Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hà Giang: Chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu phạm tội

Bùi Bình

Thứ bảy, 13/01/2024 - 07:00

(Thanh tra)- Năm 2023, các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai 316 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 28 tỷ đồng, đã kiến nghị xử lý hành chính 16 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tặng Cờ Thi đua năm 2023 cho Thanh tra tỉnh Hà Giang. Ảnh: Chu Nam

Năm 2023, toàn ngành Thanh tra tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện 102 cuộc thanh tra hành chính, đã ban hành kết luận thanh tra 87 cuộc (96 kết luận thanh tra) tại 152 đơn vị.

Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 21,9 tỷ đồng và 73.689,7m² đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 15,6 tỷ đồng; xử lý khác hơn 6,3 tỷ đồng; thu hồi 22.772,9m² đất, xử lý khác 50.916,8m² đất; kiến nghị xử lý hành chính 16 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.

Những vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, như: Xác định sai nghĩa vụ tài chính về đất; chuyển mục đích sử dụng đất vượt kế hoạch sử dụng đất; chi không đúng đối tượng; thanh toán tiền không có chứng từ, chi vượt định mức; chi tiền không có hóa đơn; thi công không đúng thiết kế kỹ thuật, thiếu khối lượng công trình; dự toán sai khối lượng công trình…

Trong năm, có 100 kết luận thanh tra phải thực hiện, đã hoàn thành 75 kết luận, chưa hoàn thành 25 kết luận. Kết quả thực hiện các kiến nghị: Thu hồi về ngân sách hơn 8,6 tỷ đồng; xử lý 10/18 cá nhân; xử lý 2.466,2m2 đất.

Toàn tỉnh cũng đã triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, đã ban hành kết luận 20 cuộc/23 đơn vị.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 214 cuộc.

Có 304 tổ chức, 446 cá nhân được thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện 55 tổ chức, 16 cá nhân vi phạm với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng, xử lý khác hơn 3,2 tỷ đồng. Ban hành 260 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng (tổ chức hơn 8,8 tỷ đồng, cá nhân hơn 457 triệu đồng); xử phạt bằng hình thức khác đối với 13 tổ chức và 24 cá nhân.

Kết quả xử lý vi phạm về kinh tế, đã thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng; xử lý khác hơn 2,2 tỷ đồng; về xử phạt vi phạm hành chính, đã thu hồi hơn 7,6 tỷ đồng, thực hiện quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức khác đối với 13 tổ chức và 31 cá nhân.

Các nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra như: Vi phạm pháp luật an toàn giao thông; vi phạm tải trọng xe; hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc và các sản phẩm không phải là thuốc; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản; vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; lĩnh vực xây dựng...

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm 2023, các tổ chức thanh tra đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, tập trung và bám sát chương trình, kế hoạch được phê duyệt để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đúng nội dung, thời gian theo quy định.

Qua công tác thanh tra, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, phòng ngừa sai phạm, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiệm vụ năm 2024, các tổ chức thanh tra phải tập trung triển khai thực hiện, kết thúc và ban hành kết luận thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh theo Hướng dẫn số 1613 ngày 18/7/2023 của Thanh tra Chính phủ.

Khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2023; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2024; tập trung tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng và những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch và trật tự xây dựng…

Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hiện các kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tăng cường giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định, công khai kết luận thanh tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; nâng cao tỷ lệ thu hồi sau thanh tra...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm