Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thành lập mạng lưới báo chí phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 21/11/2012 - 10:34

(Thanh tra) - Ngày 20/11, Dự án Sáng kiến Xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI) thuộc Văn phòng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức khởi động Sáng kiến Thành lập "Mạng lưới báo chí về phòng, chống tham nhũng".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Long

Nâng cao vai trò báo chí trong PCTN

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc, Văn phòng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững, VCCI cho biết, từ năm 2010 tới nay, Dự án ITBI đã triển khai nhiều hoạt động như nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam; nâng cao nhận thức, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp về tính liêm chính trong kinh doanh nhằm tạo ra giá trị bền vững; đối thoại chính sách giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như Thanh tra Chính phủ, ngân hàng, quản lý đất đai với cộng đồng doanh nghiệp; cập nhật Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai … Việc khởi động thành lập mạng lưới báo chí về PCTN nằm trong chuỗi hoạt động chính của dự án nhằm chung tay cùng cải thiện môi trường và các thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam.

Đại diện ITBI cho hay, nhiều thủ tục hành chính quá rườm rà là cơ hội cho tham nhũng và hối lội hoành hành. Nhiều dấu hiệu về môi trường kinh doanh cho thấy tình trạng tham nhũng vẫn cần nhiều nỗ lực và hành động để cải thiện. Với việc khởi động thành lập mạng lưới báo chí PCTN dự kiến gồm 40 - 60 nhà báo, đang hành nghề tại các cơ quan báo chí trong nước.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 - 2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, để bắt đầu hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, các doanh nghiệp cần trung bình 9,94 thủ tục giấy tờ trong thời gian 44 ngày (đứng thứ 113 trên 142 nước), tình trạng lãng phí trong chi tiêu của Chính phủ xếp thứ 102 (đạt 2,2/7 điểm), việc chi trả các khoản phí không chính thức xếp thứ 104 (tương ứng 3,2/7 điểm), tính minh bạch trong quá trinh hoạch định chủ trương, chính sách xếp thứ 91 (tương ứng 4/7 điểm).

Bên cạnh đó, ITBI cam kết chia sẻ thông tin về các hoạt động, kết quả nghiên cứu khảo sát liên quan đến liêm chính và minh bạch, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiếp cận, công khai thông tin cho báo chí. ITBI sẽ thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin liên quan đến PCTN cho các nhà báo tham gia mạng lưới. Đây là hoạt động nhằm tăng cường vai trò của báo chí trong việc đẩy mạnh tính liêm chính, công khai và minh bạch trong kinh doanh tại Việt Nam.

Cần khuyến khích báo chí tham gia PCTN


Chia sẻ cùng phóng viên tại hội thảo, ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong khẳng định, báo chí, truyền hình, các phương tiện truyền thông nước ta thời gian qua đã có nhiều đóng góp có hiệu quả vào công cuộc PCTN, vấn nạn lớn đang làm nhức nhối xã hội.

Theo ông Nam, mặc dù là những nhân tố tiên phong trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này, tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp báo chí vẫn thường xuyên bị cản trở như: 1 là bắt dừng; 2 là khuyên... nên dừng - bằng cách nói miệng hoặc trao đổi qua điện thoại của đồng chí A, đồng chí B nào đó, tất nhiên là có quyền, có chức to, khuyên Tổng Biên tập không nên đưa vì nhiều lý do như vụ này phúc tạp, vụ này để cơ quan chức năng làm đã...; 3 là bị đe dọa hành hung; 4 là bị mua chuộc; 5 là bị cô lập - nhiều nhà báo hăng hái chống tham nhũng, có cơ quan báo chí tích cực chống tham nhũng cũng bị cô lập.

Theo ông Dương Xuân Nam, mặc dù là những nhân tố tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp, báo chí vẫn thường xuyên bị cản trở. Ảnh: Hoàng Long

Để giải quyết tình trạng trên cần tăng cường giải pháp lớn như tạo cơ chế kiểm soát quyền lực sao cho có hiệu quả nhất, công khai hóa, minh bạch hóa, tạo cơ chế cho người dân giám sát…

"Đối với báo chí, các nhà báo và cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật khi viết bài, đưa tin về các vụ tham nhũng, không lấy lý do này khác để tùy tiện can thiệp. Cần có cơ chế để bảo vệ phóng viên viết bài, bảo vệ các tòa soạn báo. Hội Nhà báo Việt Nam nên có giải thưởng báo chí quốc gia riêng cho các bài, tin, ảnh, phóng sự, điều tra về chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Các bài viết chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả cần được khuyến khích, trả nhuận bút cao gấp 2 hoặc 3 lần… Phải có các giải pháp cụ thể như vậy mới khuyến khích báo chí chống tham những tích cực, hiệu quả", ông Nam nhấn mạnh.


Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm