Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Anh
Thứ sáu, 08/09/2023 - 21:46
(Thanh tra) - Nhóm Các quốc gia chống tham nhũng (GRECO) của Hội đồng châu Âu ngày 7/9 đã ban hành báo cáo đánh giá vòng thứ năm về Romania.
Romania cần hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tham nhũng. Ảnh: Dmitry Shirinkin/Dreamstime.com
Báo cáo lưu ý rằng, Romania cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của cả hệ thống để thúc đẩy tính liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong chính quyền trung ương cũng như trong các cơ quan thực thi pháp luật.
Báo cáo của GRECO đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở các vị trí chức năng điều hành cao nhất của đất nước như: Tổng thống, thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, cố vấn tổng thống, cố vấn nhà nước, ủy viên quốc vụ, cố vấn bộ trưởng, và đội ngũ cán bộ lực lượng cảnh sát, hiến binh.
GRECO cho biết, mặc dù Romania đã phát triển khuôn khổ liêm chính về thể chế và pháp lý để thúc đẩy tính liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong các chức năng điều hành hàng đầu của chính quyền trung ương và các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng vẫn cần phải có thêm hành động.
Báo cáo xác định một số lĩnh vực cần cải thiện và bao gồm 26 khuyến nghị.
Đơn cử, GRECO cho rằng: “Việc Chính phủ thường xuyên sử dụng các sắc lệnh khẩn cấp để lập pháp trong những trường hợp đặc biệt là một vấn đề đáng quan ngại mà các cơ quan chức năng nên ưu tiên giải quyết”.
Hơn nữa, “cần thiết lập một cơ chế độc lập để giám sát việc chính quyền từ chối tiết lộ những thông tin được công chúng quan tâm mà không được công bố hoặc cập nhật thường xuyên trên nền tảng online”.
Cơ quan giám sát cũng cho rằng, khuôn khổ liêm chính pháp lý hiện tại của Romania cần phải rõ ràng, mạch lạc và ổn định hơn, đồng thời hiện tượng luân phiên đối với những người có chức năng điều hành cao nhất vẫn cần được điều chỉnh.
“Đối với lực lượng cảnh sát và hiến binh, chính quyền phải thực hiện các biện pháp để giải quyết việc bổ nhiệm rộng rãi các cán bộ thực thi pháp luật vào những vị trí quản lý, đặc biệt là do hiện tượng "trao quyền", vốn chủ yếu được để cho cấp bậc cao trực tiếp quyết định", theo GRECO.
Báo cáo khuyến nghị tăng cường và thực hiện việc kiểm tra tính liêm chính thường xuyên trong suốt sự nghiệp của các cán bộ thực thi pháp luật. Việc thực hiện các hoạt động thứ cấp không phải chịu sự sắp xếp giám sát hiệu quả và cần phải thiết lập các quy tắc để điều chỉnh việc tiết lộ và quản lý xung đột lợi ích trong lực lượng hiến binh".
Chính quyền Romania dự kiến sẽ báo cáo lại cho GRECO về việc thực hiện các khuyến nghị của mình trước ngày 31/12/2024.
Romania là thành viên của GRECO từ năm 1999 và đã được đánh giá trong khuôn khổ Vòng đánh giá lần thứ nhất (vào tháng 10/2001), lần thứ hai (vào tháng 2/2005), lần thứ ba (vào tháng 11/2010) và lần thứ tư (vào tháng 5/2014) của GRECO.
Romania từ lâu đã được nhắc đến là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu và có tiếng về tham nhũng.
Thế nhưng, Romania ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế Đông Âu lớn thứ 2 khu vực sau Ba Lan. Thậm chí, từ một quốc gia từng phải đi xuất khẩu lao động kiếm thu nhập về cho đất nước, Romania hiện đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của lao động nước ngoài cần nơi ổn định cuộc sống tại Đông Âu.
Năm 2023, nền kinh tế Romania dự kiến vượt xa các nước láng giềng, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), tiền tệ ổn định và đầu tư nước ngoài tăng.
Đáng chú ý, một số tiến bộ trong cải cách tư pháp của Romania đã khiến Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 11/2022 về việc dỡ bỏ cơ chế giám sát tư pháp đặc biệt mà nước này bị áp đặt kể từ khi gia nhập khối năm 2007.
Theo một quan chức EU, với điều kiện là tất cả các biện pháp chống tham nhũng trong chương trình quỹ phục hồi được thực hiện đúng cách, Romania có thể trở thành ví dụ về quản trị tốt trong khu vực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý