UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2023, toàn ngành Thanh tra thực hiện 335 cuộc thanh tra hành chính, ban hành kết luận 228 cuộc tại 468 đơn vị.
Qua thanh tra phát hiện sai phạm 66,394 tỷ đồng và 101.540 m2 đất (trong đó, kiến nghị thu hồi 48,137 tỷ đồng; kiến nghị khác 18,257 tỷ đồng và 101.540 m2 đất); kiến nghị xử lý hành chính 46 tổ chức và 217 cá nhân có sai phạm, một vụ việc chuyển cơ quan điều tra.
Năm 2023, Nghệ An phát sinh 279 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết kiến nghị, tố cáo, 3 vụ việc được chuyển hồ sơ 3 qua Cơ quan cảnh sát điều tra, trong đó có vụ liên quan đến việc giao đất của UBND xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc và vụ việc công chức địa chính - xây dựng xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương giả mạo chữ ký để làm hồ sơ chuyển nhượng đất lâm nghiệp tại địa phương.
Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Nghệ An đang gặp một số khó khăn, tồn tại. Việc chuyển đổi vị trí công tác chưa mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tham nhũng; chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Trong khi đó, công tác giám định, định giá tài sản kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc. Một số vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng trong hoạt động dịch vụ công có số người, thành phần có liên quan nhiều, mất rất nhiều thời gian để rà soát, xác định, làm việc, thu thập thông tin, tài liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác điều tra, xử lý.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu do, hệ thống cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng chưa đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở. Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Một số đối tượng lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi...