Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Kiên trì, liên tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thanh Thanh

Thứ năm, 14/03/2024 - 09:41

(Thanh tra) - Ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực để tổng kết công tác năm 2023, đề ra phương hướng cho năm 2024.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác PCTN, TC của Bộ Ngoại giao phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Thanh

Phòng ngừa, ngăn chặn là chính

Báo cáo về công tác công tác PCTN, tiêu cực của Bộ Ngoại giao năm 2023, nhất là từ sau cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 29/8/2023 đến nay, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Bộ Ngoại giao xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài với phương châm “phòng ngừa, ngăn chặn là chính”.

"Việc triển khai công tác PCTN, tiêu cực phải có trọng tâm, trọng điểm, tìm ra các mắt xích yếu để kịp thời khắc phục", Chánh Thanh tra Ngoại giao nói.

Theo Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đối với công tác PCTN, tiêu cực, năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan đại diện đã tập trung làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về PCTN, tiêu cực; quán triệt, đề cao thái độ phụng sự, tư duy phục vụ; xây dựng, cập nhật, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình; tăng cường công thanh tra, kiểm tra, giám sát cùng với nắm bắt dư luận, phòng ngừa tham nhũng tiêu cực từ sớm, từ xa.

Năm 2023, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm tra chuyên đề PCTN, tiêu cực; đã trình Bộ trưởng ký ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề PCTN, tiêu cực năm 2024.

Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Bộ, Bộ trưởng đã ký ban hành quy chế, nội quy và quy trình cấp Bộ trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn các đơn vị liên quan ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân.

Trước, trong và sau quá trình tiến hành thanh tra, trưởng các đoàn thanh tra luôn quán triệt đến các thành viên đoàn thanh tra việc nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật; tuyệt đối không gây khó khăn, nhũng nhiễu, không nhận quà và hiện vật từ đối tượng thanh tra.

Tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại tình trạng một số đơn vị, cơ quan đại diện chưa nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về vai trò của công tác PCTN, tiêu cực, chưa quyết liệt trong thực hiện; vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mức độ chuyển biến sang "tư duy phục vụ” tại các cơ quan đại diện còn chậm; chậm xây dựng, cập nhật quy chế, quy trình nội bộ; để xảy ra sai phạm trong quản lý nội bộ, thực hiện quy trình, nghiệp vụ; đôi lúc đôi chỗ vẫn còn tình trạng phản ánh, thắc mắc của công dân...

Hiện lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn mỏng nên chưa tổ chức được nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu thực tế; còn có một số Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa được thanh tra, kiểm tra trong nhiều năm. Vì vậy, đội ngũ cán bộ này cần tiếp tục được củng cố và kiện toàn nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Chánh Thanh tra Ngoại giao nêu rõ.

Quyết tâm, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, thời gian tới Ban Chỉ đạo Bộ Ngoại giao về PCTN, tiêu cực cần tiếp tục bám sát, cập nhật chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của Bộ nhằm nâng cao hơn hiệu quả công tác.

Bộ trưởng cho rằng, việc kết hợp giữa thanh tra và kiểm tra, giám sát tiếp tục được triển khai hiệu quả trong năm 2023 đã mang lại những ưu điểm, kết quả tích cực, qua đó, nâng cao kỷ luật kỷ cương, thực hành tiết kiệm kinh phí, thời gian và nguồn lực triển khai.

Thông qua nhiều hình thức như lập đường dây nóng, thư điện tử, hòm thư góp ý tại khu vực tiếp khách, thường xuyên cập nhật thông tin từ các mạng xã hội, phân công nhân sự có năng lực, trình độ để theo dõi, nắm bắt dư luận và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, phát hiện các vấn đề khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý.

Bộ trưởng yêu cầu, toàn ngành tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy đảng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực; quyết tâm xây dựng văn hóa liêm chính, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; xem xét, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; đề cao tính răn đe, không chủ quan, lơ là trong công tác PCTN, tiêu cực; nhất là đối với các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; có biên pháp xứ lý, không để phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Bộ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp PCTN, tiêu cực liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm toán nội bộ, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Theo Bộ trưởng, xác định rõ cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực là một “cuộc chiến” không khoan nhượng, phải tiếp tục được tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn nữa.

Xác định trọng tâm công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới là cải cách hành chính và chuyển đổi số, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, rà soát và cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng phục vụ tạo chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm