Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 06/09/2021 - 18:37
(Thanh tra) - Năm 2021, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đáng lưu ý, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Đ.X
Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Đánh giá chung, báo cáo của Chính phủ cho rằng năm 2021, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
“Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”, Chính phủ dự báo năm 2022, hành vi tham nhũng sẽ “ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn”. Do đó, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với nhận định này. Cạnh đó, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, nhóm nghiên cứu cho rằng, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục…
Điển hình, vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa…
“Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với một số hành vi phổ biến như: Mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi…”, ông Cường nói.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu dẫn chứng tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương như vụ Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên của Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi cấp trái phép trên 1.000 thẻ chứng nhận xe ô tô “luồng xanh”, thu lời 200 triệu đồng.
Ngoài ra, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn…
Lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng thì “đau đớn quá”
Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng triển khai “quyết liệt, mạnh”, nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu thấy đau lòng khi trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng có tham nhũng, vi phạm.
“Trong lĩnh vực y tế đã phát hiện, xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế như vụ Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai… Gần đây nhất là vụ sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội mà cán bộ quản lý thị trường cũng dính vào. Tôi thấy đau đớn quá”, ông Kim nói.
Đại biểu đề xuất, tới đây, bên cạnh phòng, chống tham nhũng cũng phải chống cả tiêu cực. “Báo cáo của Chính phủ lần này không nói đến vấn đề tiêu cực. Tôi cho rằng, cần phải đánh giá xem tiêu cực diễn biến thế nào”.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đề xuất, “Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế”.
Phát biểu sau đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam tiếp thu các ý kiến góp ý. Theo ông Lam, năm 2021, dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt những thành quả quan trọng.
“Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước là đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm và không có ngoại lệ”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Sang năm 2022, Chính phủ đã đặt ra loạt nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện…
Số liệu theo kỳ báo cáo (từ 1/10/2020 đến 31/7/2021) cho thấy, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 128.877 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 47.206 tỷ đồng, 2.088 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.530 tập thể, 2.165 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 161 vụ, 93 đối tượng.
Các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 478 vụ án, 1.051 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 282 vụ, 536 bị can; thiệt hại hơn 628 tỷ đồng; thu hồi tài sản trong các vụ án đang thụ lý trên 503 tỷ đồng.
Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 331 vụ/1.006 bị can, tăng 37 vụ/150 bị can tương đương 12,5% so với cùng kỳ năm 2020; đã giải quyết 282 vụ/851 bị can; hiện đang giải quyết 49 vụ/155 bị can.
TAND các cấp thụ lý 362 vụ với 1.039 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 186 vụ với 440 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong số 440 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 20 bị cáo.
Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33.234,8 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là 2.008,1 tỷ đồng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…
Hương Trà
07:00 14/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, qua công tác xác minh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kết luận đối với 57 trường hợp (1 trường hợp không tiến hành xác minh do đã xin nghỉ việc), trong đó có 7 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) đúng và đầy đủ, 19 trường hợp có thiếu sót trong việc kê khai TSTN, 31 trường hợp vi phạm Điều 33 và Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (có 1 trường hợp xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng).
Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà
09:19 13/12/2024Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh