Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 13/12/2011 - 09:55

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Cấp cao Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia. Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Đoàn Đại biểu Cấp cao Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) do bà Dato’Latifah MD Yatim, Phó Chủ tịch MACC, Giám đốc Văn phòng MACC tại Bang Kuala Lumpur làm Trưởng đoàn.

Thay mặt lãnh đạo TTCP Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu sang thăm và trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) với TTCP Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội quý báu để hai bên thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chỉ đạo, điều hành hoạt động PCTN; góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TTCP Việt Nam với MACC nói riêng và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Malaysia nói chung.

Quyết tâm PCTN của Việt Nam

Tại buổi hội đàm, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam 11 tháng qua và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho thời gian tới; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của ngành Thanh tra Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành hoạt động PCTN.

Theo Phó Tổng Thanh tra, trong năm 2011, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công tác PCTN, đặc biệt đã xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động này. Việt Nam đã có Luật PCTN, Chiến lược PCTN đến 2020. Sau khi ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, công tác hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, nhiều văn bản quan trọng đối với công tác PCTN đã được ban hành như: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Khoáng sản, Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch, tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng…

Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về PCTN tiếp tục được quan tâm thực hiện nhằm tác động đến nhận thức của toàn xã hội. Tăng cường hoạt động phổ biến pháp luật về PCTN, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng…

Phó Chủ tịch MACC Dato’Latifah MD Yatim Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng

Phó Chủ tịch MACC Dato’Latifah MD Yatim Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng


Việc tổ chức đối thoại về PCTN với các đối tác phát triển để tìm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tốt được đẩy mạnh. Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thế giới để tìm kiếm giải pháp PCTN ở cơ sở. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm giảm mạnh cơ chế xin cho, cơ chế tiếp xúc dễ nảy sinh tiêu cực giữa cán bộ cơ quan Nhà nước với người dân; thực hiện kê khai, công khai tài sản của người có chức vụ. Trong phát hiện, đẩy mạnh hoạt động thanh tra và kiểm toán, khuyến khích người dân tham gia tố cáo các hành vi tội phạm, tham nhũng…

Phó Tổng Thanh tra cho biết, bình quân 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đưa ra xét xử 200 vụ liên quan đến tham nhũng.

Kinh nghiệm PCTN từ Malaysia

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm trong công tác PCTN như: Kê khai tài sản cán bộ, xử lý việc đưa tiền hối lộ, kiểm tra hồ sơ cán bộ khi ứng cử, đề cử, kiểm soát mua sắm công… đồng thời bàn thảo kế hoạch hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, giáo dục đào tạo… giữa MACC và TTCP Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Dato’Latifah MD Yatim cho biết, một trong những lĩnh vực ưu tiên của Malaysia là PCTN, tiếp theo là thực thi pháp luật. Malaysia có một số kinh nghiệm tập trung vào xử lý việc đưa tiền hối lộ, trong đó chú trọng kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều biện pháp. Người dân tố cáo hành vi đưa tiền hối lộ sẽ được nhận phần thưởng bằng tiền mặt. Ngoài ra, yêu cầu cán bộ công chức thực hiện nghiêm kê khai tài sản phát sinh hàng năm, kê khai toàn bộ tài sản 5 năm/lần, có hệ thống tiêu chuẩn riêng. Không chỉ bản thân cán bộ mà người thân cũng cần kê khai. Bà cũng cho biết, trong năm qua Malaysia đã xử lý hơn 500 vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Trước khi bầu cử, các cơ quan của Malaysia có đơn vị chuyên trách thực hiện việc kiểm định bản kê khai tài sản của cán bộ. Đơn vị này có nhiệm vụ kiểm soát việc trao thưởng, kỷ luật; điều tra, kiểm soát, đề xuất khen thưởng… Danh sách tất cả các cán bộ được ứng cử, đề cử được gửi cho MACC trrước khi diễn ra bầu cử và được tiến hành kiểm tra lại hồ sơ. Theo bà Phó Chủ tịch, MACC Có các đơn vị chuyên trách dành cho việc giám sát các công chức; điều tra hoạt động công chức, việc thực hiện các nghi thức ứng xử, đạo đức công chức; phòng ngừa tham nhũng trong công chức…

Bà Yatim cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi thực hiện PCTN là việc lấy được thông tin, bằng chứng xác thực từ nhân chứng; hay thu thập đủ chứng cứ trong các vụ án phức tạp như các vụ chuyển tiền ra nước ngoài… Bà cũng tin tưởng rằng, với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, với các điều khoản bảo vệ nhân chứng, người dân sẽ cởi mở hơn đối với hoạt động này.

Tại buổi làm việc, bàn về hoạt động phối hợp, liên kết đào tạo cho cán bộ 2 nước, bà Yatim cho biết, Học viện PCTN của Maylaysia đang thực hiện đào tạo cán bộ trong nước và các nước Đông Nam Á, sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu đào tạo từ phía Việt Nam. Về phía TTCP Việt Nam, trong thời gian tới sẽ cử cán bộ sang tham gia các lớp đào tạo về tình hình thực tiễn của Malaysia, mời giảng viên nước bạn sang tham gia chuyên đề đào tạo tại Việt Nam…

Được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Đoàn Đại biểu Cấp cao MACC sẽ đi thăm và làm việc tại một số địa phương như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh...

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.

Đông Hà + Thanh Hoa

07:30 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm