(Thanh tra) - Đây là câu hỏi đặt ra trong tình tình chính trị mơ hồ đang bao trùm khắp đất nước Ukraine, sau khi Tổng thống Vikor Yanukovych bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình liên miên trong suốt 3 tháng qua. Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov được chỉ định làm Tổng thống lâm thời, hiện đang kêu gọi Quốc hội thành lập Chính phủ mới trong tình hình cấp bách chịu sức ép gia tăng từ nhiều phía.
Mặc dù Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bị phế truất, nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể nói chiến thắng nghiêng về phương Tây và Nga đã thua. Quốc gia có 46 triệu dân này, đến nay vẫn bị phân chia tư tưởng sâu sắc, một bên là miền Đông, nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số; bên kia là miền Tây, nói tiếng Ukraine và theo phương Tây. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, chiến thắng của những người biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm thủ đô Kiev, chỉ là mở đầu cho những vấn đề nghiêm trọng bên trong nội tại của nước này sắp tới khi phải chịu sức ép từ nhiều phía.
Một vấn đề mấu chốt mà chính phủ Ukraine cần phải giải quyết là cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Lật ngược trở lại thời điểm trước khi xảy ra bạo động tại Ukraine, đất nước này đang phải chịu sức ép kinh tế đè nặng khi mà Ukraine cần ít nhất 10 tỷ USD để thoát khỏi nguy cơ phá sản. Ukraine đã cầu cứu mọi nơi, kể cả Liên minh EU. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khủng hoảng “không mấy khả quan” của một số nước trong EU đã khiến khối liên minh “e dè” và đưa ra con số ít ỏi cùng vô số điều kiện. Quỹ tiền tệ Quốc tế - IMF cũng từ chối thẳng thừng cho Ukraine vay. Và ngay lúc đó, Nga đã xuất hiện như một “mạnh thường quân” đưa đến cho Ukraine “một gói cứu trợ trong mơ” 15 tỷ USD vô điều kiện, đây cũng là lúc Ukraine quyết định ngoảnh mặt lại với Liên minh EU.
Trở lại thực tại, khi mà chính quyền của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bị lật đổ, thì điện Kremlin cũng “đánh tiếng” rằng gói cứu trợ có đến tay nước này không phải phụ thuộc vào chính quyền mới sắp lên. Chưa kể đến, từ xưa đến nay, kinh tế Ukraine vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Nga.
Điều này có nghĩa là, nếu tương lai của Ukraine là một Chính phủ thân phương Tây thì Ukraine thực sự bị đưa vào tình thế khó khăn và quả bóng viện trợ sẽ đá về phía phương Tây, cụ thể là Liên minh EU - nơi mà đồng tiền bị kiểm soát chặt chẽ và “khó nhằn”. Cũng đồng nghĩa với việc phía Ukraine cần phải thành lập Chính phủ mới và được nhận khoản hỗ trợ tài chính đáng kể để vực dậy nền kinh tế nước này. Giám đốc chính sách đối ngoại Liên minh EU Catherin Ashton và Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov đang kêu gọi Quốc hội thành lập Chính phủ mới trong tuần này. Trong lúc đó thì Tổng thống Obama, IMF và Liên minh EU cần chuẩn bị và quyết định phê chuẩn một khoản viện trợ cam kết vững chắc.
Tuy nhiên, tương lai của Ukraine vẫn đang nằm trong vòng bất định. Khi mà những người ủng hộ ông Yanukovych vẫn chiếm số lượng lớn ở miền Đông. Thậm chí, ngay cả những người ủng hộ truyền thống hiện đang quay lưng lại với ông Yanukovych và lực lượng phe đối lập biểu tình cũng chưa chắc sẽ ủng hộ chính quyền mới thân phương Tây vì lo ngại trước hệ quả xấu về kinh tế của việc hội nhập với Liên minh EU.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng có thể nảy sinh sự phân chia Đông – Tây tại Ukraine với hai Chính phủ tồn tại song song. Chính phủ thân phương Tây sẽ đóng tại Kiev và Chính phủ của ông Yanukovych thân Nga sẽ thành lập tại Kiev.
Trong lúc đất nước Ukraine đang loay hoay tìm lối đi chính trị trong tương lai thì Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất vào hôm 21/2 rằng một sự ổn định chính trị ở Kiev sẽ bảo đảm sự thống nhất đất nước và tự do cá nhân. Tuy nhiên, hôm 22/2, Nga đã cáo buộc và lên án “thành phần cực đoan vũ trang và những kẻ cướp phá đang đe dọa trực tiếp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Đáp lại, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, cho rằng, Nga sẽ “sai lầm nghiêm trọng” nếu đem quân can thiệp vào Ukraina.
Hiện tại, chưa có thể nói gì về tương lai chính trị tại đất nước vốn chia rẽ sâu sắc Ukraine khi mà EU vẫn đang “chào mời” Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu và vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng bằng các gói cứu trợ ngay khi nước này có một chính phủ dân chủ mới; trong khi Nga cũng không hề hài lòng với các diễn biến tại Ukraine nhưng vẫn cẩn trọng, tránh một cuộc đụng độ với phương Tây.
Minh Việt