Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công nghiệp khai khoáng Việt Nam: Khâu nào cũng có sai phạm

Thứ sáu, 20/05/2011 - 09:16

(Thanh tra)- Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo bàn tròn trước Đối thoại Phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 9 do Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Hội thảo bản tròn trước Đối thoại Phòng, chống tham nhũng lần thứ 9

 * Không thể giảm nhanh tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Nhìn lại kết quả sau Đối thoại lần thứ 8
Phát biểu khai mạc hội thảo chiều ngày 16/5, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định: Tại Việt Nam, đất đai và khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Đây là tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực cực kỳ quan trọng của quốc gia. Việc quản lý chặt chẽ, khai thác tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên đó là tiền đề quan trọng cho quá trình phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý và khai thác tài nguyên đất và khoáng sản trong những năm qua còn nhiều sơ hở, bất cập dẫn đến thực trạng sử dụng chưa hiệu quả các nguồn tài nguyên. Chính bởi vậy, tại hội thảo lần này, TTCP sẵn sàng lắng nghe và cùng thảo luận với các đại biểu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Đối thoại lần 9.

Hội nghị bàn tròn lần này đã đánh giá lại kết quả thực hiện PCTN sau kỳ Đối thoại lần thứ 8. Theo ông Tô Văn Đáp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), trong thời gian từ kỳ Đối thoại lần thứ 8 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, công tác PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao nhận thức về công tác PCTN, tuyên truyền, tiếp thu thực hiện những ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, các nhà tài trợ quốc tế tại Đối thoại lần thứ 8. Trong đó, nổi bật là công tác chấn chỉnh quản lý các hoạt động trong lĩnh vực quản lý đất đai, công khai minh bạch các thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng… trên một số lĩnh vực công tác PCTN đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Theo đánh giá của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, sau 6 tháng triển khai các nhiệm vụ, các cơ quan Nhà nước của Việt Nam liên quan tới quản lý đất đai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo nỗ lực ở các cấp quản lý đất đai nhằm đẩy mạnh hiệu quả làm giảm nhẹ nguy cơ tham nhũng. Cụ thể, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý Đất đai tiếp tục thực hiện việc giảm nhẹ các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai. Ngân hàng Thế giới cũng liên tiếp có các cuộc họp với Tổng cục Quản lý Đất đai nhằm thống nhất hoạt động xây dựng hệ thống đăng ký đất đai không tham nhũng tại 9 tỉnh đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý đất đai Việt Nam…

Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực TN&MT chưa thực sự nhiệt tình triển khai gấp các giải pháp PCTN vì luôn có tâm lý cho rằng, tham nhũng lớn không thuộc phạm vi quản lý của mình, đang thuộc trách nhiệm của khu vực khác. “Trong 6 tháng qua, các tổ chức phát triển quốc tế và đại sứ quán các nước tỏ ra nhiệt tình với vấn đề giảm nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam hơn là các cơ quan thuộc hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam”, ông Võ nhấn mạnh.

Về giải pháp giảm nguy cơ tham nhũng bằng cách tăng thu nhập cho các cán bộ địa chính tại Đối thoại lần 8 được ông Võ nhìn nhận là “không khả thi”. Chính bởi thế, việc giảm tham nhũng nhanh gần như không thể thực hiện ngay được.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung chia sẻ, tham gia ý kiến về những khó khăn, bất cập khi thực hiện PCNT tại Việt Nam nói chung và việc triển khai các giải pháp PCTN từ cuộc Đối thoại lần 8. Đại biểu Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, phải mời thêm đối tượng người dân thì hội thảo mới có nhiều đánh giá đa chiều về công tác PCTN thời gian qua. “Ở đây chủ yếu là cơ quan công quyền và các chuyên gia. Như thế chỉ phản ánh một góc nhìn”, ông Tuyến nhận định.

 Một số đại biểu cũng nêu rõ, tác dụng từ Đối thoại lần thứ 8 đến nay chưa như mong muốn, không đạt nhiều tiến triển. Các đại biểu đề xuất: Để PCTN thì cần phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì phải bắt đầu từ chính sách pháp luật, phải tạo ra cơ chế mà cơ quan công quyền phải chịu rủi ro nếu có tham nhũng.

Khoáng sản vẫn bị khai thác trái phép tràn lan

Trong ngày làm việc thứ hai (17/5), với 11 tham luận tập trung vào việc “tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam”, các đại biểu trong và ngoài nước đã chỉ ra nhiều sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và khai thác khoáng sản thời gian qua. Đồng thời qua đó chia sẻ những kinh nghiệm trong việc PCTN trong lĩnh vực này từ các nước trên thế giới.

Hội thảo được thiết kế thành 2 phần riêng biệt: Chuẩn đoán và Giải pháp. Tại phần “Chuẩn đoán”, các tham luận đã xác định mức độ rủi ro, hình thức, nguyên nhân và hậu quả của tình trạng không minh bạch và không có trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng tại Việt Nam. Ở phần “Giải pháp”, đã tập trung đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường minh bạch và CTN trong quản lý và khai thác khoáng sản Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các kinh nghiệm, sáng kiến từ trong nước và quốc tế đã được phân tích, chia sẻ thấu đáo.

Báo cáo của TTCP cho biết, 3 năm trở lại đây, chỉ tính riêng ở các tỉnh, TP trong cả nước đã thực hiện hàng nghìn lượt kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, ra quyết định xử phạt trên 12 tỷ đồng và xử lý, giải tỏa các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép. Thế nhưng, hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản chỉ dừng lại ở sự manh mún, nhỏ lẻ và khó quản lý. Không chỉ có thế, sai phạm được khẳng định đã và vẫn đang xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động khai thác khoáng sản từ ban hành văn bản, hoạt động cấp phép, hoạt động khai thác đến các vi phạm về quản lý môi trường, về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác và các quy định trong quản lý xuất khẩu khoáng sản.

Theo ông Lê Tiến Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ I (TTCP), một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do những kẽ hở từ cơ chế, chính sách. Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiêp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên hiện nay chưa có Chiến lược Phát triển tài nguyên khoáng sản Việt Nam làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong từng giai đoạn. Chính bởi thế, tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, theo hình thức thủ công vẫn diễn ra phổ biến không có cách gì ngăn cấm. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy có tới 8/16 tỉnh, TP được kiểm tra vẫn còn các điểm khai thác trái phép. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, hoạt động này diễn ra khá công khai và chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã không có giải pháp xử lý hiệu quả, quyết liệt.

Ngoài ra, khảo sát của TTCP còn chỉ ra rằng, hầu hết các quy hoạch khoáng sản còn rất sơ sài, chủ yếu nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ do T.Ư hoặc địa phương quản lý mà không có tọa độ, diện tích cụ thể (hoặc nếu có thì cũng chỉ là tọa độ hành chính) dẫn đến gây khó khăn khi xác định thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản cho một khu vực mỏ cụ thể. “Đến nay, có 74,6% tỉnh, TP trong cả nước đã phê duyệt quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, do chưa rà soát, điều chỉnh, nhất là điều chỉnh sau khi quy hoạch khoáng sản do T.Ư phê duyệt, chưa có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan nên chất lượng các quy hoạch đã duyệt còn thấp, chồng chéo”, ông Chiến cho biết.

Điều phối viên Chương trình Chính sách của Pan Nature, bà Trần Thanh Thủy thì đưa ra mối quan hệ giữa khai khoáng và giảm nghèo. Theo đó, một thực tế ngược được chỉ ra rằng: Đáng nhẽ khai khoáng phải là động lực giúp giảm nghèo tại các địa phương có hoạt động kể trên thì ngược lại, tại Việt Nam, những khu vực có hoạt động khai khoáng, tình hình đói nghèo lại gia tăng. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp này ít tạo cơ hội việc làm cho người dân tại khu vực đó, đồng thời lại chiếm dụng một diện tích đất rất lớn. Đơn cử, tại Tân Pheo, Hòa Bình, mức đền bù của các hộ dân chỉ dừng lại ở 1.000 - 4.000 đồng/m2 đất; tại Ea, Đắk Lắk là 2.500 đồng/m2 đất…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham gia ý kiến đối với những tham luận đã được trình bày. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng quản lý lỏng lẻo nhưng lại cấp phép tràn lan tại lĩnh vực khai thác khoáng sản Việt Nam. Đại diện Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi xung quanh việc tiến hành các cuộc thanh tra lĩnh vực khoáng sản, các sai phạm này đã được xử lý như thế nào, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đâu?

Đại biểu đến từ Văn phòng Luật sư Quang và Cộng sự tham gia cho ý kiến về hoạt động đấu giá khai thác khoáng sản. “Trong trường hợp các doanh nghiệp Nhà nước dùng tiền của Nhà nước để đấu giá với tư nhân thì tư nhân không thể thắng được. Vậy, có hay không sự cạnh tranh công bằng giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước?”, đại biểu này đặt vấn đề.

Nhìn chung, các đại biểu và chủ tọa hội thảo đều thống nhất cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản.

Hội thảo được đánh giá là đã thành công tốt đẹp sau 1,5 ngày làm việc tích cực. Các tham luận được đưa ra góp ý sẽ được chỉnh sửa theo hướng tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội thảo.

Khánh Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…

Hương Trà

07:00 14/12/2024
Phát hiện 31 trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Phát hiện 31 trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, qua công tác xác minh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kết luận đối với 57 trường hợp (1 trường hợp không tiến hành xác minh do đã xin nghỉ việc), trong đó có 7 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) đúng và đầy đủ, 19 trường hợp có thiếu sót trong việc kê khai TSTN, 31 trường hợp vi phạm Điều 33 và Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (có 1 trường hợp xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng).

Lâm Ánh

06:30 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm