Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 11/04/2012 - 13:31
Hiện chưa có báo cáo cụ thể, trong 5 năm qua có bao nhiêu đối tượng, nguyên là cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và phạm tội tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, phần lớn các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện gần đây đều có sự tham gia của các đối tượng mà trước đó từng là cán bộ, đảng viên.
Các phóng viên đang tác nghiệp, đưa tin về vụ tham nhũng ở PMU18. (Ảnh: Minh Hải)
Hàng chục ngàn tin, bài viết về đề tài phòng, chống tham nhũng
Tại Hội nghị Cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 được tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, đồng chí Lê Hồng Anh, -Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ của Đảng để định hướng, động viên báo chí tiếp tục dấn thân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.
Nhìn lại công tác đấu tranh PCTN trong năm 5 qua (kể từ khi có Nghị quyết Trung ương ba khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Luật phòng, chống tham nhũng), Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhận định: Công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả quan trọng. Đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, không tham nhũng, tiêu cực. Trên một số lĩnh vực như: Quản lý và sử dụng tài sản công, sử dụng vốn ODA, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,... tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Những kết quả của công tác PCTN đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong thành tựu chung đó, báo chí được đánh giá là đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa nhiều tin, bài, ảnh về công tác PCTN với số lượng ngày càng tăng. Hầu hết các báo của Trung ương và địa phương đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác PCTN. Báo chí thông tin khá đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTN. Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ năm 2008 đến nay, đã có 14.208 tin, bài viết về đề tài PCTN được đăng tải trên 40 tờ báo (20 báo in ở Trung ương, 10 báo in địa phương và 10 tờ báo điện tử của Trung ương và địa phương). Vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định.
Còn đó những bất cập trong công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, có thể khẳng định, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…”. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nói riêng chưa đủ sức động viên và nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN. Nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự hấp dẫn. Ở một số nơi, việc tuyên truyền còn mang tính hình thức, thiếu tính chiến đấu. Các phương tiện truyền thông chủ yếu vẫn đưa tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng, ít nêu gương điển hình về PCTN. Số lượng báo, đài có chuyên trang, chuyên mục về PCTN chưa nhiều và chưa duy trì thường xuyên…
Với số lượng tin, bài viết về đề tài chống tham nhũng lên đến hàng chục ngàn, có thể thấy báo chí đã tham gia tích cực vào công cuộc đầy gian khó này. Tuy nhiên, giá trị của thông tin về PCTN trên báo chí chưa thật sự phát huy hiệu quả, trong đó, có nhiều vụ việc, nhiều ý kiến của người dân phản ánh về tiêu cực, tham nhũng ở địa phương, đơn vị đã được báo chí đăng tải. Song, thật đáng tiếc, đã có nhiều tin, bài bị rơi vào im lặng, cho dù tại Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí có ghi rõ: “Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết”.
Thực tế cho thấy, các cơ quan, đơn vị không phản hồi những nội dung phê bình mà báo chí đăng tải thì cũng không hề có chế tài xử phạt nào. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc chiến chống tham nhũng chưa có sức lan tỏa và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đối với công tác PCTN. Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) đưa ra một trong những chủ trương, giải pháp là “Đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Trong Luật PCTN có riêng một điều (Điều 86) quy định về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong PCTN: “Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Như vậy, báo chí vinh dự được Đảng, Nhà nước tin tưởng, trao một số quyền năng trong công tác đấu tranh PCTN. Bởi lẽ, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; là kênh thông tin chủ yếu tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhằm lôi kéo, tập hợp đông đảo nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, là “cầu nối” chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Báo chí trực tiếp điều tra, phản ánh những vụ việc tham nhũng, kể cả những vụ việc đã được các cơ quan chức năng kết luận nhưng chưa thấu tình, đạt lý.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nêu trên và để báo chí trở thành một trong những lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chúng tôi xin có một số chia sẻ và đề xuất như sau:
Một là, hành vi tham nhũng là biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước. Hành vi và tội phạm tham nhũng được đánh giá là ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều khi, các cơ quan bảo vệ pháp luật có đủ quyền năng pháp lý với công cụ hỗ trợ mạnh, nhưng cũng còn đầy trắc trở mới phát hiện ra các vụ việc tham nhũng cụ thể. Do vậy, phải khẳng định rằng, báo chí tham gia đấu tranh PCTN là vô cùng khó khăn, nhạy cảm, phức tạp và nguy hiểm. Với lẽ đó, từng cơ quan báo chí cần xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan mình. Trong đó, điều quan trọng nhất là tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí phải đoàn kết, gương mẫu, trong sạch và thể hiện được quyết tâm chống tham nhũng; đồng thời, lãnh đạo cơ quan báo chí phải là chỗ dựa tin cậy, uy tín để khuyến khích các thành viên trong tòa soạn tích cực viết tin, bài về đề tài PCTN.
Hai là, tính khuynh hướng (đỉnh cao là tính Đảng); tính khách quan, chân thật; tính nhân dân; tính nhân đạo là những nguyên tắc hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền chỉ giao quyền lãnh đạo cơ quan báo chí cho những cán bộ trung thành với đường lối báo chí do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trung thành với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về một nền báo chí cách mạng Việt Nam phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các cơ quan quản lý báo chí cần tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý các ấn phẩm báo chí núp bóng tư nhân để ra báo.
Ba là, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, quy định rõ hành lang pháp lý cho báo chí tham gia PCTN, tạo cơ chế minh bạch, thích hợp để báo chí phát huy sức mạnh “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa”; đồng thời, hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà báo khi tham gia đấu tranh PCTN và có cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng đối với báo chí và nhà báo khi thông tin về PCTN. Trong đó, cần phê bình, kỷ luật nhà báo, cơ quan báo chí cố tình viết sai sự thật hoặc vi phạm quy định của Luật Báo chí; bên cạnh đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời thích đáng những bài viết hay, viết trúng hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Bốn là, báo chí đấu tranh chống tham nhũng nhằm hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, báo chí cần tuân thủ nguyên tắc đấu tranh chống tham nhũng song hành với việc bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội, tạo sự ổn định về chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông tin tại cuộc họp báo quý I/2012 của Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo tăng cao sau vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Từ tình hình trên cho thấy, các cơ quan báo chí cần xác định trách nhiệm lớn hơn trong việc định hướng thông tin; từng nhà báo cần xác định được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, hết sức thận trọng khách quan, trung thực khi thông tin về các vấn đề nóng, trong đó phải lấy lợi ích quốc gia là nền tảng. Đặc biệt, báo chí cần thận trọng khi phản ánh các vụ việc tham nhũng, không đẩy vấn đề lên quá nóng, không kích động tạo “điểm nóng” do những thông tin trên báo chí khơi mào.
Năm là, các cơ quan, tổ chức cần tuân thủ Luật báo chí, Luật PCTN, theo đó, cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, nhất là thông tin về các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở cấp, ngành mình. Xin được kiến nghị tới các cơ quan ở Trung ương cần nghiên cứu, đưa ra quy định về công khai trên báo chí danh sách các cán bộ, đảng viên vi phạm Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; đồng thời có sự phân loại, công khai trên báo chí danh sách các đối tượng nguyên là cán bộ, đảng viên phạm tội tham nhũng.
Được biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) từ năm 2007 đến nay, các cấp ủy đảng trên toàn quốc đã kiểm tra 1.089.771 đảng viên, phát hiện 11.594 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật 2.953 trường hợp; kiểm tra 181.372 tổ chức đảng, phát hiện 6.327 tổ chức đảng có vi phạm. Cũng trong 5 năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng, đưa ra xét xử 1.455 vụ, với 3.387 bị cáo.
Có thể nói, số lượng các đối tượng có hành vi tham nhũng và phạm tội tham nhũng bị xử lý kể trên là một minh chứng cho thấy kết quả quan trọng bước đầu của công tác PCTN theo Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) và theo Luật PCTN. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo cụ thể trong 5 năm qua có bao nhiêu đối tượng, nguyên là cán bộ, đảng viên vi phạm Luật PCTN và phạm tội tham nhũng. Do đó, khi bàn về những kiến nghị để tăng hiệu quả PCTN, nhiều ý kiến tán đồng về việc cần công khai danh sách, địa chỉ của các đối tượng phạm tội tham nhũng, nhất là những đối tượng từng là cán bộ, đảng viên. Trong đó, hình thức công khai bao gồm: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị và nơi cư trú; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan chuyên trách PCTN để bất cứ ai quan tâm cũng có thể theo dõi được.
Thiết nghĩ, nếu báo chí tiếp tục thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh PCTN, nếu chúng ta có cơ chế phân loại và công khai danh sách tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng trên báo chí, thì chắc chắn, động thái này sẽ tạo được áp lực của cả xã hội tẩy chay hành vi tham nhũng, góp phần “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” như mục tiêu Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) đã đặt ra.
(dangcongsan.vn)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…
Hương Trà
07:00 14/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, qua công tác xác minh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kết luận đối với 57 trường hợp (1 trường hợp không tiến hành xác minh do đã xin nghỉ việc), trong đó có 7 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) đúng và đầy đủ, 19 trường hợp có thiếu sót trong việc kê khai TSTN, 31 trường hợp vi phạm Điều 33 và Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (có 1 trường hợp xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng).
Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà
09:19 13/12/2024Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên