Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Mở rộng phạm vi thực hiện trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng cho báo chí

Thái Hải

Thứ năm, 21/12/2023 - 20:00

(Thanh tra) - Là một trong những biện pháp để bảo đảm cho báo chí tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng (PCTN) có hiệu quả được Hội đồng Nghiệm thu Thanh tra Chính phủ đánh giá có tính khả thi cao trong thực tiễn với đề tài cơ sở “Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin PCTN của các cơ quan báo chí” do ThS Hoàng Diệu Anh, Báo Thanh tra làm chủ nhiệm.

ThS Hoàng Diệu Anh trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Trình bày nội dung nghiên cứu, ThS Hoàng Diệu Anh cho biết, đề tài có mục đích làm rõ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và phân tích thực trạng tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về công tác PCTN; từ đó đưa ra quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm cho các cơ quan báo chí trong tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về PCTN ở Việt Nam hiện nay.

Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí; nêu thực trạng việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí và đưa ra quan điểm, giải pháp bảo đảm việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí.

Theo chủ nhiệm đề tài, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và quy định làm nền tảng cơ sở chính trị và pháp lý cho báo chí thực hiện chức năng thông tin của mình và tiếp cận, khai thác, đăng tải các thông tin về PCTN.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được thực hiện quyết liệt, nhất là việc thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giúp cho cơ quan báo chí có điều kiện chủ động tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về PCTN.

Bên cạnh đó, những vụ việc tham nhũng được phát hiện qua báo chí cho thấy chất lượng hoạt động nghiệp vụ báo chí trong tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN trong thời gian qua đã được nâng cao. Vai trò và trách nhiệm của báo chí trong PCTN được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là việc tiếp cận, khai thác thông tin về PCTN còn gặp khó khăn, vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mặt khác, lấy danh nghĩa PCTN, tiêu cực, một số tạp chí có biểu hiện “báo hóa”, như: Chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu, thậm chí đe dọa buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... cung cấp hồ , tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra.

Việc xử lý, đăng tải thông tin về PCTN còn có những trường hợp chưa chủ động, kịp thời, có những trường hợp có sai sót; một số thông tin đưa ra chưa có bằng chứng xác thực với vụ việc. Kết quả là nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã bị xử lý cơ quan báo chí phải cải chính, thậm chí phải xin lỗi công khai.

Vẫn còn tình trạng tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN không đúng quy định, có biểu hiện vụ lợi, có tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, thậm chí có trường hợp bị vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

Cơ quan báo chí, nhà báo trong nhiều trường hợp thực hiện việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN còn “đơn độc”, không nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cũng như sự chia sẻ của người dân.

Để bảo đảm cho báo chí tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về PCTN có hiệu quả, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí phải bám sát chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng đối với hoạt động báo chí và công tác PCTN.

Đề tài nhấn mạnh các giải pháp như hoàn thiện quy định luật bảo đảm cho cơ quan báo chí, người làm báo tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN; cần quy định chi tiết về phạm vi, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc yêu cầu và cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí, người làm báo về các vụ việc tham nhũng và công tác PCTN; giải thích rõ phạm vi, mức độ lưu hành của các loại tài liệu mà các cơ quan báo chí, nhà báo có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng (ví dụ “tài liệu lưu hành nội bộ”) và thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, sử dụng các tài liệu này.

Hội đồng Nghiệm thu. Ảnh: TH

Quy định rõ trách nhiệm và những trường hợp cụ thể mà cơ quan, tổ chức, đơn vị phải cung cấp thông tin, phản hồi lại các các cơ quan báo chí, nhà báo; quy định rõ những trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm giải trình, chủ động công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử) về việc xử lý thông tin, vụ việc các các cơ quan báo chí đã đăng tải.

Mở rộng phạm vi thực hiện trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh khiếu nại của của các cơ quan báo chí, nhà báo đối đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin mà không cung cấp và quy trình giải quyết khiếu nại đối với các quyết định kỷ luật, xử lý vi phạm đối với cơ quan báo chí, người làm báo.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kịp thời cung cấp thông tin về PCTN cho các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật; tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch; tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng kịp thời về truyền thông đến công chúng về PCTN; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị của đội lãnh đạo cơ quan báo chí và người làm báo và bảo vệ người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.

Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và sự tham gia của xã hội đồng hành cùng cơ quan báo chí, người làm báo trong tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN. Tạo lập cơ chế để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên cho các cơ quan báo chí.

Phát huy vai trò của Hội nhà báo và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc bảo vệ cơ quan báo chí, người làm báo không bị trả thù từ việc tham gia và đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Hội đồng Nghiệm thu đánh giá, đề tài có tính cấp thiết, phương pháp nghiên cứu phù hợp, kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học, lý luận sát với thực tiễn, có chiều sâu qua các thời kỳ; đề tài có kết cấu hợp lý, thông tin tin cậy, đầy đủ và chi tiết; các giải pháp tương đối phù hợp với tình hình hiện nay, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn…

Với kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm