Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nghiêm Lan
Thứ bảy, 20/11/2021 - 14:09
(Thanh tra)- Tại Phiên họp thứ 20, vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trong những nội dung Ban Chỉ đạo đã kết luận: Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cao cấp...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 20. Ảnh Trí Dũng
Báo Thanh tra đã có buổi phỏng vấn nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, về vấn đề này.
PV: Kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Ban Chỉ đạo, đã được toàn Đảng, toàn dân đánh giá cao. Xin ông cho biết vai trò của cơ quan thanh tra trong công tác PCTN?
Nhà báo Lê Nghiêm: Kết quả PCTN vừa qua là bước đột phá, bước tiến lớn chưa từng có trong mấy chục năm gần đây ở Việt Nam, người dân ai cũng ghi nhận, báo chí quốc tế cũng ghi nhận. Và ngành Thanh tra là một trong những lực lượng quan trọng, đóng góp vào kết quả thắng lợi này, thông qua nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cụ thể là, phát hiện ra những hành vi tham nhũng. Phát hiện là khâu đầu tiên rất quan trọng, phát hiện ra những vi phạm pháp luật, những sai phạm, sau đó mới điều tra, truy tố, xét xử... những vụ lớn, nhỏ, công đầu bao giờ cũng thuộc về cơ quan thanh tra.
Những năm vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra nhiều vụ tham nhũng vô cùng khó, vô cùng phức tạp, “động chạm” đến nhiều bộ, ngành, nhưng được hỗ trợ của Ban Chỉ đạo, và với sự quyết tâm cao, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò của mình, như dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, đã “động chạm” đến 5 bộ, ngành. Tất cả những vụ trọng án mà Ban Chỉ đạo đưa ra, Thanh tra Chính phủ đều thực hiện tốt, thành tích là của toàn Đảng, toàn dân, nhưng thanh tra có công rất lớn, vì muốn chống tham nhũng thì phải bắt đầu bằng việc phát hiện sai phạm.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ (nói riêng) và ngành Thanh tra (nói chung) đã tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai những định hướng lớn về công tác PCTN; trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN, xây dựng thể chế, thực hiện các biện pháp phòng ngừa; phát hiện, phối hợp xử lý tham nhũng.
Và để thực hiện Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ còn ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân.
Có thể nói, việc tham gia xây dựng thể chế về PCTN của Thanh tra Chính phủ là bước tiến mới, tạo ra các công cụ rất tốt để PCTN, phát hiện tham nhũng, và đã đạt được kết quả chống tham nhũng vừa qua của Đảng.
PV: Theo ông, cơ quan thanh tra phát hiện tham nhũng có khó không?
Nhà báo Lê Nghiêm: Thực tế cho thấy, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng không phải là chuyện dễ, nhất là khi nhiều cán bộ là người đứng đầu cơ quan thuộc hệ thống Nhà nước, có quyền lực lớn, lại chính là kẻ chủ mưu tham nhũng, hoặc dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, trong mấy năm vừa qua, có những Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, và nhiều tướng lĩnh công an, quân đội, đã bị kỷ luật vì hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Để phát hiện tham nhũng trong cơ quan Nhà nước, thông thường bắt đầu từ hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng rất khó, vì hành vi tham nhũng là sai phạm nặng nhất, được che giấu kín nhất, bằng mọi lực lượng, bằng mọi phương tiện. Để phanh phui được những sai phạm của những người có chức vụ, quyền hạn lớn như đã nói trên, với tài sản tham nhũng rất lớn, hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng, thì càng khó, vì họ che giấu rất tinh vi, và tổ chức rất chặt chẽ, cấu kết từ trên xuống dưới, cấu kết trong ngoài, thanh tra thâm nhập được không dễ, phải vượt qua biết bao trở ngại, ràng buộc, và để phát hiện, thì cán bộ thanh tra phải thật bản lĩnh, ngoài năng lực trình độ, phải không để mình bị mua chuộc, không sợ đe dọa.
PV: Ông đánh giá thế nào về thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, và phương thức hoạt động hiện nay trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ PCTN?
Nhà báo Lê Nghiêm: Qua tìm hiểu và trao đổi với các nhà nghiên cứu, tôi thấy, có một số hạn chế trong PCTN hiện nay, cụ thể là: Trong nỗ lực chống tham nhũng vừa qua, sức mạnh đột phá, quyết định nhất, chính là kỷ luật Đảng, đặc biệt là kỷ luật Đảng ở Trung ương, đây là công cụ mạnh nhất (trước đây, kỷ luật Đảng cũng có quy định, nhưng không được phát huy, không nghiêm minh như hiện nay), thể hiện ở hiệu quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, để chống tham nhũng một cách căn cơ, lâu dài, bền vững thì kỷ luật Đảng là chưa đủ. Cần phải có thêm các công cụ khác.
Để chống tham nhũng từ gốc, thì cần có các công cụ hữu hiệu để kiểm soát cho được quyền lực của những người được giao thực thi quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải nhốt quyền lực vào “lồng cơ chế”.
Quyền lực không bị kiểm soát tốt chính là nguồn gốc của tha hóa và tham nhũng. Quyền lực càng lớn mà không bị kiểm soát tốt tất yếu dẫn tới tha hóa lớn, tham nhũng lớn. Quyền lực tuyệt đối mà không bị kiểm soát tốt tất yếu dẫn tới tha hóa tuyệt đối và tham nhũng tuyệt đối.
Để tạo dựng cái “lồng cơ chế” có thể kiểm soát tốt quyền lực của những người được giao thực thi quyền lực, cần thiết phải bổ sung các công cụ sau đây:
Thứ nhất: Cần có bộ máy Nhà nước đủ quyền lực, sức mạnh để kiềm chế, kiểm soát được quyền lực của những người được giao thực thi quyền lực. Thanh tra Chính phủ không có quyền giám sát, kiểm soát quyền lực của các bộ máy cấp cao. Ở các nước có cơ chế bảo vệ Hiến pháp là một công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực. Tại các cuộc họp vừa qua, Quốc hội bàn việc tìm kiếm mô hình cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Các nước có nhiều mô hình, cơ chế Nhà nước hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo, học tập.
Thứ hai: Một công cụ rất quan trọng để chống tham nhũng là kiểm soát tài sản của những người được giao thực thi quyền lực, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn lớn, những vị trí có nguy cơ tham nhũng lớn. Nghị định 130 chưa yêu cầu công khai, minh bạch tài sản người có chức vụ, quyền hạn lớn, chưa kiểm soát được tài sản của các đối tượng này. Hiện nay, kê khai tài sản xong, chỉ công khai trong diện hẹp (tại cơ quan nơi cán bộ làm việc), sau đó bản kê khai được lưu trữ trong tủ, người dân và báo chí không hoặc rất ít được tiếp cận, không thể theo dõi, giám sát, vì tài sản của cán bộ vẫn được coi là bí mật đời tư. Ở nhiều nước có thành tích chống tham nhũng tốt, tài sản của quan chức phải được công khai, đưa vào dữ liệu mở, để người dân giám sát, báo chí giám sát, theo dõi biến động về tài sản. Vì vậy, Nghị định130 nên bổ sung thêm, để việc giám sát tài sản được minh bạch, công khai hơn.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản của các cán bộ, công chức chuyển tiền ra nước ngoài, mua tài sản ở nước ngoài chưa được tốt, chưa công khai, minh bạch. Vấn đề này vừa rồi cũng được bổ sung vào quy định những điều đảng viên không được làm, tuy nhiên, chính sách này cần phải thể chế hóa bằng quy định của luật pháp.
Thứ ba: Để kiểm soát tốt quyền lực của những người được giao thực thi quyền lực, cần bổ sung, sửa đổi một số chính sách, pháp luật, nhằm thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp, phát huy vai trò của báo chí trong giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, cần thể chế hóa chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thành các quy định của pháp luật để phát huy vai trò của nhân dân. Để người dân giám sát được người có chức vụ, quyền hạn, thì người dân phải có quyền thực sự trong việc phát hiện và bầu chọn những người xứng đáng. Người có chức vụ, quyền hạn mà do dân bầu chọn lên, thì mới có trách nhiệm với những người bầu chọn mình, phải giải trình với dân và mới chịu sự giám sát của nhân dân. Do đó, chính sách chống tham nhũng phải phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, kiểm soát quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty Cổ phần Công nghệ Hải Nam Tech bị cấm thầu 3 năm tại thành phố Hải Phòng do có hành vi gian lận khi kê khai nhân sự trong hồ sơ mời thầu.
Đông Hà
19:52 15/12/2024(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.
Đông Hà + Thanh Hoa
07:30 15/12/2024Đông Hà
20:01 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh