và hiệc quả cao theo quy định. Không lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao để làm trái quy định của pháp luật gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng tài sản công vào việc riêng cá nhân mình; trung thực việc kê khai tài sản và các thu nhập cá nhân…

Trong thời gian tới, toàn ngành ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; tiếp tục phát huy những kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua, nhất là phát huy tốt 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra, nghiêm khắc kiểm điểm, khắc phục những hạn chế, để lãnh đạo và tổ chức cho đảng viên và quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tích cực đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực, bè phái, cơ hội, chạy chức, các quan điểm sai trái làm tổn hại đến uy tín của đảng và của ngành Thanh tra.

Phó Bí thư Chi bộ Vụ II Trần Văn Tuấn: Học và làm theo lời dạy “chí công vô tư”

Bác Hồ dạy: “Thái độ của người cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan, chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình”.

Trong giai đoạn hiện nay, việc nghe nhiều bên như lời Bác dạy chính là yêu cầu phải biết tiếp cận thông tin đa chiều, luôn đặt quan điểm tổng thể, phát triển trong đánh giá sự vật, hiện tượng để phân tích thấu đáo tài liệu, thông tin thu thập qua thanh tra, quy kết trách nhiệm của cá nhân, tập thể đối với những vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

Người làm công tác thanh tra phải chỉ ra những mâu thuẫn, bất cập của hệ thống pháp luật điều chỉnh một vấn đề cụ thể nào đó để kiến nghị với các cơ quan hữu quan chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tại khách quan, tránh gây “khó” cho người thực hiện pháp luật.

Để thực hiện được lời dạy của Bác, người làm công tác thanh tra hiện nay cần nỗ lực trên nhiều phương diện, phải không ngừng trau dồi kiến thức; việc áp dụng pháp luật cần hết sức tránh cứng nhắc, máy móc. Phải xét cả tính pháp lý và tính hợp lý, đánh giá hiệu quả kinh tế nhưng cũng phải tính đến hiệu quả xã hội và vấn đề phát triển bền vững để xem xét, đánh giá trên nhiều góc độ; việc áp dụng pháp luật phải tính đến thời điểm lịch sử trong nước và quốc tế, bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể; việc phát hiện, thống kê các số liệu về sai phạm và kiến nghị các biện pháp xử lý sau thanh tra phải có ý nghĩa và có tính khả thi.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hệ thống pháp luật còn khá phức tạp và có những lĩnh vực còn chưa thật cụ thể nên việc áp dụng pháp luật cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều văn bản để phản ánh đúng bản chất vấn đề, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nếu cần thiết.

Tại Đại hội IX của Đảng, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…".

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm