Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

7 nội dung phối hợp thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Thứ sáu, 18/05/2012 - 13:31

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến cho Dự thảo Quy chế phối hợp thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Ảnh minh họa

Các nội dung phối hợp gồm: 1 - Tuyên truyền, phổ biến về Công ước; 2 - Nội luật hóa các quy định của Công ước (rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng các quy định của Công ước); 3 - Tương trợ tư pháp trong khuôn khổ Công ước; 4 - Trao đổi thông tin liên quan đến Công ước; 5 - Tham gia cơ chế đánh giá việc thực hiện Công ước; 6 - Tổ chức và tham gia các hội nghị về Công ước; 7 - Thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan đến Công ước.

Theo Dự thảo, nội luật hóa các quy định của Công ước là việc rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng các quy định của Công ước, bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước về các nội dung phòng ngừa, hình sự hóa và thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin liên quan đến Công ước.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện kế hoạch nội luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp các đề xuất việc nội luật hóa của các cơ quan, tổ chức thành chương trình, kế hoạch và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch nội luật hóa của các cơ quan, tổ chức, báo cáo Chính phủ.

Nghiên cứu thực hiện các đề án về thu hồi tài sản tham nhũng

Về tương trợ tư pháp, Dự thảo Quy chế quy định, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì: Tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết các yêu cầu của quốc gia thành viên Công ước về dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng liên quan đến Công ước; đề nghị các quốc gia thành viên Công ước xem xét, giải quyết các yêu cầu của Việt Nam về dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng liên quan đến Công ước; đề xuất việc đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương về dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của Công ước và pháp luật Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các đề án về thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của Công ước.

Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì: Tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết các yêu cầu của quốc gia thành viên Công ước về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù liên quan đến Công ước; đề nghị các quốc gia thành viên Công ước xem xét, giải quyết các yêu cầu của Việt Nam về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù liên quan đến Công ước; đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của Công ước và pháp luật Việt Nam; Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các đề án về kỹ thuật điều tra đặc biệt, điều tra chung theo quy định của Công ước.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong việc trao đổi thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trong khuôn khổ Công ước và liên quan đến tội phạm tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ - đầu mối quốc gia hỗ trợ thông tin trong thực hiện Công ước

Dự thảo Quy chế cũng quy định, Thanh tra Chính phủ là đầu mối quốc gia, hỗ trợ thông tin với quốc tế trong thực hiện Công ước của Việt Nam, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin chung về thực hiện Công ước của Việt Nam ra quốc tế và các phương tiện truyền thông; tiếp nhận, thực hiện hoặc chuyển tới các cơ quan, tổ chức của Việt Nam những thông tin, đề nghị hợp tác liên quan đến Công ước từ phía quốc tế, trừ các thông tin, đề nghị về tương trợ tư pháp; trong khuôn khổ Công ước, liên hệ với ban thư ký hội nghị các quốc gia thành viên Công ước và cơ quan đầu mối của quốc gia thành viên khác về các nội dung liên quan đến Việt Nam; tổng hợp và quản lý thông tin, dữ liệu về Công ước và thực hiện Công ước của Việt Nam.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin, dữ liệu về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện Công ước gắn với việc thực hiện các quy định pháp luật về trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng, báo cáo Chính phủ qua Thanh tra Chính phủ.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án, kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Công ước trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến về Công ước; tổng hợp tình hình và kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến về Công ước trong phạm vi cả nước báo cáo Chính phủ.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến Công ước gồm: Nội dung cơ bản của Công ước và các nghị quyết của hội nghị các quốc gia thành viên Công ước; các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng và thực hiện Công ước; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện Công ước; các chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện Công ước; tình hình và kết quả thực hiện Công ước của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện Công ước.
       

Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động thực thi Công ước của các bộ, ngành, địa phương; đề xuất thực hiện các nhiệm vụ phát sinh khác nhằm thực thi Công ước; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Công ước trên phạm vi cả nước.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phân công đơn vị thường trực và cán bộ theo dõi, điều phối việc thực hiện Công ước trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình.


Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.

Đông Hà + Thanh Hoa

07:30 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm