Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần vị thế mới để chống tham nhũng

Thứ ba, 06/11/2012 - 14:48

Hệ thống kiểm toán nhà nước - được ví như “người gác cổng” cho Quốc hội về lĩnh vực tài chính nhà nước - đã được kiện toàn trong thời gian qua, nhưng hiệu quả chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo kế hoạch, năm 2013 cơ quan KTNN sẽ kiểm toán sáu tập đoàn gồm: than - khoáng sản, điện lực, dệt may, dầu khí, công nghiệp cao su, bưu chính viễn thông. Trong ảnh: khai thác than của Tập đoàn Than - khoảng sản VN - Ảnh: T.Đ

Tìm hiểu sâu những quy định về chức năng nhiệm vụ hiện hành của cơ quan này, chúng ta thấy có nhiều điểm bất hợp lý dẫn đến KTNN khó phát huy được vai trò “người gác cổng” của mình.

Bất cập từ tổng kiểm toán

Là cơ quan do Quốc hội thành lập, tổng kiểm toán do Quốc hội bầu, nhưng Luật kiểm toán ban hành sau Hiến pháp 1992 nên các nội dung này chưa được quy định trong hiến pháp. Tuy nhấn mạnh tính độc lập trong địa vị pháp lý, nhưng những quy định về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể thì vừa khó đảm bảo được tính độc lập, vừa làm cho tổng kiểm toán không phát huy được tốt vai trò hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong giám sát tài chính nhà nước.

Về mặt tổ chức, trong khi đảm nhiệm chức năng kiểm tra tài chính nhà nước, là công cụ quan trọng để Quốc hội giám sát chi tiêu ngân sách của Chính phủ, nhưng nhân sự tổng kiểm toán lại phải được sự thống nhất của Chính phủ trước khi Quốc hội bầu (điều 17 Luật kiểm toán). Quy định này về mặt lý luận đã hạn chế tính độc lập của tổng kiểm toán trong mối quan hệ với Chính phủ là đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội. Bởi không cần đến luật gia, một người bình thường cũng có thể trả lời ngay được câu hỏi: Nếu tổng kiểm toán thực hiện công việc một cách tích cực, chỉ ra quá nhiều sai phạm của Chính phủ trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước thì liệu khóa sau còn có thể tiếp tục được Chính phủ tiến cử vào vị trí này nữa không?

Tổng kiểm toán còn đứng trước một địa vị pháp lý rất khó hoạt động. Đó là tổng kiểm toán được Quốc hội bầu, thuộc diện bị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không có quyền báo cáo công tác hằng năm trước Quốc hội (luật chỉ cho phép trình bày báo cáo kiểm toán năm của KTNN khi Quốc hội yêu cầu, trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, nhưng thực tế báo cáo này cũng chưa bao giờ được trình bày mà chỉ gửi cho đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu). Đặc biệt là tổng kiểm toán không hề giống một chức danh nào do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở vị trí tương đương từ bộ trưởng trở lên, đó là: không có quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn của Quốc hội! Đây là một cản trở lớn cho cả đại biểu Quốc hội và tổng kiểm toán.

Đối với đại biểu, có nhiều vấn đề về kết quả kiểm toán ngân sách, vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, về sự không minh bạch trong lỗ, lãi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đại biểu Quốc hội cần sự trả lời chính thức của tổng kiểm toán với tư cách là một người chịu trách nhiệm về kiểm tra tài chính nhà nước do chính họ bỏ lá phiếu bầu ra, nhưng pháp lý đã cản trở việc này. Vì vậy, những chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với tổng kiểm toán đành phải chuyển thành “yêu cầu cung cấp thông tin” vốn là một hình thức có giá trị pháp lý rất thấp! Khi không được xét báo cáo công tác hằng năm của tổng kiểm toán, không được chất vấn thì lấy căn cứ gì để đại biểu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổng kiểm toán để bỏ phiếu tín nhiệm cho chính xác, khách quan?

Kết luận kém hiệu lực

"Đảm nhiệm chức năng kiểm tra tài chính nhà nước, nhưng nhân sự tổng kiểm toán lại phải được sự thống nhất của Chính phủ trước khi Quốc hội bầu"


Bà Lê Thị Nga

Báo cáo kiểm toán có vai trò rất quan trọng: “Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước” (điều 9 Luật kiểm toán). Tuy nhiên, để kết luận trong báo cáo đó có giá trị bắt buộc thi hành thì khoản 3 điều 9 lại quy định thêm một thủ tục: cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán quyết định chấp nhận kết luận kiểm toán.

Nhưng căn cứ thủ tục, trình tự cụ thể của việc ra quyết định chấp nhận chưa được quy định rõ và thực tế hầu như chưa có trường hợp nào người có thẩm quyền ra quyết định chấp nhận kết luận kiểm toán. Đáng lưu ý là chế tài khi không thực hiện kết luận kiểm toán đã chưa được luật đề cập một cách cụ thể, chi tiết. Điều này giải thích vì sao trong nhiều năm qua tỉ lệ kết luận của kiểm toán chưa được chấp hành còn khá lớn, trong đó có cả ở các cơ quan, tổ chức ở trung ương và cũng chưa thấy cá nhân người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm vì vi phạm kỷ luật về tài chính nhà nước mà KTNN đã chỉ ra. Vì vậy, những sai phạm hàm chứa cả khả năng thất thoát tài sản nhà nước vẫn vô tư tồn tại qua nhiều năm.

Vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng lại được quy định rất hình thức tại điều 77 Luật phòng chống tham nhũng, mà thực tiễn giám sát cho thấy những quy định như vậy thường không phát huy được tác dụng. Những hạn chế của pháp luật nêu trên đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giám sát của Quốc hội nói chung và của phòng chống tham nhũng nói riêng.

Cần nâng vị thế pháp lý

Quốc hội đang xem xét để sửa đổi hiến pháp và Luật phòng chống tham nhũng, đây chính là thời điểm tốt nhất để chúng ta khắc phục những hạn chế đối với hoạt động KTNN.

Chúng tôi cho rằng hiến pháp cần ghi nhận địa vị pháp lý và vai trò của KTNN và tổng kiểm toán theo hướng: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định. Tổng kiểm toán là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu sự bãi nhiệm, miễn nhiệm của Quốc hội; có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ Quốc hội, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội, có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội”.

Quy định của điều liên quan của hiến pháp cũng cần điều chỉnh theo tinh thần này. Đối với Luật phòng chống tham nhũng, cần sửa theo hướng cụ thể hóa điều 77 hiện hành theo hướng quy định cụ thể những nhiệm vụ quyền hạn của KTNN trong chống tham nhũng.

Chỉ có nâng cao vị thế pháp lý, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo sự độc lập cả về tổ chức và hoạt động mới có thể làm cho KTNN, tổng KTNN thật sự hoàn thành nhiệm vụ “người gác cổng” trong lĩnh vực tài chính nhà nước, giúp Quốc hội giám sát và phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bức xúc của cử tri.


LÊ THỊ NGA (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)
Nguồn: Tuổi trẻ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…

Hương Trà

07:00 14/12/2024
Phát hiện 31 trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Phát hiện 31 trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, qua công tác xác minh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kết luận đối với 57 trường hợp (1 trường hợp không tiến hành xác minh do đã xin nghỉ việc), trong đó có 7 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) đúng và đầy đủ, 19 trường hợp có thiếu sót trong việc kê khai TSTN, 31 trường hợp vi phạm Điều 33 và Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (có 1 trường hợp xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng).

Lâm Ánh

06:30 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm