Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 03/06/2016 - 06:45
(Thanh tra)- Biết có tham nhũng, nhìn thấy hành vi tham nhũng, nhưng người dân vẫn ngại tố cáo (TC), dù có thể được thưởng tới 3,45 tỷ đồng nếu giúp Nhà nước thu hồi tài sản lớn. Tại sao?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lưu ý: “Số tiền thưởng không là gì so với bảo vệ an toàn cuộc sống, tính mạng của người TC tham nhũng và gia đình họ”. Ảnh: TN
“Chờ được vạ thì má đã sưng”
Tham nhũng ở nước ta hiện hữu ở các lĩnh vực, từ "chạy" quyền, "chạy" chức, "chạy" tội, "chạy" chính sách, “chạy” dự án, đến thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, làm “sổ đỏ”… Thậm chí, hai thủ tục hành chính gần dân nhất là kết hôn và khai sinh cũng phải nộp thêm “phí” dù luật định không phải nộp phí.
Người dân đều biết rất rõ các hành vi tham nhũng, từng nhìn thấy hành vi tham nhũng hoặc phải tự tay “bôi trơn” vì sự vòi vĩnh của cán bộ nhưng ít khi TC. Đại biểu Quốc hội khóa XIII Đỗ Văn Đương lý giải: Trong nhiều trường hợp, chưa biết nhận được mấy đồng tiền thưởng, nhưng có khi “chờ được vạ thì má đã sưng”, nên người ta thường e ngại ở chỗ đó.
“Thực ra, người TC tham nhũng không phải vì tiền, vì thưởng vật chất, mà cái chính là do bức xúc trước hành vi tham nhũng chưa được xem xét, xử lý nên mới TC. Nhưng cơ chế bảo vệ người TC ở nước ta còn chưa chặt chẽ nên người ta còn lo lắng sẽ bị trù dập, bị trả thù”, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thái Học nhận định.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, khi cầm bút viết đơn, người TC tham nhũng thường không ghi rõ danh tính, địa chỉ, trong khi luật lại quy định đơn nặc danh thì không có cơ sở để xác minh. Đến khi dám chủ động đứng tên TC thì lại thiếu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội vì tham nhũng luôn “ẩn mình rất giỏi” nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường không thụ lý giải quyết.
Chưa kể, những trường hợp dân TC cán bộ, công chức tham nhũng nhưng hành vi chưa đến mức xử hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bao che, xử lý thiếu kiên quyết, triệt để. Nhiều trường hợp luân chuyển cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng sang vị trí khác để đối phó với dư luận, đôi khi được chuyển lên vị trí cao hơn làm cho người TC tham nhũng giảm sút niềm tin vào công lý.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sỹ Cương còn chỉ ra, khi một người TC việc gì đó, họ mong từng ngày, từng giờ đơn thư của mình được giải quyết, nhưng chờ mãi không thấy hồi âm gì cả nên họ rất bức xúc, việc đó cũng phần nào khiến họ chùn bước.
“Luật quy định nếu nhận được đơn thì trong bao nhiêu ngày phải hồi âm, thụ lý và giải quyết, ra thông báo nhưng nhiều cơ quan cứ nhận đơn rồi để đó, không ai xem xét và không ai bị xử lý. Từ trước đến nay tôi chưa thấy ai bị xử lý vì không giải quyết đơn thư khiếu nại, TC”, ông Cương nói.
Tìm cơ chế hữu hiệu bảo vệ người TC
Vấn đề đặt ra, song hành với việc xử lý nghiêm minh tham nhũng là phải có cơ chế bảo vệ hữu hiệu người TC tham nhũng để lấy lại niềm tin của người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: “Chúng ta thưởng cao như thế và cũng đã có cơ chế bảo vệ người TC chống tham nhũng nhưng số người dám TC không nhiều là do cơ chế chưa đủ mạnh, do kinh nghiệm của chúng ta về vấn đề này chưa nhiều. Chúng ta vừa bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người TC vừa rút kinh nghiệm nên cơ chế khiến người ta chưa yên tâm”.
Vì vậy, không nên quy định quá nhiều đầu mối tiếp cận người TC tham nhũng. “Càng nhiều đầu mối người TC càng cảm thấy bất an rằng thông tin có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Khi đó, không những bản thân sức khỏe, tính mạng của họ bị đe dọa mà gia đình của họ cũng có thể bị đe dọa. Nên thu hẹp cơ quan tiếp nhận thông tin”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra quan điểm.
Đồng thời phải quy định chặt chẽ trách nhiệm của các cơ quan đó trong việc bảo vệ thông tin người TC chống tham nhũng. “Anh nhận được thì anh phải giữ, nếu anh để lọt thông tin ra ngoài thì phải chịu trách nhiệm”, ông Quyền nói và lưu ý, “số tiền thưởng không là gì so với bảo vệ an toàn cuộc sống, tính mạng của người TC tham nhũng và gia đình họ”.
Với những lo ngại bị “diệt khẩu”, đe dọa nguy hiểm từ đối tượng bị TC, ông Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, “với người TC tham nhũng khi vừa TC xong là lúc phải có cơ chế bảo vệ ngay, đừng chờ đến lúc xác định có tham nhũng rồi mới tiến hành bảo vệ thì khi đó có thể đã muộn rồi”.
Mạnh tay hơn, ông Đỗ Văn Đương cho rằng, thông thường chỉ người có tật mới giật mình, cho nên chắc chắn người trù dập không nằm ngoài đối tượng tham nhũng bị TC. Khi đó cần tìm ra và xử lý ngay những người có hành vi trù dập người đứng ra TC. Đó là cách tấn công để bảo vệ, chứ không phải “thủ thân”, phải đánh ngay vào “đầu não”.
Ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng cần dựa vào dân, nhưng để người dân tích cực đứng ra TC tham nhũng thì cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, nhất là biện pháp bảo vệ người TC và gia đình họ; đồng thời, cần xây dựng cơ chế tuyên dương, khen thưởng rõ ràng, xứng đáng để người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng là việc làm hết sức cấp thiết hiện nay.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…
Hương Trà
07:00 14/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, qua công tác xác minh, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kết luận đối với 57 trường hợp (1 trường hợp không tiến hành xác minh do đã xin nghỉ việc), trong đó có 7 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) đúng và đầy đủ, 19 trường hợp có thiếu sót trong việc kê khai TSTN, 31 trường hợp vi phạm Điều 33 và Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (có 1 trường hợp xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng).
Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà
09:19 13/12/2024Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình