Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ tư, 20/09/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu (EU) đã tạm thời đình chỉ viện trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở Somalia, sau một cuộc điều tra của Liên hợp quốc phát hiện hành vi xà xẻo và lạm dụng tràn lan nguồn viện trợ, vốn nhằm mục đích ngăn chặn nạn đói.
Trẻ em Somalia đứng bên ngoài nơi trú ẩn tạm thời tại trại Ladan dành cho những người di tản trong nước ở Dollow, Somalia, ngày 1/5/2023. Ảnh: REUTERS/Ayenat Mersie
Thông tin được hai quan chức cấp cao của EU chia sẻ với Hãng tin Reuters mới đây.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Ủy ban Châu Âu đã viện trợ hơn 7 triệu USD cho các hoạt động của WFP ở Somalia vào năm ngoái, một phần nhỏ trong số hơn 1 tỷ USD tổng số tiền quyên góp mà tổ chức này nhận được.
Các nước thành viên EU đã chi nhiều tiền hơn trên cơ sở song phương. Hiện, chưa rõ liệu có bên nào cũng sẽ đình chỉ viện trợ hay không.
Ông Balazs Ujvari, Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu không phủ nhận, cũng không xác nhận việc đình chỉ viện trợ, mà cho biết: "Cho đến nay, EU vẫn chưa được các đối tác Liên hợp quốc thông báo về tác động tài chính đối với các dự án do EU viện trợ... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và tuân thủ cách tiếp cận không khoan nhượng đối với gian lận, tham nhũng hoặc hành vi sai trái”.
WFP đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Một quan chức cấp cao của EU cho hay, quyết định đình chỉ được đưa ra sau khi cuộc điều tra của Liên hợp quốc kết luận rằng, chủ đất, chính quyền địa phương, thành viên lực lượng an ninh và nhân viên nhân đạo đều liên quan đến việc xà xẻo viện trợ dành cho những người dễ bị tổn thương.
Quan chức này (phát biểu với điều kiện giấu tên) cho biết thêm, viện trợ sẽ được khôi phục sau khi WFP đáp ứng các điều kiện bổ sung, bao gồm việc kiểm tra các đối tác trên thực địa ở Somalia.
Một quan chức cấp cao khác của EU đã xác nhận điều này.
Nguồn tin thứ ba, cũng là quan chức EU, nói rằng Ủy ban Châu Âu đang "hợp tác tích cực với WFP để giải quyết các khiếm khuyết mang tính hệ thống" nhưng cho biết không có viện trợ nào bị đình chỉ trong giai đoạn này.
Reuters đã có được bản sao của báo cáo ngày 7/7, do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ủy quyền. Nội dung của báo cáo được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 18/9 bởi Devex, một cơ quan truyền thông tập trung vào phát triển quốc tế.
Báo cáo phản ánh, những người di tản trong nước cho biết, họ bị ép phải trả tới một nửa số tiền hỗ trợ nhận được cho những người có chức vụ quyền hạn trước các mối đe dọa trục xuất, bắt giữ hoặc hủy đăng ký khỏi danh sách người thụ hưởng.
Ba tháng trước, WFP và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đình chỉ viện trợ lương thực cho nước láng giềng Ethiopia để đáp lại tình trạng phân bổ chệch hướng các khoản quyên góp.
Theo một quan chức cấp cao của EU, Ủy ban Châu Âu đóng góp 10 triệu euro (10,69 triệu USD) cho Somalia và Ethiopia thông qua WFP, với việc đình chỉ đóng góp một phần trong số đó.
Mỹ cho đến nay là nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất của Somalia. Năm ngoái, tổ chức này đã đóng góp hơn một nửa trong số 2,2 tỷ USD viện trợ cho hoạt động ứng phó nhân đạo ở đó.
Người phát ngôn của USAID Jessica Jennings cho biết trong một tuyên bố rằng, Mỹ đang nỗ lực tìm hiểu về mức độ của việc chuyển hướng và "đã thực hiện các bước để bảo vệ những người thụ hưởng và đảm bảo tiền của người nộp thuế được sử dụng để mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương ở Somalia, đúng như dự định".
Một quan chức của cơ quan này, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết, tình hình ở Ethiopia và Somalia rất khác nhau và USAID không có kế hoạch tạm dừng hỗ trợ lương thực ở Somalia.
Văn phòng Quản lý thảm họa Somalia, cơ quan điều phối hoạt động ứng phó nhân đạo của Chính phủ, hôm 18/9 tuyên bố rằng, chính quyền Somalia cam kết điều tra những phát hiện trong báo cáo của Liên hợp quốc, đồng thời lưu ý, các hệ thống phân phối viện trợ hiện tại hoạt động “bên ngoài các kênh của Chính phủ”.
Việc chuyển hướng viện trợ là phổ biến và có hệ thống
Somalia đã được tăng cường viện trợ vào năm ngoái, khi các quan chức nhân đạo cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra do hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong nhiều thập kỷ.
Các nhà nghiên cứu ước tính, nạn đói đã được ngăn chặn nhưng có tới 43.000 người (một nửa trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi) tử vong vào năm ngoái do hạn hán.
Báo cáo của Liên hợp quốc không định lượng số viện trợ đã bị chuyển hướng, nhưng cho biết những phát hiện của họ "cho thấy việc chuyển hướng viện trợ sau chuyển giao ở Somalia là phổ biến và có hệ thống".
Theo báo cáo, tổng cộng các nhà điều tra đã thu thập dữ liệu từ 55 địa điểm di tản ở Somalia và phát hiện sự chuyển hướng viện trợ ở tất cả các điểm đó.
Khoảng 3,8 triệu người phải di tản ở Somalia - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Phân phối viện trợ đã là một vấn đề ở Somalia trong nhiều thập kỷ, phức tạp bởi các thể chế Chính phủ yếu kém, tình trạng bất ổn lan rộng.
Kể từ khi bị phát hiện về hành vi xà xẻo viện trợ trong nạn đói năm 2011, các tổ chức nhân đạo đã chuyển phần lớn hỗ trợ của họ sang hình thức chuyển bằng tiền mặt, mà một số quan chức cho rằng ít bị tham nhũng hơn.
Theo Reuters, báo cáo của Liên hợp quốc là bằng chứng mới nhất cho thấy các hệ thống dựa trên tiền mặt cũng có thể bị khai thác. Báo cáo đã xác định được nhiều thủ phạm, dẫn đầu bởi những người được gọi là “người gác cổng”, những cá nhân quyền lực từ các gia tộc thống trị ở địa phương.
Những người gác cổng này lợi dụng ảnh hưởng của mình trong việc tiếp cận các địa điểm dựng trại và danh sách người thụ hưởng thực phẩm để ép buộc những người di tản trong nước chi trả.
Báo cáo cũng cho biết, các thành viên của lực lượng an ninh đóng vai trò đe dọa và đôi khi bắt giữ những người từ chối chi tiền, trong khi một số nhân viên nhân đạo thông đồng với những người gác cổng để bỏ túi số tiền bị xà xẻo.
Mặc dù hiện tại nạn đói đã được ngăn chặn, nhưng báo cáo cảnh báo rằng, nguồn tài trợ nhân đạo không đầy đủ có thể cản trở sự tiến bộ vốn mong manh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam