Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ bảy, 07/09/2024 - 17:15
(Thanh tra)- Tại báo cáo của Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, Vĩnh Long băn khoăn, Luật Phòng, chống tham nhũng chưa đủ sức răn đe khi liên tục có nhiều vụ án tham nhũng được thanh tra, truy tố với số tiền thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt nhiều vụ án có liên quan đến cán bộ cấp cao của Nhà nước.
TTCP cho biết, pháp luật PCTN đã quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng, tuỳ từng mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Ảnh: PV
Cử tri kiến nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, đồng thời có giải pháp quyết liệt, tăng chế tài hơn nữa nhằm ngăn chặn có hiệu quả, nhất là các vụ án gây thất thoát lớn; gắn PCTN, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, để hạn chế những vụ đại án tái diễn, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, pháp luật PCTN đã quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng, tuỳ từng mức độ mà những người này có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Điều 92 Luật PCTN năm 2018 quy định: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật PCTN 2018, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc; đối với Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Ngoài ra, Luật PCTN năm 2018 còn quy định xử lý các hành vi khác không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 của luật, như: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm…
Riêng đối với hành vi tham nhũng, ngoài Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về các tội phạm tham nhũng. Việc xử lý đối với các hành vi này theo quy định pháp luật hiện hành là rất nghiêm khắc và cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân có hành vi vi phạm. Một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.
Liên quan đến công tác PCTN, cử tri tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có quyền, có hành vi tham nhũng gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Cử tri kiến nghị cần kiên quyết và xử lý nghiêm minh.
Theo TTCP, trong thời gian gần đây, công tác PCTN, tiêu cực của Đảng đã ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Công tác PCTN, tiêu cực đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Thông tin của TTCP cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức Đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, thậm chí giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đã không nghiêm túc, gương mẫu trong tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo những cám dỗ vật chất, địa vị mà quên đi lời thề với Đảng, với Nhân dân, trở thành những “con sâu”, những mầm mống gây hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân đang dày công thực hiện.
“Thực tiễn đó cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhìn nhận, tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng bản thân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong PCTN, tiêu cực trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị”, TTCP nhấn mạnh.
Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Cục Đăng kiểm Việt Nam, vụ án chuyến bay giải cứu… trong đó đưa ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có liên quan, là lời răn đe, cảnh tỉnh đối với bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa vững vàng về bản lĩnh, còn dao động trước những cám dỗ về vật chất để tự giác soi lại mình.
Có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ như sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương Anh
06:00 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị tập huấn thông tin về tài chính công, kiểm toán tài chính công cho đội ngũ phóng viên chuyên trách đưa tin hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nhằm trang bị kiến thức, thông tin về hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Hoàng Nam
20:19 21/11/2024Trần Kiên
20:01 21/11/2024Thu Huyền
16:26 21/11/2024Trung Hà
10:00 21/11/2024Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh