Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 10/05/2011 - 09:06
(Thanh tra PCTN)- Như thông tin mà chúng tôi đã phản ánh, sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Huấn làm sai quy định của Nhà nước về chính sách đền bù, dư luận TP Sơn La đã bất bình vì cho rằng có nhiều dấu hiệu “sót người lọt tội” và quy kết tội chưa đúng luật, thiếu khách quan…
Vận dụng văn bản hết hiệu lực
Tòa Phúc thẩm đã áp dụng Nghị định số 22/1998/NĐ-CP (Nghị định 22) ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… để buộc tội ông Nguyễn Văn Huấn về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các luật sư đã chỉ ra việc áp dụng văn bản này là không phù hợp với bối cảnh và thời điểm xảy ra vụ việc và xét xử vụ án.
Tại khoản 2, Điều 17, Nghị định 22 quy định: “Đối với nhà, công trình bị phá dỡ một phần nhưng phần diện tích còn lại không còn sử dụng được thì được đền bù thiệt hại cho toàn bộ công trình”. Thực tế, Ban Chỉ đạo Đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) quốc lộ 6 tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thực hiện đúng Nghị định 22 để đền bù toàn bộ vì công trình không thể sử dụng được. Như vậy, theo hướng dẫn này, Hội đồng ĐBGPMB thị xã Sơn La và cá nhân ông Nguyễn Văn Huấn đã thực hiện đúng quy định.
Cơ quan điều tra đã lập bảng tổng hợp hành vi cố ý làm trái của bị can Nguyễn Văn Huấn và được tòa án sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận. Thuật ngữ “hỗ trợ” và “đền bù” được Nghị định 22 quy định là khác nhau lại bị vận dụng theo hướng bất lợi cho bị cáo. Đáng chú ý, Nghị định 22 đã hết hiệu lực và được thay thể bởi Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định 197), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/12/2004.
Quá trình ĐBGPMB trên quốc lộ 6 đoạn đi qua thị xã Sơn La đến ngày 30/7/2005 mới cơ bản hoàn thành. Như vậy, hoạt động của các thành viên trong Hội đồng ĐBGPMB thị xã Sơn La và cá nhân ông Nguyễn Văn Huấn, ngoài việc tuân thủ Nghị định 22 trong giai đoạn trước (trước ngày 23/12/2004) còn phải tuân thủ các quy định của Nghị định 197. Thế nhưng, trong suốt quá trình thanh tra, điều tra, xét xử, cơ quan chức năng chỉ vận dụng Nghị định 22 làm căn cứ quy kết ông Nguyễn Văn Huấn làm trái, trong khi đó có một số hộ dân được đền bù, hỗ trợ theo Nghị định 197. Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho ông Huấn đã lưu ý Hội đồng xét xử về việc không được vận dụng nghị định hết thời hiệu. Tuy nhiên, việc thẩm vấn xét xử tại 2 cấp toà vẫn phiến diện và không đầy đủ nên phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm thiếu khách quan.
Giám định viên không đủ tư cách
Ngoài những bất cập nêu trên, về mặt thủ tục tố tụng cũng có vi phạm nghiêm trọng, nổi bật là việc trưng cầu giám định.
Bản án có những nhầm lẫn nghiêm trọng hơn như tiếp tục đưa hộ bà Hà Ngọc Lài ở tổ 11 phường Quyết Tâm vào bảng tổng hợp với số “thiệt hại” được quy kết lên đến 84.522.400 đồng cho ông Nguyễn Văn Huấn, mặc dù trường hợp này không giám định được. Không những thế, bản án còn đưa thêm 4 hộ không có tên trong quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, không giám định vào trong bảng tổng hợp để quy kết cho ông Nguyễn Văn Huấn gây thiệt hại 335.315.000 đồng. Trong khi đó, có tới 4 hộ đựợc giám định cho là “đạt” yêu cầu của cơ quan điều tra thì tòa lại bỏ ra ngoài danh sách.
Cả tòa án 2 cấp, mặc dù đã nhận được kiến nghị về nhầm lẫn kể trên nhưng vẫn đồng ý với quan điểm cũ và tuyệt nhiên không có bất cứ nhận định nào phản biện lại quan điểm của các luật sư. Ngoài ra, các quyết định trưng cầu giám định và các kết luận giám định đều giống nhau về chủ thể tiến hành, căn cứ pháp lý, phương pháp giám định… chỉ khác nhau về số lượng các hộ trong mỗi văn bản nên bất cập vẫn ẩn chứa bên trong những chứng cứ vô cùng quan trọng này.
Tại Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 8/6/2006 về việc thành lập đoàn công tác liên ngành có đại diện của Sở Xây dựng, một trong những thành viên của Ban GPMB, nay là cơ quan tiến hành giám định theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì rõ ràng là thiếu khách quan. Việc này vi phạm khoản 4, Điều 37 Pháp lệnh về giám định tư pháp. Ở đây, nói như luật sư bào chữa vụ án, người giám định hoặc không đáp ứng được yêu cầu giám định, hoặc quá khôn ngoan để đưa ra kết luận giám định đủ an toàn nhằm bảo vệ mình về sau nên không thể căn cứ vào kết luận mang yếu tố lưỡng tính này làm cơ sở giải quyết vụ án. Mặt khác, phương pháp giám định trong cả 2 kết luận giám định của Sở Tài chính đều dựa vào kết quả giám định của Sở Xây dựng vốn đã không bảo đảm yếu tố pháp lý, khoa học và logic nên không thể dùng làm căn cứ giải quyết vụ án nói chung và quy buộc cho hành vi của ông Nguyễn Văn Huấn.
Ngoài ra, vấn đề tư cách của giám định viên cũng không bảo đảm về mặt pháp lý. Giám định viên Trần Khắc Sơn (Sở Xây dựng) và giám định viên Trương Đình Phước (Sở Tài chính) chưa được công nhận là giám định viên theo quy định của Pháp lệnh về giám định tư pháp mà vẫn được tham gia tố tụng, sau đó đưa ra kết luận giám định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử chấp nhận họ có tư cách hợp pháp và sử dụng kết quả giám định của họ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần được xem xét lại ở thủ tục giám đốc thẩm.
Bản án hình sự phúc thẩm số 174/2010/HSPT ngày 28/4/2010 của Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao xét xử ông Nguyễn Văn Huấn chứa đựng nhiều phán quyết không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Việc điều tra phiến diện và không đầy đủ, có dấu hiệu sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật. Nghiêm trọng hơn, về mặt thủ tục tố tụng, có nhiều vi phạm nghiêm trọng ở cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Bản án này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Huấn rất cần được giám đốc thẩm để xem xét đúng người đúng tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Đình Thảo
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2024; đồng thời đề ra chương trình, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong năm 2025.
PV
18:34 12/12/2024(Thanh tra) - Ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa vừa bị Bộ Công thương đưa ra hình thức kỷ luật với mức cảnh cáo, dù ông này mới đảm nhiệm chức vụ cục trưởng chưa lâu.
Văn Thanh
13:18 12/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024Bùi Bình
20:37 11/12/2024Trần Kiên
18:02 11/12/2024N. Phó - L. Bằng
17:24 11/12/2024T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý
Trần Quý
Kim Thành
Thái Hải
Ngọc Phó
Nam Dũng