Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ năm, 18/03/2021 - 18:00
(Thanh tra) - Các công ty Eni và Shell bị cáo buộc tham nhũng trong thương vụ liên quan đến một mỏ dầu ở ngoài khơi Nigeria năm 2011. Thương vụ mua bán 1,3 tỷ USD này được đánh giá là bê bối tham nhũng lớn nhất trong ngành năng lượng.
Các nhà quản lý của Shell và Eni bị buộc tội tham nhũng trong việc mua một mỏ dầu ở Nigeria. Ảnh: AFP
Vụ việc kéo dài nhiều năm liên quan đến thỏa thuận mua lại quyền thăm dò một mỏ dầu ngoài khơi năm 2011 ở Nigeria. Các công tố viên cáo buộc phía doanh nghiệp đã trả hối lộ để đảm bảo khai thác mỏ này.
Tòa án Ý đã ra phán quyết những gì?
Ngày 17/3, thẩm phán Marco Tremolada đã đọc bản án tại Tòa án Milan.
Ông Tremolada cho biết, các công ty và 13 bị cáo bị buộc tội trong vụ án đã được tuyên trắng án vì không có việc tố tụng nào thành công.
Trong số những người bị buộc tội có Giám đốc Điều hành hiện tại của Eni, Claudio Descalzi và người tiền nhiệm Paolo Scaroni.
Trước đó, các công tố viên đề nghị bỏ tù những nhà quản lý này, án phạt đối với các công ty và tịch thu 1,1 tỷ USD từ các bị cáo.
Phán quyết của Tòa án Milan được đưa ra sau 3 năm kể từ khi bắt đầu xét xử vụ việc với hơn 74 phiên điều trần.
Tuy nhiên, phán quyết ngày 17/3 vẫn có thể bị kháng cáo.
Phản ứng của Nigeria
Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi phán quyết của tòa án Ý được công bố, Chính phủ Nigeria bày tỏ sự thất vọng.
"Cộng hòa Liên bang Nigeria thất vọng về phán quyết ngày hôm nay ở Milan, nhưng cảm ơn các cơ quan công tố Ý vì những nỗ lực không mệt mỏi của họ", một phát ngôn viên của Chính phủ cho biết.
Tuyên bố của Nigeria khẳng định thêm rằng, quốc gia Tây Phi này "sẽ tiếp tục buộc những kẻ gây ra vụ gian lận OPL 245 phải chịu trách nhiệm".
Chính phủ Nigeria cho biết, họ sẽ xem xét lại bản án và sau đó sẽ có quyết định về việc có kháng cáo hay không.
Các công ty nói gì?
Cả hai công ty đều hoan nghênh phán quyết của tòa. Shell nói rằng, họ luôn kiên định việc mua mỏ dầu là hợp pháp.
"Đồng thời, đây là một bài học kinh nghiệm khó khăn đối với chúng tôi. Shell là một công ty hoạt động với sự liêm chính và chúng tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để đảm bảo các hành động của chúng tôi không chỉ tuân theo nguyên tắc và tinh thần của pháp luật mà còn đáp ứng kỳ vọng rộng lớn hơn của xã hội về chúng tôi", Ben van Beurden, Giám đốc Điều hành của Royal Dutch Shell cho biết trong một tuyên bố.
Vụ tham nhũng lớn nhất ngành năng lượng
Nigeria là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về dầu mỏ. Bê bối liên quan đến việc mua mỏ dầu ngoài khơi OPL 245 vào năm 2011 ở nước này được đánh giá là vụ tham nhũng lớn nhất trong ngành năng lượng, liên quan đến vài bộ trưởng Nigeria và các công ty phương Tây.
Vụ việc có khởi nguồn từ tháng 4/1998 - thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ" của Bộ trưởng Dầu mỏ Dan Etete. Dan Etete đã phê duyệt quyết định cấp quyền thăm dò lô dầu OPL 245 cho Công ty Malabu Oil & Gas. Trong khi lô OPL 245 xa bờ 150km lại là mỏ vàng đen với trữ lượng 9 tỉ thùng thì Malabu Oil & Gas chỉ là công ty chưa hề có tên tuổi.
Đáng chú ý, kết quả điều tra sau đó phát hiện Malabu Oil & Gas mới được thành lập 5 ngày trước ngày được cấp giấy phép thăm dò và cổ phần đa số trong công ty thuộc về Bộ trưởng Dan Etete.
Sau đó, giấy phép của Malabu Oil & Gas bị thu hồi. Năm 2003, Công ty Shell (Anh-Hà Lan) tiếp quản lô OPL 245 về kỹ thuật. Dan Etete kiện đòi quyền lợi liên quan đến lô OPL 245.
Với thế lực mạnh của Dan Etete, Malabu Oil & Gas tiếp tục được phép thăm dò lô OPL 245. Phía Shell bèn kiện ra tòa trọng tài.
Đến tháng 11/2010, Shell liên doanh với Công ty dầu khí Eni (Ý). Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Mohammed Bello Adoke đã đề nghị tổ chức thương lượng trực tiếp giữa Shell, Eni, Malabu Oil & Gas và một số thành viên Chính phủ Nigeria.
Tháng 4/2011, Shell và Eni đã trả 1,3 tỷ USD (1,09 tỷ Euro) để mua lại quyền thăm dò lô OPL 245 từ Malabu Oil and Gas.
Các công tố viên Ý cho rằng, 1,1 tỷ USD trong giá mua là tiền hối lộ đưa vào túi của những người trung gian và chính trị gia, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Etete.
Phía công tố viên cũng lập luận rằng, Shell và Eni biết rằng, hầu hết số tiền đã được sử dụng để hối lộ.
Tuy nhiên, cả hai công ty đều phủ nhận các cáo buộc.
Vụ kiện được đưa ra tòa sau khi 3 tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng đưa đơn khiếu nại trước các công tố viên ở Milan.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (cầm quyền từ tháng 5/2015) đã cam kết bài trừ tận gốc tham nhũng dầu mỏ. Tháng 1/2017, Nigeria đưa lô OPL 245 trở lại danh mục đầu tư công. Dan Etete bị truy tố về tội rửa tiền và tham nhũng. Cuối tháng 1/2020, tòa án Nigeria phát lệnh bắt giữ Dan Etete. Tòa án Ý cũng truy tố Dan Etete về tội rửa tiền và 7 tội danh khác.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền