Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nigeria cần 12 tỷ USD để làm sạch sự cố tràn dầu ở Bayelsa

Ngọc Anh

Thứ ba, 16/05/2023 - 14:23

(Thanh tra) - Bayelsa là một trong những bang sản xuất dầu lớn ở Đồng bằng sông Niger, một khu vực bị tàn phá bởi ô nhiễm, xung đột và tham nhũng liên quan đến ngành Dầu khí.

Sự cố dầu tràn gây ô nhiễm môi trường ở Bayelsa. Ảnh: punchng

Một báo cáo mới ngày 16/5 cho biết, Nigeria cần 12 tỷ USD để làm sạch các vết dầu loang đã hàng chục năm ở bang Bayelsa.

Báo cáo cũng chỉ ra, 2 "ông lớn" Shell và Eni phải chịu trách nhiệm cho phần lớn tình trạng ô nhiễm.

Theo Hãng tin Reuters, các công ty dầu mỏ lớn ở Nigeria từ lâu đã phải đối mặt với những thách thức pháp lý đối với sự cố tràn dầu ở Đồng bằng sông Niger. Trong khi, các doanh nghiệp này chủ yếu đổ lỗi cho hành vi phá hoại đường ống cũng như hoạt động lọc dầu bất hợp pháp.

Ủy ban Môi trường và Dầu mỏ bang Bayelsa trong một báo cáo cho biết, đã bắt đầu điều tra vào năm 2019 về tác động của sự cố tràn dầu và xem xét bằng chứng từ các nhà khoa học pháp y, mẫu máu của những người ở khu vực bị ảnh hưởng và dữ liệu của công ty.

Cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng, trong số những phát hiện khác, các chất ô nhiễm độc hại từ sự cố tràn dầu và khí gas cao hơn nhiều lần so với giới hạn an toàn trong các mẫu đất, nước, không khí và trong máu của cư dân địa phương.

"Báo cáo cho thấy những thất bại trong chiến lược phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của các công ty dầu mỏ", theo Ủy ban Môi trường và Dầu mỏ bang Bayelsa.

Người phát ngôn của Công ty Phát triển Dầu khí Shell của Nigeria cho biết, không được biết về báo cáo cuối cùng và không thể đưa ra bình luận.

Người phát ngôn của Eni cho biết, các vụ tràn dầu là do hành vi phá hoại, trộm cắp để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu bất hợp pháp cũng như xuất khẩu trái phép. Công ty đã cam kết khắc phục mọi sự cố tràn dầu.

Cũng theo người phát ngôn, hầu hết khí đốt được sản xuất từ đơn vị Nigeria của Eni đã được chuyển đổi thành khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và cung cấp cho các nhà máy điện địa phương; đồng thời cho biết thêm rằng, "Eni tiến hành các hoạt động của mình theo những thông lệ tốt nhất về môi trường quốc tế của ngành Dầu khí, không có bất kỳ sự phân biệt nào trên cơ sở quốc gia".

Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Dầu mỏ bang Bayelsa cho biết, các chất độc gây ăn mòn, các vấn đề về phổi và nguy cơ ung thư lan rộng. Trong khi, hoạt động dọn dẹp do các công ty dầu mỏ đứng đầu thường được thực hiện kém, có thể làm ô nhiễm thêm đất và nước ngầm.

Ủy ban đã thông qua một mô hình của Liên hợp quốc được sử dụng để tính toán chi phí làm sạch các vết tràn ở Ogoniland của Đồng bằng sông Niger hơn một thập kỷ trước và nhận thấy rằng, "việc làm sạch sẽ tiêu tốn 12 tỷ USD trong 12 năm" ở Bayelsa.

Nigeria là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về dầu mỏ.

Các nhà quản lý của Shell và Eni bị buộc tội tham nhũng trong việc mua một mỏ dầu ở Nigeria. Ảnh: AFP

Shell và Eni từng dính vào bê bối tham nhũng được đánh giá là lớn nhất trong ngành năng lượng, xung quanh việc mua mỏ dầu ngoài khơi OPL 245 vào năm 2011 ở Nigeria. Vụ việc liên quan đến một số bộ trưởng Nigeria và các công ty phương Tây.

Tháng 4/2011, Shell và Eni đã trả 1,3 tỷ USD (1,09 tỷ Euro) để mua lại quyền thăm dò lô OPL 245 từ Malabu Oil and Gas - công ty có đa số cổ phần thuộc về Bộ trưởng Dan Etete khi đó.

Các công tố viên Ý cho rằng, 1,1 tỷ USD trong giá mua là tiền hối lộ đưa vào túi của những người trung gian và chính trị gia, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Etete.

Phía công tố viên cũng lập luận rằng, Shell và Eni biết rằng, hầu hết số tiền đã được sử dụng để hối lộ.

Tuy nhiên, cả hai công ty đều phủ nhận các cáo buộc.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (cầm quyền từ tháng 5/2015) đã cam kết bài trừ tận gốc tham nhũng trong ngành dầu mỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm