Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm “găm hàng, đội giá” vật liệu dự án hạ tầng giao thông

Hương Giang

Thứ sáu, 16/02/2024 - 14:26

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, không để phát sinh các vấn đề phức tạp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm “găm hàng, đội giá” nguyên vật liệu cho dự án hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm “găm hàng, đội giá” nguyên vật liệu cho dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: N.Bắc

Ngày 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP HCM.

Dành 422.000 tỷ đồng đầu tư dự án hạ tầng giao thông

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.

Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các dự án phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được gia; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

“Khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ; khi gặp khó khăn phải đi kiểm tra, đôn đốc, cùng ngồi lại để chia sẻ, thông cảm, tìm cách giải quyết, không tiếc thời gian cho công việc này”, Thủ tướng quán triệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải chủ trì họp phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo. Ảnh:N.Bắc

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, không để phát sinh các vấn đề phức tạp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm liên quan tới “găm hàng, đội giá” với nguyên vật liệu cho các dự án.

“Chúng ta phải chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cam kết của mình để triển khai các công việc theo tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết"", Thủ tướng một lần nữa nêu rõ.

Đa số các dự án mới triển khai đạt, vượt kế hoạch

Ngay những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng đã ban hành 2 công điện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng.

Trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết Giáp Thìn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra, chúc Tết, tại 5 dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải khu vực Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, động viên khích lệ người lao động.

Nhìn lại năm 2023 và tháng 1 năm 2024, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp tích cực, nỗ lực triển khai và đạt được nhiều kết quả trong triển khai các công trình, dự án

Đáng chú ý, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài tại một số dự án đã được tập trung xử lý.

Điển hình, Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành (đình trệ nhiều năm đã được tập trung tháo gỡ các vướng mắc về vốn; giải quyết các phát sinh trong hợp đồng xây lắp để tái khởi động, tiến độ triển khai theo đúng kế hoạch); Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (khó khăn về công tác lựa chọn nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng)…

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công như Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; 3 dự án trục Đông-Tây, đường Vành đai của Hà Nội và TP HCM, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, An Hữu-Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa…

Với các dự án mới triển khai, các tỉnh đã tập trung lực lượng để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công; các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đa số đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; kết quả giải ngân của các dự án đều đạt ở mức cao hoặc vượt yêu cầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm