Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ tư, 28/08/2024 - 13:13
(Thanh tra) - Tòa án Nhân dân Cấp cao của Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) đã giữ nguyên bản án tử hình đối với Lý Kiến Bình (Li Jianping), cựu quan chức tham nhũng bậc nhất Trung Quốc với số tiền biển thủ, nhận hối lộ lên tới hơn 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng).
Buổi tuyên án đối với Lý Kiến Bình tại Tòa án Nhân dân cấp cao của Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc), ngày 27/8/2024. Ảnh: Tòa án Nhân dân Cấp cao Khu tự trị Nội Mông
Theo Tân Hoa xã, trong phiên tòa xét xử ngày 27/8, Lý Kiến Bình, cựu Bí thư Đảng ủy Khu phát triển kinh tế và công nghệ thành phố Hohhot, bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và thông đồng với tổ chức tội phạm.
Phán quyết này sẽ được đệ trình lên Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc để xem xét và phê duyệt.
Trước đó, vào tháng 9/2022, một tòa án trung cấp ở Nội Mông đã tuyên án tử hình đối với Lý Kiến Bình.
Sau đó, ông Lý đã kháng cáo bản án này.
Phán quyết của tòa tuyên ông ta phạm nhiều tội, nhấn mạnh đến tác động xã hội to lớn và mức độ nghiêm trọng của các tội danh.
Từ năm 2006 đến năm 2018, Lý đã lợi dụng nhiều chức vụ bản thân nắm giữ để biển thủ hơn 1,437 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.000 tỷ đồng) tiền của nhà nước, nhận quà tặng và tiền với tổng số tiền hơn 577 triệu nhân dân tệ và biển thủ hơn 1,055 tỷ nhân dân tệ tiền quỹ từ các công ty nhà nước.
Ông ta cũng duy trì liên lạc chặt chẽ với thủ lĩnh của một tổ chức tội phạm và dung túng cho các hoạt động bất hợp pháp của tổ chức này.
Lý Kiến Bình (sinh năm 1960) là một cựu chính trị gia Trung Quốc đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở Hohhot, thủ phủ của Nội Mông.
Ông bắt đầu sự nghiệp từ tháng 8/1982 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 1/1985.
Ông đã bị Ủy ban Giám sát Quốc gia và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra vào tháng 9/2018.
Tháng 8/2019, Lý Kiến Bình bị khai trừ khỏi Đảng và cách các chức vụ. Theo quy định pháp luật, vụ việc của Lý được chuyển đến cơ quan công tố để điều tra.
Kết quả điều tra cho thấy, Lý Kiến Bình đã hoàn toàn mất đi lý tưởng, niềm tin, tinh thần và nguyên tắc Đảng, không khai báo trung thực việc riêng, không giải trình trung thực các vấn đề khi tổ chức có yêu cầu...
Trong quá trình công tác, Lý đã coi các công ty thuộc quản lý như “túi tiền” và “máy rút tiền” của mình, chỉ đạo các công ty nhà nước cấp dưới chiếm dụng các quỹ đặc biệt và xâm phạm lợi ích quốc gia trong quá trình mua nhà ở.
Ông ta “vừa là quan, vừa là doanh nhân” trong thời gian dài, cấu kết với các doanh nghiệp làm ăn vô lương tâm, chiếm đoạt trái phép những lợi ích kinh tế khổng lồ.
Không chỉ vậy, Lý sống một cuộc sống sa đọa, ra nước ngoài đánh bạc nhiều lần...
Với số tiền biển thủ và nhận hối lộ hơn 3 tỷ nhân dân tệ, Lý Kiến Bình trở thành "quan chức tham nhũng lớn nhất" kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.
Vụ án của ông được phân loại là "vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông", gây chấn động toàn quốc.
Sau khi Lý bị điều tra, Khu tự trị Nội Mông đã tổ chức hội nghị giáo dục cảnh báo toàn khu vực, công chiếu bộ phim giáo dục cảnh báo "cái giá của việc đánh mất lý tưởng ban đầu"; đồng thời thông báo cho một số đảng viên và cán bộ lãnh đạo về các vụ án, bài học về vi phạm kỷ luật, pháp luật.
Cấp phó của Lý Kiến Bình là Bai Haiquan cũng đã bị điều tra vào tháng 7/2014 và bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, nhận hối lộ hơn 170 triệu nhân dân tệ.
Các công ty trở thành “túi tiền” và “máy rút tiền” của Lý Kiến Bình như thế nào?
Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia, Lý Kiến Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot trong 7 năm (từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2018).
Trong thời gian này, Lý bắt đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp đỡ người khác thực hiện các dự án để nhận lại tiền và vật chất. Số tiền tăng dần từ hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn lên đến hàng triệu, chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Sự tham lam của Lý Kiến Bình ngày càng lớn và không có điểm dừng. Ngay cả khi cấp phó là Bai Haiquan, cựu Phó Bí thư Đảng ủy Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot, đồng thời là cựu Phó Giám đốc điều hành Ban Quản lý Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot, bị điều tra vào năm 2014, Lý Kiến Bình cũng không hề kiềm chế hay dừng lại, thậm chí còn tăng cường nỗ lực "vơ vét".
Với tư cách là người lãnh đạo Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot, Lý Kiến Bình không chỉ coi các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý là “túi tiền” và “máy rút tiền” của mình mà còn mượn danh nghĩa người khác thành lập công ty (trong khi thực tế Lý đã tự mình kiểm soát), để đạt được mục đích biển thủ tài sản nhà nước.
Cuộc điều tra còn cho thấy Lý Kiến Bình đã thành lập hàng chục công ty "ma" lớn nhỏ, cũng như các công ty con cấp một, cấp hai và cấp ba được che giấu kỹ càng. Dưới sự hoạch định và chỉ đạo trực tiếp của ông, các công ty này đã mời chào những dự án và kinh doanh với nhau. Một lượng lớn vốn nhà nước thường xuyên chảy vào hệ thống này và được giữ bí mật cho các mục đích khác nhằm "kiếm tiền".
Từ các giao dịch kiếm tiền đơn giản đến thành lập các công ty vỏ bọc để lừa gạt quỹ nhà nước, Lý Kiến Bình đã thu được lợi nhuận kinh tế khổng lồ, với số tiền liên quan lên tới hơn 3 tỷ nhân dân tệ.
Theo lời thú nhận của Lý Kiến Bình, ngoài một khoản tiền dùng để đánh bạc, phần lớn số tiền này được dùng để mua và sưu tầm các bức tranh cũng như thư pháp nổi tiếng, đồ cổ, ngọc bích, đồ trang sức bằng vàng, đồng hồ xa xỉ, các loại rượu nổi tiếng. Bộ sưu tập trong hầm rượu của ông ta lên tới hàng chục nghìn chai.
Những người xử lý vụ việc của Lý từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát Khu tự trị tiết lộ, ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ tham nhũng gây ra được thể hiện rõ ở ba khía cạnh: xây dựng kinh tế, chính trị, môi trường kinh doanh. Trong đó, những hành vi của Lý đã gây ra thiệt hại to lớn cho Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot. Dù bản thân ông đã bị điều tra và trừng phạt nhưng “di chứng” vẫn còn. Về mặt môi trường kinh doanh, không có sự cạnh tranh công bằng. Các dự án mà Lý quan tâm đều được bật đèn xanh...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh
T.Thanh
Bài và ảnh: Quỳnh Mai
Phương Anh
Phương Anh