Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Anh
Thứ bảy, 19/11/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Sau một năm bế tắc về chính trị, Iraq hiện đã có Chính phủ mới, song quốc gia Trung Đông này vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó phải kể tới tham nhũng và biến đổi khí hậu.
Ông Mohammed Shia Al Sudani trong phiên họp Quốc hội bỏ phiếu về Chính phủ mới của Iraq vào ngày 27/10/2022. Ảnh: AP
Chính phủ mới bắt đầu công việc nặng nề dưới bóng đen của các vụ tham nhũng lớn
Theo các nhà phân tích, Chính phủ của Thủ tướng Mohammed Shia Al Sudani (52 tuổi) nắm quyền vào thời điểm nhạy cảm, khi Iraq phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, môi trường, an ninh và chính trị.
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani mới đây xác định tình trạng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa chính đối với đất nước, bên cạnh những vấn đề khác mà Chính phủ mới được thành lập của ông cần phải giải quyết.
Quốc hội Iraq ngày 27/10 đã phê chuẩn quyết định thành lập Chính phủ mới và bắt đầu khối lượng công việc nặng nề dưới bóng đen của 2 vụ bê bối tham nhũng lớn.
Bê bối thứ nhất được phanh phui hồi tháng 10, khi một cựu bộ trưởng đã tiết lộ rằng 3,7 nghìn tỷ dinar Iraq (gần 2,5 tỷ USD) đã bị cơ quan thuế biển thủ trong hành vi đang được truyền thông trong nước mô tả là "vụ trộm cắp của thế kỷ".
Theo Bộ Tài chính Iraq, số tiền này đã bị đánh cắp từ tài khoản của Tổng cục Thuế tại một chi nhánh của Ngân hàng Rafidain.
Trong khi truyền thông địa phương đưa tin, khoản tiền 3,7 nghìn tỷ dinar đã bị rút trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 8 năm nay, sau đó đã được chuyển tới tài khoản của 5 công ty khác nhau thông qua 247 tờ séc và ngay lập tức được rút khỏi các tài khoản đó.
Ủy ban Liêm chính Iraq đang tiến hành cuộc điều tra về vụ việc.
Trước thông tin về bê bối tham nhũng lớn này, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani đã tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ chống tham nhũng.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ ngần ngại thực hiện các biện pháp thực sự để kiềm chế tham nhũng đã lan tràn một cách trắng trợn trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức của nó", ông Al Sudani nói và cho biết hồ sơ vụ việc này đã được đặt vào ưu tiên hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh sẽ không để tiền của người Iraq bị đánh cắp, như đã từng xảy ra với quỹ của Tổng cục Thuế tại Ngân hàng Rafidain.
Bê bối thứ hai liên quan tới mạng lưới tội phạm rút ruột nguồn "vàng đen" của đất nước.
Đầu tháng này, Cơ quan An ninh Quốc gia Iraq thông báo đã triệt phá một mạng lưới tội phạm hút dầu thô bất hợp pháp từ các đường ống ở những khu vực hẻo lánh miền Nam Iraq và đưa nó ra khỏi khu vực. Tại đó, một số quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ và các sĩ quan tình báo bị cáo buộc có liên quan.
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thành lập Chính phủ mới, Thủ tướng Al Sudani gọi tham nhũng là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhà nước Iraq, nguy hiểm hơn tất cả các mối đe dọa khác đã đè nặng lên Iraq".
Ông Sudani cam kết sẽ giải quyết vấn đề. Ông nói: “Các công dân muốn thấy được tinh thần trách nhiệm và số tiền bị tham nhũng lấy đi được sẽ được trả lại".
Phát biểu tại Diễn đàn Viện Nghiên cứu Trung Đông thường niên ở Erbil tổ chức hồi đầu tháng 11, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Iraq, bà Jeanine Hennis-Plasschaert mô tả tham nhũng ở quốc gia này là "tràn lan, có tổ chức và có tính hệ thống".
Bà Hennis-Plasschaert cảnh báo, trong trường hợp “không giải quyết được tham nhũng thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy cải cách nghiêm túc cũng sẽ không thành công. Đây thực sự là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn, bế tắc của Iraq”.
Bên cạnh đó, đại diện của Liên hợp quốc về Iraq chỉ trích thỏa thuận chia sẻ quyền lực không chính thức - được gọi là Muhasasa trong tiếng Ả Rập - được thiết lập sau khi lật đổ ông Saddam Hussein năm 2003.
Theo thỏa thuận, vốn là cơ sở cho tất cả các Chính phủ Iraq tiếp theo, người Shiite nắm giữ 12 bộ, người Sunni 6, người Kurd 4 và phần còn lại được phân bổ cho các nhóm tôn giáo, sắc tộc khác, bất kể kết quả bầu cử.
Theo bà Hennis-Plasschaert, sự sắp xếp đó đã tạo nên một cộng đồng thông đồng và một cộng đồng tham nhũng.
“Tôi nghĩ rằng điều này cản trở sự phát triển của Iraq, vì nó làm phân tán các nguồn lực của nhà nước vốn dành cho sự phát triển quốc gia và giờ đang bị chuyển hướng sang các lợi ích tư nhân, đảng phái", bà nói.
Iraq được đánh giá là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, xếp thứ 157/180 theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Tình trạng tham nhũng lan rộng đã làm tê liệt nỗ lực của đất nước trong việc phục hồi sau nhiều thập kỷ chiến tranh và các lệnh trừng phạt kinh tế do Liên hợp quốc áp đặt.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Barham Salih ước tính, Iraq đã mất 150 tỷ USD do tham nhũng kể từ năm 2003.
Iraq đang dần nóng lên và khan hiếm nước
Bên cạnh tham nhũng, Chính phủ của ông Al Sudani cũng phải giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh và môi trường, trong bối cảnh chia rẽ chính trị gay gắt vốn đã khiến việc thành lập Chính phủ mới bị trì hoãn hơn một năm sau cuộc tổng tuyển cử năm 2021.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Iraq là quốc gia dễ bị tổn thương thứ năm trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trong 3 năm qua, đất nước này đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vượt quá 50°C ở nhiều nơi trong mùa hè, lượng mưa không đủ và giảm dần, thường xuyên xuất hiện các trận bão cát và bụi.
Cùng với việc lưu lượng nước của hai con sông chính bị giảm sau khi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thời tiết khắc nghiệt đã làm gia tăng tình trạng hạn hán và khan hiếm nước ở Iraq.
Sa mạc hóa ảnh hưởng đến 39% đất nước và 54% đất nông nghiệp của Iraq đã bị thoái hóa, chủ yếu là bởi đất bị nhiễm mặn do mực nước sông thấp trong lịch sử, ít mưa và mực nước biển dâng cao.
Bên cạnh các biện pháp trong nước chống lại biến đổi khí hậu, Chính phủ của ông Al Sudani cần thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dành cho Iraq một phần nước sông công bằng, điều mà các chính phủ trước đây đã không làm được. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho rằng, họ cũng đang bị khan hiếm nước và chỉ trích Iraq đang áp dụng các phương pháp thủy lợi lạc hậu.
Nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ
Nền kinh tế Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong nhiều thập kỷ đã phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ cho ít nhất 90% thu nhập.
Theo các chuyên gia, không có nỗ lực nghiêm túc nào nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, củng cố khu vực tư nhân hoặc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Iraq kể từ năm 2003.
Kết quả là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu giảm hoặc có biến động trên thị trường quốc tế, buộc Chính phủ phải đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Nhờ giá dầu tăng; sự mất giá của tiền tệ vào tháng 12/2020; và giới hạn chi tiêu áp đặt đối với chính phủ tạm thời kể từ cuộc bầu cử, dự trữ ngoại hối của nước này ở mức 85 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2003.
Với doanh thu từ dầu hàng tháng dao động quanh mức, và đôi khi vượt quá 10 tỷ USD trong một số tháng, dự trữ dự kiến sẽ tăng lên 90 tỷ USD vào cuối năm. Nước này cũng đã tăng dự trữ vàng lên mức 130,4 tấn vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương Iraq cho biết.
Nghèo đói và dịch vụ công yếu kém
Dù giàu có về dầu mỏ, nhưng sau nhiều thập kỷ chiến tranh, tham nhũng, quản lý yếu kém và đấu đá chính trị đã để lại một Iraq với các dịch vụ công yếu kém và cơ sở hạ tầng đổ nát.
Doanh thu từ dầu mỏ đã giúp Iraq thu về hàng tỷ USD kể từ năm 2003, nhưng người dân Iraq vẫn phàn nàn về đường sá tồi tàn, bệnh viện thiếu thốn và trường học đổ nát.
Điện và nước - những nhu cầu thiết yếu của người dân bị hạn chế. Nhiều người Iraq chỉ nhận được điện từ nhà nước vài giờ mỗi ngày và mua phần còn lại theo nhu cầu từ các máy phát điện tư nhân.
Theo Thủ tướng tiền nhiệm, nước này đã chi ít nhất 60 tỷ USD cho ngành điện kể từ năm 2003.
Trong những năm gần đây, Iraq đã phải trải qua mức gia tăng đáng báo động về tỷ lệ đói nghèo, do đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm tình hình.
Báo cáo gần đây nhất của Chính phủ cho biết, có thêm 4,5 triệu người Iraq bị đẩy vào cảnh đói nghèo trong năm 2020.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân