Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thi hành Luật Thanh tra - Nhiều điểm vướng cần tháo gỡ

Thứ ba, 08/01/2013 - 09:41

(Thanh tra) - Từ khi Luật Thanh tra đi vào cuộc sống (ngày 1/7/2011), việc thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương đã thu được nhiều kết quả tích cực. Luật Thanh tra đã tạo ra sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong công tác thanh tra, trình tự, thủ tục linh hoạt hơn, phù hợp hơn, đặc biệt với thanh tra chuyên ngành. Song vẫn còn nhiều điểm vướng…

Sau khi Luật Thanh tra được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai tại 64 điểm cầu trong cả nước

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước

Kết quả theo dõi, khảo sát của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Luật Thanh tra quy định rõ các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra là phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiện nay, tạo sự thông suốt từ Trung ương đến địa phương; không làm phát sinh thêm các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm được vị trí, vai trò của hoạt động thanh tra trong phục vụ quản lý Nhà nước, đặc biệt là hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực.

Luật Thanh tra năm 2010 cũng tạo khung pháp lý quan trọng để nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra, tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra, thủ trưởng các cơ quan thanh tra trong việc ra quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý trong và sau thanh tra.

Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Thanh tra năm 2010. Theo đánh giá của một số bộ, ngành, địa phương thì quá trình triển khai thực hiện các quy định này đều thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra hiện hành đã quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, nhất là trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành và phân công thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập. Các quy định này đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra chuyên ngành; bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra nhanh nhạy, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các sai phạm.

Đáng chú ý, trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, Luật đã bổ sung hình thức thanh tra thường xuyên theo yêu cầu quản lý.

Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; công khai kết luận thanh tra đã được chú trọng hơn trước, từng bước đáp ứng được nhiệm vụ của công tác thanh tra.

Đặc biệt, Luật Thanh tra năm 2010 đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, đối tượng thanh tra trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và các chế tài để xử lý đối với các hành vi không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, vì thế việc thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định về thanh tra được thực hiện nghiêm túc hơn, kể từ khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu thực thi hành.

Khó thanh tra doanh nghiệp Nhà nước

Trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra cũng lộ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo bộ, ngành, địa phương phản ánh, do Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra không xác định biên chế tối thiểu cho cơ quan thanh tra nên ở nơi nào thủ trưởng cơ quan quản lý quan tâm đến công tác thanh tra thì số lượng biên chế mới bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ.

Việc luân chuyển cán bộ thanh tra sang cơ quan khác ở một số nơi còn tuỳ tiện, gây không rất ít khó khăn cho hoạt động của các cơ quan thanh tra. Qua khảo sát thực tế ở cấp sở và cấp huyện, có nơi chỉ có 3 cán bộ làm công tác thanh tra.

Luật Thanh tra và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP đã có những quy định về thẩm quyền thanh tra lại, trình tự, thủ tục thanh tra lại. Qua khảo sát đến nay, có rất ít bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quy định này. Tuy nhiên, ở một số nơi tiến hành hoạt động thanh tra lại một số vụ việc thì khi áp dụng quy định về thanh tra lại cũng rất khó, vì nhiều nội dung thanh tra, phạm vi thanh tra, đối tượng của thanh tra lại, giá trị pháp lý của kết luận thanh tra cũng chưa được hướng dẫn cụ thể.

Hơn nữa, dù Luật Thanh tra đã xác định thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước, song trên thực tế khi ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý, chánh thanh tra các cấp, các ngành vẫn gặp phải những vướng mắc, khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, ra quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thành lập đóng tại địa phương, cho dù phát hiện doanh nghiệp đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thành lập vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, lao động, bảo hiểm, môi trường… thuộc quyền quản lý của địa phương nhưng thanh tra tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh cũng không ra quyết định thanh tra vì sợ vi phạm về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Thanh tra.

Các quy định về việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra... thực hiện rất khó do thiếu hướng dẫn cụ thể để áp dụng.

Thanh tra chuyên ngành... lúng túng

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi Luật Thanh tra có hiệu lực, toàn bộ hệ thống thanh tra chuyên ngành thuộc các tổng cục, cục thuộc bộ; cục thuộc tổng cục; chi cục thuộc sở, chi cục thuộc cục, của các cơ quan quản lý Nhà nước đã được chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động. Trong quá trình xây dựng Nghị định 07/NĐ-CP ngày 9/2/2012 về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ đã gửi văn bản tới các bộ, ngành và tiến hành khảo sát tại một số bộ, ngành để đánh giá và thống nhất các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.

Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2012, nhưng trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, một số bộ, ngành đang tiếp tục đề nghị bổ sung giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho một số cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục, chi cục thuộc sở. Như Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Chính phủ bổ sung cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, gồm Chi cục Đường thủy nội địa  (thuộc Cục Đường thủy nội địa) và Khu Quản lý đường bộ (thuộc Tổng cục Đường bộ)....

Việc thành lập bộ phận tham mưu ở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhìn chung đang còn nhiều lúng túng. Ở các bộ, ngành khác nhau dự kiến thành lập bộ phận tham mưu về hoạt động thanh tra chuyên ngành cũng khác nhau. Hiện nay có một số bộ, ngành thành lập Vụ Tham mưu về công tác thanh tra (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính), trong khi đó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang dự kiến sẽ sáp nhập Thanh tra Tổng cục Môi trường (cũ) vào Cục Kiểm soát ô nhiễm và có thêm chức năng là cơ quan đầu mối giúp Tổng cục Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành môi trường của Tổng cục.

Để khắc phục các hạn chế, vướng mắc nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời xây dựng các thông tư hướng dẫn về hoạt động thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ trưởng.

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chủ trì kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật quy định về thanh tra thuộc thẩm quyền của mình để tiến hành việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay về công tác thanh tra; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn...


Bài, ảnh: Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.

Đông Hà + Thanh Hoa

07:30 15/12/2024
Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm