Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Những người "tham dự" vụ Công ty Việt Á đã đồng lõa với con virus, thể hiện chủ nghĩa cá nhân vô độ”

Hương Giang

Thứ bảy, 25/12/2021 - 23:00

(Thanh tra) - “Những người "tham dự" trong vụ Công ty Việt Á đã đồng lõa với con virus, thể hiện chủ nghĩa cá nhân vô độ, coi thường đạo đức, coi thường sinh mạng người dân. Đó là, tội ác chứ không chỉ đơn thuần về mặt tiền bạc”.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim. Ảnh: Đ.X

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.

+ Những ngày qua, vụ “thổi giá” kit test COVID -19 của Công ty Việt Á và sự “ăn chia % hoa hồng” hàng chục tỷ của cán bộ trong ngành Y tế gây chấn động dư luận. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Ở đây, không chỉ dừng lại ở việc “thổi giá” để thu lợi mà vấn đề cực lớn là chất lượng kit test COVID -19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không công nhận thì kit test COVID -19 Việt Á có bảo đảm chất lượng không?

Trong lúc dịch hoành hành, chất lượng kit test COVID -19 ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người dân.

Tôi cho rằng, những người "tham dự" trong vụ Công ty Việt Á đã đồng lõa với con virus, thể hiện chủ nghĩa cá nhân vô độ, coi thường đạo đức, coi thường sinh mạng người dân. Đó là, tội ác chứ không chỉ đơn thuần về mặt tiền bạc.

+ Theo ông, một mình Công ty Việt Á liệu có thể “thổi giá” và đưa kit test COVID -19 vào sử dụng ở 62 tỉnh, thành hay không?

Rõ ràng có sự móc ngoặc, lợi dụng thể chế, chính sách để ủng hộ cho phi vụ sai trái. Một mình Công ty Việt Á không thể làm được, đương nhiên phải có thế lực chống lưng rồi.

Tôi nghĩ đằng sau vụ này, có một thế lực ngầm đang ủng hộ, chia chác, không phải “sân sau, sân trước” mà tham gia trực tiếp - tức là cùng sân để làm ăn, tham nhũng.

Người dân hỏi đến trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế. Giá kit test COVID -19 của nước ngoài rẻ hơn trong nước sản xuất thì tại sao lại phải cấp phép lưu hành với sản phẩm chưa được WHO công nhận? Vì sao, lúc đó lại có những văn bản yêu cầu test COVID -19 toàn dân đi, test nhanh đi?

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, luôn luôn nhắc nhở, không được lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Cơ quan quản lý là Bộ Y tế đã không lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Chống dịch như chống giắc, coi COVID -19 là giặc thì tất cả các mặt trận phải ở tình trạng báo động, cảnh giác cao.

Nếu quản lý chặt thì vụ việc như Công ty Việt Á sẽ không xảy ra, Bộ Y tế không thể khoát tay không có việc gì.

+ Khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế khẳng định đã “thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á”. Ông thấy cách giải thích đó thế nào?

Là cơ quan quản lý trực tiếp mà để xảy ra vụ việc lớn như vậy thì cơ quan chức năng của Bộ Y tế làm gì? Cơ quan thực hiện chuyên môn của Bộ Y tế đã làm gì khi test kit COVID -19 Việt Á tràn khắp 62 tỉnh, thành mà không phát hiện ra, đến khi công an vào cuộc mới rõ sự việc?

Quan điểm của tôi, trước mắt phải thay thế ngay những người có liên quan để xảy ra vụ việc này. Còn sau này, kết quả điều tra đến đâu thì tiếp tục xử lý.

+ Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Khi xảy ra vụ việc lớn như vậy, theo ông, những cán bộ có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước có nên xin từ chức?

Lãnh đạo cơ quan chuyên môn mà để xảy ra vụ Công ty Việt Á, thấy trách nhiệm của mình thì nên từ chức. Nhiều nước trên thế giới, chỉ cần để xảy ra gãy cầu là bộ trưởng đã đứng ra nhận trách nhiệm.

Ngoài ra, theo tôi, cơ quan chức năng cần làm rõ ngay bản chất vấn đề, tức là nhanh chóng có kết luận. Làm như vậy thì mới cảnh tỉnh, răn đe được những người khác.

+ Xin cảm ơn ông!

Vào cuối tháng 9, dư luận đã có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID -19 đang ở mức cao.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ về giá kit xét nghiệm COVID -19 để kịp thời thông tin chính thức tới dư luận.

Sau đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn vào tháng 11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm.

Trong đó, “đã thành lập các đoàn kiểm tra, với sự tham gia của các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra việc sản xuất, lưu thông thuốc, vaccine, vật tư y tế; kiểm tra, giám sát, thanh tra việc mua sắm vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch tại các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các địa phương theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao”.

Liên quan đến cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á trong thông cáo báo chí phát đi ngày 21/12, Bộ Y tế khẳng định, “thực hiện đúng quy định”.

Tính đến ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP). Tất cả các sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định.

Bộ Y tế cho hay, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.

Theo giải thích của bộ này, mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó.

Tính đến nay, đối với sinh phẩm xét nghiệm PCR, theo danh sách EUL của WHO có 23 sản phẩm được phê duyệt; trong khi đó, tại Châu Âu đã chấp thuận 589 loại sinh phẩm, Mỹ chấp thuận sử dụng 276 loại sinh phẩm, Hàn Quốc chấp thuận sử dụng trong nước 31 sinh phẩm...

Còn về giá test kit COVID -19, Bộ này cho rằng, theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Thông tin này đã được công khai trên Cổng Công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng.

Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm