Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phản ứng toàn cầu là cần thiết để chống lại các mối đe dọa an ninh gia tăng trên biển

Ngọc Anh

Thứ ba, 10/08/2021 - 15:10

(Thanh tra) - Bất chấp sự sụt giảm tổng thể về lưu lượng hàng hải do đại dịch COVID-19, cướp biển và cướp tàu có vũ trang đã tăng gần 20% trong nửa đầu năm qua.

Các hoạt động chống cướp biển được tiến hành ở Vịnh Aden và bờ biển phía Đông của Somalia. Nguồn: US Navy / Ja'lon A. Rhinehart

Tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra tối 9/8 về chủ đề an ninh biển, bà Maria Luiza Ribeiro Viotti, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn.

Theo bà Viotti, các sự cố ở châu Á đã tăng gần gấp đôi, trong khi Tây Phi, eo biển Malacca và Singapore, Biển Đông, là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bên cạnh đó, mức độ mất an ninh “chưa từng có” ở Vịnh Guinea, gần đây là ở Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập, cũng đặc biệt đáng lo ngại.

Các mối đe dọa ngày càng tăng

Bà Viotti nói: “Tình trạng mất an ninh biển cũng đang phức tạp hơn khi đi cùng với mối đe dọa khủng bố xuất hiện từ khu vực Sahel.

Những mối đe dọa ngày càng gia tăng và liên kết với nhau này đòi hỏi một phản ứng toàn cầu và nhất thể hóa thực sự. Một phản ứng giải quyết trực tiếp những thách thức này cũng như nguyên nhân gốc rễ của chúng - bao gồm nghèo đói, thiếu sinh kế thay thế, mất an ninh và cơ cấu quản trị yếu kém".

Bên cạnh đó, an ninh biển cũng đang bị suy yếu bởi những thách thức xung quanh ranh giới và các tuyến hàng hải, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do đánh bắt bất hợp pháp hoặc không được báo cáo.

Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, phiên họp với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” là một cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hành động toàn cầu về một vấn đề quan trọng nhưng phức tạp, vì tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng, cho dù họ ở ven biển hay đất liền.

Phiên họp với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” được tổ chức bởi Ấn Độ tối 9/8. Ảnh: UN News

Từ cam kết đến hành động

Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhấn mạnh các công cụ pháp lý duy trì an ninh biển, như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thế nhưng, “khuôn khổ này chỉ mạnh khi các quốc gia cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả". "Chúng ta cần biến cam kết thành hành động”, bà Viotti kêu gọi.

Liên hợp quốc đã hoan nghênh các động thái của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường hợp tác về an ninh biển. Tổ chức toàn cầu này cũng ủng hộ các sáng kiến khu vực, bao gồm chống cướp biển ngoài khơi Somalia và cắt giảm nạn cướp tàu có vũ trang ở châu Á.

Bà Ghada Waly, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, một chương trình năm 2009, ban đầu được thành lập để giải quyết mối đe dọa cướp biển Somali, hiện là sáng kiến lớn nhất của UNODC, với ngân sách đã tăng từ 300.000 USD lên hơn 230 triệu USD.

Chương trình Tội phạm biển toàn cầu bao gồm khoảng 170 nhân sự tại 26 quốc gia, nhằm nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách luật pháp, các thử nghiệm mô phỏng và các trung tâm đào tạo biển.

“Tuy nhiên, những thách thức đối với an ninh biển tiếp tục gia tăng và các phản ứng của UNODC phải theo kịp", bà Waly nói và đề nghị Hội đồng Bảo an hành động theo hướng thực hiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng năng lực, mở rộng quan hệ đối tác và thúc đẩy ứng phó phòng chống tội phạm. Lãnh đạo UNODC nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu các lỗ hổng bảo mật.

“Cướp biển, tội phạm và khủng bố khai thác sự nghèo đói và tuyệt vọng để tuyển thêm người, có sự hỗ trợ và tìm nơi trú ẩn. Để chống lại những mối đe dọa này, chúng ta cần nâng cao nhận thức và giáo dục mọi người, đặc biệt là thanh niên; đồng thời, cung cấp sinh kế thay thế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương”, bà Waly nói.

Vấn đề toàn cầu

Phiên thảo luận mở được tổ chức bởi Ấn Độ, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, các đại dương là “huyết mạch” của thương mại quốc tế. Liên hợp quốc ước tính, hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển, phụ thuộc vào đại dương để kiếm sống và khỏe mạnh.

“Tuy nhiên, ngày nay di sản biển chung này của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau. Các tuyến hàng hải đang bị sử dụng sai mục đích cho cướp biển và khủng bố. Có những tranh chấp biển giữa một số quốc gia. Và biến đổi khí hậu, thiên tai cũng là thách thức đối với lĩnh vực biển”, ông Modi nói.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận mở cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã nêu những đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển, trong đó nhấn mạnh, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ và khuôn khổ nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm