Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng kìm hãm sự phát triển ở những nền kinh tế mới nổi

Chủ nhật, 17/01/2016 - 06:38

(Thanh tra)- Ở những nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Mexico…., tham nhũng đang là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của những quốc gia này, làm giảm sự vững chắc của nền kinh tế. Để tiếp tục phát triển ổn định, những quốc gia mới nổi này không còn cách nào khác là phải tiêu diệt được tệ nạn tham nhũng.

Tham nhũng có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng dường như nó “mạnh” hơn ở những nền kinh tế mới nổi, kìm hãm sự tăng trưởng của những nền kinh tế này. Ảnh minh họa: Slate.fr

Chính quyền TP Mexico (Thủ đô của Liên bang Mexico) vừa chính thức thông qua dự án xây dựng mới 1 sân bay quốc tế, vừa cải thiện khả năng cạnh tranh của TP này nói riêng và của Mexico nói chung với các quốc gia khác trong khu vực (Bắc Mỹ) và châu lục (châu Mỹ), vừa để dần nâng tầm TP Mexico trở thành 1 trong những thành phố kinh tế trọng điểm của Mexico và của khu vực.

Sau hơn 20 năm chần chừ, đây được coi là quyết định quan trọng nhằm hiện thực hóa tiến trình đưa TP Mexico trở thành thành phố trọng điểm vào năm 2020. Thế nhưng, ở Mexico- quốc gia vốn đang bị bao phủ bởi “bóng đen” mafia, những đường dây tội phạm sẵn sàng giết người, bắt cóc tống tiến, hối lộ quan chức, thanh trừng lẫn nhau để tranh giành quyền lực, phạm vi hoạt động, và tất nhiên là tranh giành để làm giầu cho các băng đảng mafia, thì dự án xây dựng sân bay quốc tế mới với số tiền đầu tư không hề nhỏ, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi sự “xâm lấn” của tham nhũng cũng như ánh mắt thèm thuồng của các băng đảng mafia.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo, dự án xây dựng sân bay quốc tế mới của Mexico là một dự án đầu tư rất lớn, thế nên “cần phải có một bộ máy điều hành, quản lý dự án thật sự hiệu quả và “trong sạch”, mọi gói thầu của dự án cần phải được đấu thầu công khai, và quá trình triển khai dự án cần phải được công khai, minh bạch để tránh mọi thiệt hại do tham nhũng gây ra”.

Cũng giống Mexico, hiện Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ…, những nền kinh tế mới nổi trên thế giới này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài, như dư âm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn, giá dầu thô, giá nguyên, nhiên liệu sụt giảm nhanh chóng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại vừa quyết định tăng lãi suất của đồng USD… Thế nhưng, đó mới chỉ là khó khăn từ bên ngoài, nhưng những khó khăn đến từ bên trong những quốc gia mới nổi này mới là vấn đề quan trọng. Mà những khó khăn nội tại đó, không gì khác ngoài tệ nạn tham nhũng.

Theo nghiên cứu mới đây tại 127 quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 10-30% số tiền của các dự án lớn trên thế giới bị thất thoát do tham nhũng. Cứ 7 cuộc “đàm phán” liên quan đến 1 dự án lớn, thì có 1 cuộc “đàm phán” liên quan đến việc làm cách nào để bòn rút được tiền từ dự án đó, hay nói cách khác đó là cuộc đàm phán về tỷ lệ phần trăm “hoa hồng”.

Tính trên toàn cầu, các hành vi nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ, biển thủ… đã làm “bốc hơi” khoảng 3.100 tỷ USD, tức là khoảng 5,1% GDP toàn cầu. Cuộc chiến chống tham nhũng, rửa tiền trên thế giới diễn ra vẫn còn rất chậm so với sự lây lan của tệ nạn này. Sự kiện các thành viên của OECD đã cùng ký thỏa thuận hợp tác trong việc minh bạch hóa thuế và tài chính vào hồi tháng 11 năm ngoái cũng chỉ là một tín hiệu tích cực rất nhỏ trong nỗ lực chung của thế giới chống tham nhũng và rửa tiền, bởi trên thực tế, việc phát huy những thỏa thuận này vẫn còn rất hạn chế ở từng quốc gia thành viên của OECD, do có sự xung đột giữa lợi ích tài chính và lợi ích chính trị.

Ở Brazil, trong suốt 1 thập kỷ qua, thế giới đã được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của quốc gia này. Thế nhưng, cùng với sự phát triển thì lạm phát của nước này cũng tăng tới 10% và nợ công thì tăng tới 70%. Chính phủ chưa đưa ra được những chính sách cải tổ hiệu quả, trong khi đó, một loạt bê bối tham nhũng xảy ra, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) đã làm giảm sút rất lớn niềm tin của người dân với chính phủ nước này. Bê bối Petrobras là nguyên nhân chính “hạ bệ” không ít bộ trưởng, chính trị gia của nước này, và hiện nó đang làm lung lay Chính phủ đương nhiệm của Brazil.

Còn ở Trung Quốc, dù đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình triển khai chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nhiều quan chức, lãnh đạo cấp cao cả trong chính quyền lẫn ở doanh nghiệp nhà nước bị bắt giữ, điều tra, truy tố và kết án ở mức cao nhất, nhưng tình trạng tham nhũng, hối lộ, biển thủ và làm giầu bất chính vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Ở các quốc gia mới nổi khác cũng vậy, sự phát triển kinh tế luôn đi kèm theo với sự lây lan ngày càng rộng của tện nạn tham nhũng. Diệt trừ tện nạn này cũng không phải quá khó, chẳng hạn như chặt đứt mọi lợi ích bất hợp pháp của người thân, bạn bè, thậm chí truy tố, tống giam họ nếu có hành vi tham nhũng. Nhưng liệu chính phủ các nước này có mạnh tay được như vậy hay không. “Chống tham nhũng là để cải tổ và tiếp tục phát triển. Phải chấp nhận “đau” thì nền kinh tế mới tiếp tục khỏe và phát triển, đó là điều tất yếu. Chấp nhận được điều này, các quốc gia, các nền kinh tế mới nổi mới có thể tiếp tục phát triển vững chắc”, WB khuyến cáo.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm